Mỗi năm, các cơ sở sản xuất tôm giống của Ninh Thuận có thể cung cấp sản lượng hơn 30 tỷ tôm post có chất lượng tốt, phục vụ nuôi thương phẩm cho các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Với lợi thế và tiềm năng sẵn có về biển, từ lâu Ninh Thuận được biết đến như một vùng đất hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất giống thủy sản.
Thực tế trong những năm qua, sản xuất giống thủy sản, đặc biệt là sản xuất tôm giống của Ninh Thuận đã có bước phát triển khá mạnh và đang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống lớn, chất lượng cao của cả nước.
Đối với lĩnh vực sản xuất tôm giống, hiện nay Ninh Thuận có 450 cơ sở sản xuất trong số 1.200 trại hoạt động sản xuất.
Tổng công suất bể ương hơn 130.000m3, với hai khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) và xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) có diện tích 225ha.
Đây là khu vực sản xuất giống thủy sản lớn nhất của tỉnh, thu hút hơn 100 doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống thủy sản như Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Grobest, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Uni-President Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn giống thủy sản Hisenor; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Úc… với sản lượng chiếm trên dưới 85% lượng giống của tỉnh.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Quê, hằng năm, các khu vực sản xuất tôm giống có thể cung cấp sản lượng hơn 30 tỷ tôm post có chất lượng tốt, phục vụ nuôi thương phẩm cho các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng cho đến Cà Mau, Kiên Giang.
Tính riêng trong năm 2018, sản lượng tôm giống trên toàn tỉnh đạt 31 tỷ con, dự kiến năm 2019 sản lượng ước đạt từ 33-35 tỷ con.
Ngoài sản xuất tôm giống, hiện nay Ninh Thuận còn hình thành khu vực sản xuất tôm bố mẹ; thu hút các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tạo nguồn tôm bố mẹ chất lượng như: khu sản xuất tôm sú bố mẹ của công ty Trách nhiệm hữu hạn Moana sản xuất trên 20.000 con tôm sú bố mẹ cho nhu cầu sản xuất trong nước và Công ty Việt Úc sản xuất tôm thẻ chân trắng.
Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết trong lĩnh vực sản xuất tôm giống, Ninh Thuận đang là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống lớn và phấn đấu sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.
Với năng lực sản xuất hằng năm trên 30 tỷ con, Ninh Thuận đảm bảo cung cấp cho khoảng 30% nhu cầu nuôi của cả nước.
Để đáp ứng nhu cầu đó, ngoài khu vực nuôi hiện có, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có định hướng phát triển sản xuất giống thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ninh Thuận sẽ quy hoạch hai khu vực cho sản xuất giống thủy sản tập trung ở An Hải và Nhơn Hải; trong đó, khu sản xuất giống An Hải sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi 186ha.
Tỉnh cũng xây dựng dự án và tìm nguồn lực để đầu tư với mục tiêu xây dựng thành khu sản xuất giống thủy sản tập trung, mang tính đồng bộ, hiện đại, ứng dụng tiến bộ công nghệ vào sản xuất, tạo con giống chất lượng cao.
Với khu vực sản xuất giống thủy sản Nhơn Hải, quy mô 100ha hiện nay đang tập trung 60% các cơ sở sản xuất giống, tỉnh sẽ quy hoạch lại các hệ thống cấp thoát, xử lý nước, giao thông, điện… một cách đồng bộ; thực hiện việc tổ chức lại mô hình sản xuất theo hướng liên kết, tập trung, nhằm đảm bảo sản xuất lâu dài, ổn định và bền vững.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng tôm giống; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đối với cơ sở sản xuất, ương dưỡng và lưu thông trên thị trường các sản phẩm tôm giống không đảm bảo chất lượng.
Theo ông Nguyễn Khắc Lâm, hiện nay trong khuôn khổ dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng trung tâm kiểm nghiệm chất lượng tôm giống với đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác xét nghiệm, chẩn đoán bệnh thủy sản.
Điều này nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tôm giống trước khi lưu thông trên thị trường, đảm bảo sự tin tưởng về chất lượng tôm giống được sản xuất tại Ninh Thuận.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất như lựa chọn và nuôi cấy thuần các loài tảo có giá trị dinh dưỡng cao dùng làm thức ăn cho giai đoạn ấu trùng; sử dụng công nghệ xử lý nước trước và trong khi nuôi; ương nuôi ấu trùng bằng công nghệ vi sinh…
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa cũng đã chủ động liên kết thành những cơ sở, doanh nghiệp lớn và tự trang bị thiết bị hiện đại, ứng dụng quy trình tiên tiến để tạo ra con giống chất lượng tốt. Từ đó, góp phần xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trên thị trường.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết tôm giống Ninh Thuận được xác định là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Năm 2018, tôm giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.
Đây là điều kiện quan trọng để tỉnh tiếp tục khẳng định thế mạnh của nghề sản xuất tôm giống; đồng thời, có những giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm tôm giống, giữ vững uy tín thương hiệu tôm giống Ninh Thuận.
Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận khi đưa vào khai thác, sử dụng sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý, nâng cao uy tín, thương hiệu của các cơ sở, doanh nghiệp chân chính.
Bên cạnh đó, giúp cho người nuôi tôm thương phẩm tại các tỉnh/thành trong cả nước có thể dễ dàng kiểm tra thông tin, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của đàn tôm giống./.