Nỗi buồn mùa táo lỗi hẹn

Vài năm trở lại đây, Bàng La (Đồ Sơn) trở thành địa danh nổi tiếng không chỉ ở Hải Phòng còn ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước bởi sản vật đặc biệt địa phương: táo Bàng La. Cứ vào mỗi độ tết đến xuân về, những trái táo tròn căng, mọng nước, thơm ngon giòn ngọt lại theo chân các thương lái ngược xuôi các vùng miền tổ quốc, theo những chuyến xe, chuyến máy bay vào tận phương Nam nắng gió xa xôi. Vậy nhưng năm nay niềm vui của người dân Bàng La không được trọn vẹn bởi sản vật đặc biệt của địa phương đã lỗi hẹn với người dùng…

Theo chân anh Nguyễn Đình Trường – một thương lái có tiếng – chúng tôi đến Bàng La vào những ngày mà đáng ra đang vào vụ thu hoạch. Trên dọc con đường được trải bê-tông bằng phẳng, những vườn táo vắng bóng người, chỉ có những cành táo vượt ra khỏi hàng rào, tràn qua những bức tường bao, la đà và… xanh mướt lá.


Vụ táo năm nay sản lượng chỉ bằng 1/3 năm ngoái

Theo bác Đinh Văn Hùng, ở tổ dân phố Điện Biên thì trước đây, người dân Bàng La sống chủ yếu bằng nghề làm muối. Khoảng gần 20 năm trở lại đây, nghề làm muối gặp nhiều khó khăn, không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Quyết không để cái nghèo, cái đói đeo bám, với bản tính cần cù chịu khó, trên những ruộng muối cũ, người dân Bàng La xoay sang đào ao nuôi tôm, cá, lấp đất làm trang trại nuôi lợn, trồng rau, cà chua… Và trời đã không phụ lòng người, nhiều hộ làm muối đã tìm được hướng mới cho phát triển kinh tế gia đình với nghề trồng táo. Điều đáng ngạc nhiên là chính vị mặn mòi của chất đất cùng gió biển đậm đà đã tạo nên một sản vật đặc biệt với hương vị không lẫn đâu giữa rất nhiều chủng loại táo của các vùng khác, táo Bàng La. Và chính cây táo đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân phường Bàng La, quận Đồ Sơn hiện nay.

Hiện Bàng La có trên 70ha táo với khoảng 700 hộ dân trồng. Mùa thu hoạch táo Bàng La thường vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên từ nhiều năm nay, táo muối Bàng La đã trở thành đặc sản, là thứ quà Tết được nhiều người lựa chọn. Sau tiếng gọi í ới, phải đến năm phút sau mới thấy bác Hoàng Văn Đức, ở tổ dân phố Điện Biên, loẹt quẹt đôi dép ra đón khách. Thấy anh Trường – mối quen năm cũ, bác Đức phân trần: “Tôi đang dở tay ở chuồng lợn. Táo mất mùa thì phải xoay hướng khác ngay. Năm nay không ăn thua, táo đã trỗ ít lại không chín đúng vụ, trên cành còn nhiều quả xanh và nhỏ lắm. Chắc khoảng 20 ngày nữa mới chín rộ”.

Chúng tôi theo chân chủ vườn ra thăm vườn táo, nhìn những gốc táo to bằng hai ba gang tay người lớn, cành lá xum xuê nhưng quả thì thưa thớt, bác Đức cho biết: Mọi năm tầm này, các thương lái ra vào tấp nập, rộn rã tiếng thu mua, cân hàng. Hễ xuống vườn là vặt mỏi tay mà không hết quả, gia đình phải huy động 5 nhân lực hái cả ngày mới xuể. Ngày xuất vài tạ táo là chuyện thường. Năm nay đúng đợt táo trổ hoa thì mưa to và liên tục nên hoa rụng hết, sản lượng chỉ còn được 1/3 so với năm ngoái là cùng. Thế nên mới có cảnh giáp tết mà vẫn đìu hiu thế này. Đến giờ này mà táo vẫn chưa chín hết, quả nhỏ, mót cả vườn gần 1 mẫu với gần trăm gốc táo may ra được vài chục cân mỗi ngày. Bao nhiêu công chăm bẵm, trông chờ vào vườn táo cho vụ tết, vậy mà… – bác Đức buồn bã chia sẻ.

Nhiều vườn táo đậu rất ít quả

Được biết, mùa thu hoạch táo Bàng La thường vào đúng dịp Tết Nguyên đán nên từ nhiều năm nay, táo muối Bàng La đã trở thành đặc sản, là thứ quà Tết được nhiều người dặn nhau lựa chọn đặt mua. Táo Bàng La theo những chuyến xe, chuyến tàu, lên máy bay để có mặt tại Hà Nội, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh hay ra cả nước ngoài cho vơi nỗi lòng nhớ quê hương của những người con xa xứ.

Vào vụ mùa rộ, táo bán ra trừ chi phí chăm sóc, mỗi hộ gia đình cũng “dắt túi” được vài chục triệu đồng ăn tết. Nhưng năm nay, táo Bàng La mất mùa, sản lượng chỉ đạt khoảng 30% khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Nỗi buồn hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người khi nhìn vườn táo hàng trăm gốc mà họ dành cả năm trời để chăm bẵm vẫn xanh nguyên, không đậu quả. “Bao nhiêu công chăm bẵm, trừ chi phí phân bón, công chăm nữa thì coi như năm nay lỗ. Tuy nhiên, đã làm nghề thì phải chấp nhận chuyện thắng thua. Dù năm nay có bị mất mua nhưng không vì thế mà chúng tôi được xao nhãng chăm sóc vườn cây vì đây là chỗ dựa kinh tế của gia đình. “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây mà cô”, năm nay mất mùa thì tạm thời xoay việc khác bù đắp. Có điều năm sau, lúc chăm sóc sẽ chú ý hơn để giảm tác hại của thời tiết, coi như năm nay chúng tôi được ông trời dạy cho một bài học vậy” – bác Đức chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Đình Trường, những năm trước, táo Bàng La được bán tại vườn với giá từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ngày anh lấy khoảng 60-70kg. Cao điểm lấy 150kg/ngày, chủ vườn hái xong đóng bao gửi hàng qua xe khách. Táo về đến đâu bán hết đến đó vì người mua thường là khách quen biết chất lượng của táo nên đặt cho gia đình, họ hàng hoặc giới thiệu cho bạn bè. Năm nay táo mất mùa nên phải đến sớm để đặt cọc với chủ vườn. Giá táo cũng nhỉnh hơn một chút, giá giao tại vườn khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, giá bán ngoài thị trường dao động từ 45.000 – 50.000 đồng/kg.

Dạo quanh thị trường những ngày gần đây, mặc dù mất mùa nhưng những lái buôn nào nhanh tay vẫn kịp có hàng để bán nhưng số lượng có hạn. Treo biển bán táo Bàng La chính gốc nhưng cửa hàng của gia đình chị Hương ở đường Đà Nẵng ít khách ra vào. Chị Hương cho biết: “Năm nay táo mất mùa, quả nhỏ, không mọng nước như mọi năm, mà giá cũng cao hơn khiến hàng không bán chạy lắm. Dù không được lời bao nhiêu nhưng chúng tôi vẫn phải nhập bán để giữ mối cho năm sau”.

Năm 2015, táo Bàng La được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH & CN cấp chứng nhận bảo vệ nhãn hiệu. Đồng thời, táo Bàng La còn được đưa vào bản đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng mã vạch do Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường cấp. Kinh tế của địa phương cũng nhờ đó mà có bước tăng trưởng nhất định. Tuy nhiên, từ sự việc trên thiết nghĩ cần có sự hỗ trợ, gắn bó chặt chẽ giữa nhà nông – nhà khoa học hơn nữa để giúp cho những mùa táo không còn lỗi hẹn với người dân.

Ngân Hạnh – An ninh Hải Phòng 15/1/2018

Tin khác

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More