Print Thứ bảy, 21/12/2019 14:32 Gốc

Những ngày này, người dân Hải Phòng cũng như các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử vô cùng phấn khởi khi thông tin về việc phát hiện và khai lộ bãi cọc Cao Quỳ trong trận chiến thắng Bạch Đằng tại địa bàn xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng ngày một nhiều và càng ngày càng thêm chắc chắn.

Niềm vui vỡ òa, nhân lên gấp 10 lần

GS Vũ Minh Giang – TS Khoa học, Chủ tịch Hội đồng khoa học Đào tạo Quốc gia Hà Nội chia sẻ, GS là người Hải Phòng và lại là người nghiên cứu về vấn đề này nên niềm vui sướng như vỡ òa. Khi biết tin khai quật được bãi cọc Cao Quỳ, với một người nghiên cứu GS cảm nhận niềm vui như được nhân lên gấp 10 lần bởi chúng ta có thêm một hình dung mới về chiến trận quy mô lớn. Từ cách giăng trận địa thiên la địa võng trên sông Bạch Đằng cho thấy sự vĩ đại của ông cha ta thế kỷ XIII. Việc khai quật bãi cọc trên diện tích rộng cho thấy hoàn toàn tương xứng với quy mô trận đánh oai hùng, hé lộ thêm sự thật về trận đánh lịch sử. Tương lai, câu chuyện về trận đánh không chỉ đơn giản như đã mô tả trước đó.

Giáo sư TSKH Vũ Minh Giang trao đổi với PV tại bãi cọc được khai quật ở Cao Quỳ.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành chia sẻ, ông rất muốn có một tái hiện về chiến trận Bạch Đằng tại Hải Phòng. Chính vì vậy, GS đưa ra ý tưởng sẽ làm một bảo tàng tái hiện trận Bạch Đằng tại Hải Phòng.

Chiến trận Bạch Đằng là đòn chí mạng vào đế chế Nguyên – Mông – một đế chế tạo dựng được vùng lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương sang Địa Trung Hải, đi đến đâu thắng đến đó, nhưng đụng tới Việt Nam thì lại thua không chỉ một lần và yếu dần dẫn tới tan dã. Vì vậy, ý nghĩa quốc tế của chiến thắng Bạch Đằng là rất lớn.

Đánh giá cao quá trình khảo cổ và khai quật bãi cọc

Có mặt tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, GS Lê Văn Lan đánh giá rất cao những người khai quật những chiếc cọc tại 3 bãi H1, H2 và H3.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan chia sẻ tại bãi cọc.

GS Sử học Lê Văn Lan cho biết: “Chúng ta mới làm được một mẫu C 14 các-bon phóng xạ đồng vị mà chu kỳ bán hủy của nó là 5.560 năm. Qua tính toán, kết quả cho thấy thời gian khớp với chiến dịch Bạch Đằng năm 1288. Đấy là một mẫu xét nghiệm của một cây cọc. Có thể còn phải chờ một số mẫu khác nữa để chúng ta có kết quả tổng hợp đầy đủ, chính xác hơn về niên đại. Chúng ta được biết tới một trận địa cọc nữa và đặc biệt là được tìm thấy ở Thủy Nguyên, Hải Phòng“.

Giáo sư Lê Văn Lan đánh giá những người khai quật tại bãi cọc làm đúng phương pháp và rất cẩn trọng. Họ đã cẩn trọng làm những cái cột địa tầng. Qua quan sát, giáo sư nhận định chúng ta có được cột địa tầng trong đó xác định được nguồn gốc các lớp đất và đặc biệt là niên đại của những lớp đất để làm nền cho sự chọn lựa khu đất này để chôn, đóng những chiếc cọc như chúng ta trực tiếp thấy ở bãi cọc nêu trên. Vấn đề khảo cổ học ở đây về mặt địa tầng được giải quyết rất tốt, những chiếc cọc không phải tìm theo kiểu tìm đồ cổ, vớ được cái cọc là đào lên và mang tới, mà ở bãi cọc này được giữ nguyên hiện trạng và có phương pháp. Phương pháp thể hiện ở mặt cắt, đỉnh, đáy và cả những địa tầng lớp đất xung quanh đều được giữ.

Với cách làm như vậy, ai muốn phản biện hay cần suy nghĩ thêm đều có cơ sở không như một số cuộc khai quật ở nơi khác hơi nóng vội, bóc tuột tất cả những thứ bên trên và chỉ còn phần đáy.

Phần đất có cọc được khai quật.

Về những chiếc cọc cũng được khai quật rất tốt thể hiện qua việc bảo quản tại chỗ, cho phép tìm hiểu về nhiều phương diện khả thi.

Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử

Đó là vấn đề được quan tâm và nhiều câu hỏi được hầu hết các nhà nghiên cứu, chuyên gia có mặt thực địa tại bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đặt ra chiều 20/12.

TSKH Vũ Minh Giang bày tỏ quan điểm: “Sau khi xuất lộ và được khai quật thì khâu bảo tồn sẽ như thế nào? Những chiếc cọc được ngâm dưới đất hàng nghìn năm, giờ khai quật, mặt trời chiếu, ánh nắng, nhiệt độ sẽ phá hủy rất nhanh nên việc bảo tồn như thế nào? Việc bảo tồn trong lòng đất có khi sẽ giữ được lâu hơn khi xuất lộ. Tiếp đến, chúng ta sẽ phát huy ý nghĩa của trận Bạch Đằng như thế nào? Việc tôn tạo, phát huy làm sao cho sinh động, thu hút giới trẻ tới xem bằng sự thích thú và tự hào. Và cách tái hiện cho lớp trẻ và những người đến tham quan có thể thấy rõ được chiến trận của các cụ trước đó phải đi đẵn gỗ như thế nào? Vận chuyển ra lòng sông ra sao? Điều đó hay và thu hút vô cùng“.

Một trong những chiếc cọc được khai quât tại Cao Quỳ, Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Theo GS Lê Văn Lan, tiếp sau việc khai quật là nghiên cứu, suy nghĩ, tìm tòi và đánh giá. Đánh giá rất nhiều điều đặt ra như tại sao cọc được đóng tại đây? Có phải chỉ đóng cọc không thôi? Và cọc được đóng bằng cách nào hay có cả chôn? Cọc được chế tác ở đây hay không? Những cái ngoàm còn lại được đóng bè để chuyển tới bãi cọc Cao Quỳ? Về mặt kỹ thuật còn rất nhiều điều, nhiều dữ liệu để tiếp tục phải tìm hiểu và tư duy, phát huy chứ chưa thể dừng lại ở đây. Chúng ta hy vọng, với những tiền đề được tạo ra chúng ta sẽ có những khả năng tốt để tiếp tục làm việc. Về mặt tư liệu cho thấy rõ, khu vực được khai quật nêu trên là bãi chiến trường. Những chiếc cọc xuất lộ có giá trị là vật chứng, hiện vật rất đáng quý.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Niềm vui xuất lộ bãi cọc quý hàng nghìn năm tại Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác