Chính trị

Những xu hướng đáng chú ý nổi lên từ dịch COVID-19

Sự tổn thương của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột; suy yếu cơ chế quản lý khủng hoảng quốc tế và giải quyết xung đột là hai trong số những xu hướng được nhận định là nổi lên từ dịch COVID-19.

Theo nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế – ICG, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 rõ ràng đang tạo ra những thách thức lịch sử đối với nền kinh tế toàn cầu và ngành y tế, đồng thời có thể để lại những hậu quả chính trị cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Cửa hàng tại New York, Mỹ, đóng cửa ngày 23/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN).

Sự bùng phát của dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu có nguy cơ hủy hoại những quốc gia dễ bị tổn thương, châm ngòi bất ổn xã hội lan rộng và thách thức nghiêm trọng các hệ thống quản lý khủng hoảng quốc tế. Hệ lụy của nó đặc biệt nghiêm trọng đối với những cộng đồng bị mắc kẹt trong xung đột, khi dịch bệnh có thể làm gián đoạn nguồn viện trợ nhân đạo, hạn chế các hoạt động hòa bình, làm xao nhãng các bên xung đột cũng như những nỗ lực ngoại giao.

Một số nhà lãnh đạo thậm chí có thể nhân đại dịch này để thúc đẩy những mục tiêu của mình, làm trầm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trong nước và quốc tế như trấn áp bất đồng chính kiến hoặc leo thang xung đột với các quốc gia đối thủ trong khi thế giới đang phải “căng mình” đối phó với dịch bệnh.

COVID-19 đã thúc đẩy các xung đột địa-chính trị, như việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc là nguồn cơn của dịch bệnh, trong khi Bắc Kinh tìm cách gia tăng ảnh hưởng thông qua cung cấp viện trợ cho những nước bị dịch bệnh tác động, qua đó càng làm phức tạp hơn mâu thuẫn giữa các nước lớn trong hợp tác quản lý khủng hoảng.

Chưa rõ ở đâu và khi nào virus SARS-CoV-2 sẽ có tác động mạnh nhất, và các yếu tố kinh tế, xã hội và chính trị có thể hội tụ như thế nào, thậm chí châm ngòi hoặc làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng.

Cũng không chắc chắn rằng hậu quả của đại dịch sẽ là hoàn toàn tiêu cực đối với nền hòa bình và an ninh. Các thảm họa thiên nhiên đôi khi dẫn đến việc giảm bớt các xung đột, khi các đảng phái đối lập phải cộng tác cùng nhau hoặc ít nhất là cùng tập trung duy trì và xây dựng lại xã hội.

Đã có một vài dấu hiệu cho thấy các chính phủ đang cố gắng giảm bớt căng thẳng chính trị dưới cái bóng của COVID-19, như Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait cung cấp viện trợ nhân đạo cho Iran, nơi được coi là một trong những “tâm dịch” tồi tệ nhất ngoài Trung Quốc.

Nếu đại dịch có khả năng làm trầm trọng thêm một số cuộc khủng hoảng quốc tế thì nó cũng có thể tạo ra các cơ hội để cải thiện những khía cạnh khác.

Những tháng tới được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, khi Mỹ và các nước châu Âu tập trung khắc phục hậu quả của COVID-19, trong khi dịch bệnh này có khả năng lây lan sang các nước nghèo và bị chiến tranh tàn phá.

Ngoại trừ Iran, trong giai đoạn đầu COVID-19, các quốc gia bị ảnh hưởng chủ yếu như Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy đều có nguồn lực để xử lý khủng hoảng dù không đồng đều và phải trả giá không nhỏ đối với hệ thống y tế và nền kinh tế.

Cho đến nay, các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn, khả năng quản trị nhà nước thấp hơn hoặc đang chìm trong xung đột lại đang ghi nhận các trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ít hơn, song hậu quả chắc chắn sẽ rất thảm khốc nếu dịch bệnh bùng phát tại những nước này.

Tuy nhiên, số liệu lây nhiễm thấp hơn dường như là kết quả của việc thiếu năng lực xét nghiệm hoặc độ trễ giữa thời kỳ virus ủ bệnh và biểu hiện lâm sàng. Số trường hợp được xác nhận đang tăng dần tại các khu vực bất ổn của thế giới Arab và châu Phi.

Nếu các quốc gia này nỗ lực áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp khác để ngăn chặn virus lây lan, thì có thể sớm chứng kiến số người nhiễm bệnh tăng vọt giống như tình trạng châu Âu hiện nay.

Với việc thiếu hụt các cơ sở y tế, những tổn thương đó thật khó có thể đong đếm. Nếu dịch bệnh lây lan ở các đô thị có mật độ dân số cao tại những quốc gia dễ bị tổn thương, gần như chắc chắn chính phủ các nước này sẽ không thể kiểm soát được tình hình.

Tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng sẽ làm gián đoạn dòng chảy thương mại, gia tăng thất nghiệp và gây ra thiệt hại rất lớn. Suy thoái chắc chắn sẽ tác động nặng nề tới các quốc gia yếu ớt, đặc biệt là những khu vực đang chìm trong bất ổn và xung đột.

Tất cả các chính phủ đều phải đối mặt với lựa chọn khó khăn trong ứng phó dịch COVID-19. Các quốc gia từ khu vực Schengen cho đến Sudan đã áp đặt phong tỏa biên giới. Nhiều nơi cấm một phần hoặc cấm hoàn toàn tụ tập đông người nơi công cộng, hoặc đề nghị người dân hãy ở nhà.

Đây là những biện pháp cần thiết nhưng tốn kém, đặc biệt khi đại dịch được dự báo có thể kéo dài hơn một năm cho đến khi thế giới có vắc-xin đặc trị. Tác động kinh tế đối với việc hạn chế đi lại trong nhiều tháng sẽ rất thảm khốc.

Tuy nhiên, dỡ bỏ các hạn chế sớm cũng có nguy cơ làm tăng các ca lây nhiễm mới, từ đó lại phải áp dụng các biện pháp cách ly trở lại, làm tăng thêm tác động kinh tế và chính trị của dịch bệnh, cũng như đòi hỏi các chính phủ trên toàn thế giới phải bơm thêm thanh khoản và kích thích tài khóa.

Sự tổn thương của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột

Dân số tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột hay trong tàn dư chiến tranh đều dễ bị tổn thương trước sự bùng phát của dịch bệnh. Trong nhiều trường hợp, chiến tranh hoặc tình trạng bất ổn kéo dài, đặc biệt là khi kết hợp cùng quản trị sai lầm, tham nhũng hoặc các lệnh trừng phạt nước ngoài, khiến hệ thống y tế quốc gia không được chuẩn bị tốt để ứng phó với dịch COVID-19.

Ví dụ, tại Libya, Chính phủ Đoàn kết Dân tộc được Liên hợp quốc công nhận ở thủ đô Tripoli dù đã cam kết dành khoảng 350 triệu USD để đối phó với dịch COVID-19, song có một thực tế không thể phủ nhận là hệ thống y tế của Libya đã xuống cấp nghiêm trọng trong suốt giai đoạn nội chiến.

Tại Venezuela, khủng hoảng chính trị giữa chính phủ theo đường lối cánh tả và phe đối lập đã làm xói mòn các dịch vụ y tế. Dịch COVID-19 nếu bùng phát sẽ nhanh chóng “đánh sập” hệ thống y tế của nước này.

Ở Iran, phản ứng chậm chạp của chính phủ cùng với tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đã tạo ra thảm họa, khi một số báo cáo cho biết, virus SARS-CoV-2 đang khiến 5-6 bệnh nhân tại Iran tử vong hàng giờ.

Trong khi đó, tại Dải Gaza, hệ thống chăm sóc sức khỏe suy yếu sau nhiều năm bị phong tỏa không đủ trang thiết bị để đáp ứng mật độ dân số cao ngay cả từ trước dịch COVID-19.

Trước những vướng mắc thể chế như vậy, thật khó để thuyết phục người dân, vốn có quá ít niềm tin vào giới lãnh đạo và chính phủ, tuân theo các chỉ thị y tế cộng đồng.

Kinh nghiệm từ sau đợt bùng phát dịch Ebola hồi năm 2014 ở Guinea, Liberia và Sierra Leone cho thấy, virus lây lan không chỉ vì sự giám sát dịch tễ không hiệu quả, năng lực yếu kém của hệ thống y tế, mà còn do người dân hoài nghi về những gì chính phủ tuyên bố hoặc yêu cầu người dân làm theo.

Những nghi ngờ này xuất phát một phần từ thông tin sai lệch và tình trạng căng thẳng chính trị dai dẳng ở một số khu vực bị chiến tranh tàn phá trong thập kỷ qua.

Với những khu vực xung đột đang xảy ra, các cơ quan cứu trợ và nhân đạo quốc tế sẽ khó có thể tiếp tế cho người dân. Các khu vực xung đột có nguy cơ bùng phát COVID-19 mạnh nhất có thể là tỉnh Idlib phía Tây Bắc Syria, và Yemen.

Hai quốc gia này đều đang trải qua cuộc khủng hoảng y tế trong suốt giai đoạn nội chiến. Những người phải rời bỏ nhà cửa, những người tị nạn và người di cư đặc biệt phải đối mặt với sự bùng phát của dịch COVID-19, do điều kiện sống khốn khổ và các điều kiện y tế hạn chế.

Lịch sử đã ghi nhận về nguy cơ lây nhiễm bệnh trong các trại tị nạn và mối nguy đó đang xuất hiện trở lại, cho dù tại một số khu vực, các dịch vụ y tế có sẵn trong các trại tị nạn có thể còn tốt hơn so với những cộng đồng dân cư xung quanh.

Giới chức Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại về tình trạng trại tị nạn al-Hol ở phía Đông Bắc Syria, nơi có hơn 70.000 người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, chạy trốn khỏi thành trì cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi nó sụp đổ, trong đó có người Syria, người Iraq và khoảng 10.000 công dân mang các quốc tịch khác nhau.

Đây thực sự là một thảm họa nhân đạo, khi họ không có đủ lương thực, nước sạch, không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và khiến họ càng trở nên dễ bị tổn thương trước dịch COVID-19.

Lực lượng chức năng cung cấp bữa ăn miễn phí cho người vô gia cư tai thủ đô Pretoria. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN).

Tại một số nơi khác ở Trung Đông, châu Phi và châu Á, những người di cư cũng có nguy cơ phải đối mặt với sự bùng phát quy mô lớn của dịch COVID-19 trong các trại tị nạn nơi họ cư trú.

Trong bối cảnh đó, một làn sóng tháo chạy hoảng loạn sẽ xảy ra, khiến dân cư bản địa hoặc chính quyền địa phương phản ứng mạnh mẽ để ngăn chặn và tạo ra nguy cơ leo thang bạo lực. Các quốc gia đang cố gắng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng sẽ coi những dòng người tị nạn như một hiểm họa đáng sợ.

Dịch COVID-19 cũng có thể làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Trung Mỹ, vốn gắn liền với các chính sách nhập cư của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đe dọa nguy cơ bạo lực gia tăng trong khu vực.

Sau khi tuyên bố đóng cửa biên giới phía Nam đối với tất cả các phương tiện giao thông không thiết yếu từ ngày 21/3, Mỹ đã nỗ lực ngăn chặn sự xuất hiện của người di cư và người tị nạn từ Trung Mỹ và tìm cách đưa họ hồi hương.

Các động thái trục xuất của Mỹ và Mexico có thể đẩy những người phải hồi hương vào hoàn cảnh bị ghẻ lạnh khi về nước do lo sợ họ mang mầm bệnh.

Suy yếu cơ chế quản lý khủng hoảng quốc tế và giải quyết xung đột

Lý do vì sao những người tị nạn và di cư có khả năng dễ bị tổn thương trước COVID-19 là dịch bệnh này có thể làm suy yếu nghiêm trọng năng lực của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các khu vực bị xung đột. WHO và các quan chức quốc tế khác lo ngại rằng những hạn chế liên quan đến căn bệnh này sẽ cản trở hoạt động cung ứng nhân đạo.

Tuy nhiên, các cơ quan nhân đạo không phải là bộ phận duy nhất của hệ thống đa phương chịu áp lực từ đại dịch, mà hơn hết dịch bệnh cũng kìm hãm các nỗ lực kiến tạo hòa bình.

Tình trạng hạn chế đi lại bắt đầu ảnh hưởng tới các nỗ lực hòa giải quốc tế. Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Trung Đông không thể di chuyển trong khu vực này do nhiều nước đóng cửa sân bay.

Nhiều tổ chức đã đình chỉ các sáng kiến ngoại giao khu vực từ Nam Caucasus đến Tây Phi, trong khi phái viên Nhóm Liên lạc Quốc tế tại Venezuela (một nhóm các quốc gia châu Âu và Mỹ Latinh đang tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela) đã phải hủy chuyến đi tới Caracas vốn bị trì hoãn từ lâu vì những lý do liên quan tới dịch COVID-19.

Dịch bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan được lên kế hoạch theo sau thỏa thuận sơ bộ trong tháng Hai vừa qua giữa Mỹ và Taliban, hoặc ít nhất làm giảm số lượng các bên tham gia đàm phán.

Nhìn rộng hơn, dịch COVID-19 sẽ khiến nhiều nhà lãnh đạo quốc tế chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ, họ còn rất ít hoặc không có thời gian dành cho các cuộc xung đột và tiến trình hòa bình.

Các quan chức châu Âu nói rằng những nỗ lực duy trì lệnh ngừng bắn ở Libya (từng là một ưu tiên đối với Berlin và Brussels) đã không còn nhận được sự quan tâm cấp cao.

Giới ngoại giao có mong muốn ngăn chặn một thảm họa nhân đạo ở miền Bắc Yemen rất cần tranh thủ thời gian và sự ủng hộ của các quan chức cấp cao Saudi Arabia và Mỹ, song các cuộc thảo luận với sự hiện diện của hai nước này đã hủy bỏ hoặc hoãn lại do tình hình dịch bệnh.

Tại châu Phi, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với các đối tác từ Ethiopia và Somalia nhằm xoa dịu căng thẳng leo thang giữa Nairobi và Mogadishu, trong bối cảnh giới chức Kenya phải tập trung cho nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo EU và các quốc gia G5 Sahel (gồm Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Nigeria) cũng đã bị hủy, giáng một đòn mạnh vào nỗ lực thúc đẩy các hoạt động chống khủng bố trong khu vực.

Rủi ro bất ổn trật tự xã hội

Dịch COVID-19 có thể tạo ra những sức ép lớn đối với xã hội và các hệ thống chính trị, châm ngòi nguy cơ bùng phát bạo lực mới. Trong ngắn hạn, mối đe dọa từ dịch bệnh sẽ là tác nhân ngăn chặn tình trạng bất ổn khi những người biểu tình tránh các cuộc tụ tập đông người.

Sự xuất hiện của COVID-19 tại Trung Quốc chính là nhân tố làm suy giảm các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh ở Hong Kong. Số người biểu tình xuống đường ở Algeria để phản đối chính phủ cầm quyền tham nhũng cũng đã giảm đáng kể.

Duy chỉ có một ngoại lệ diễn ra ở Nigeria, khi những người phản đối vẫn xuống đường chống lại các quy định cấm biểu tình mà chính phủ nước này gia hạn do lo ngại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, sự bình yên trên đường phố có thể chỉ là hiện tượng nhất thời và dễ gây hiểu lầm. Các hậu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng từ đại dịch này có thể tác động đến mối quan hệ giữa chính phủ và người dân, đặc biệt khi các dịch vụ y tế bị đình trệ.

Duy trì trật tự công cộng trở thành thách thức lớn nếu lực lượng an ninh trấn áp quá mức, trong khi người dân ngày càng thất vọng với phản ứng của chính phủ đối với dịch bệnh này.

Dấu hiệu sớm của rối loạn xã hội đã có thể quan sát được tại Ukraine, khi những người biểu tình tấn công xe buýt chở người dân hồi hương từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, với cáo buộc rằng họ đang mang mầm bệnh về nước.

Các cuộc vượt ngục được ghi nhận xảy ra ở Venezuela, Brazil và Italy, trong khi bạo loạn xảy ra tại Colombia khi nhiều tù nhân phản đối các điều kiện phòng ngừa dịch bệnh yếu kém.

Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh dù chính đáng cũng có thể khơi gợi các phản ứng tức giận. Tại Peru, chính quyền đã bắt giữ hàng trăm người dân do vi phạm những quy tắc kiểm dịch, và một số trường hợp dẫn đến các hành vi chống đối.

Ở góc nhìn rộng hơn, tác động kinh tế thảm khốc của dịch bệnh này cũng có thể gieo mầm cho những bất ổn trong tương lai. Nó có thể xảy ra ngay cả khi các quốc gia có trải qua đợt bùng phát dịch bệnh lớn hay không, và tất nhiên hậu quả đối với những nước là “tâm dịch” sẽ lớn hơn rất nhiều.

Kinh tế toàn cầu rõ ràng đang rơi vào một cuộc suy thoái với quy mô chưa thể đong đếm được. Những hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch COVID-19 sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại và nguồn cung cấp thực phẩm, khiến vô số doanh nghiệp phải đóng cửa và đẩy tình trạng thất nghiệp tăng vọt.

Những chính phủ có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, đặc biệt là một số quốc gia châu Phi, đang dần cảm nhận nỗi đau suy giảm thương mại. Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt phải vật lộn với sự sụp đổ của giá năng lượng.

Các quốc gia như Nigeria, nước có liên kết xuất nhập khẩu gần gũi với Trung Quốc và dựa chủ yếu vào nguồn dầu thô cho ngân sách công, đang bị tổn thương sâu sắc.

Biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đang áp dụng, cùng với các tác động kinh tế khác của dịch COVID-19, như sự sụt giảm lượng khách du lịch ở những khu vực phụ thuộc vào du khách nước ngoài, có thể dẫn đến những “cú sốc” kinh tế tác động tức thời, tạo ra nguy cơ rối loạn lao động và bất ổn xã hội.

Như dự báo đưa ra hồi đầu năm 2020, các cuộc biểu tình bắt nguồn từ sự bất bình kinh tế có thể nổi lên mạnh mẽ trong năm nay. Sự tức giận về tác động của dịch COVID-19 và thất vọng với cách quản trị sai lầm sẽ kích hoạt các cuộc biểu tình mới.

Suy giảm kinh tế cũng sẽ có tác động tức thì đối với xã hội ở các nước thu nhập thấp. Trên khắp khu vực cận Sahara châu Phi, hàng triệu người phụ thuộc vào thu nhập hàng ngày để nuôi sống gia đình. Việc phong tỏa và cách ly kéo dài có thể nhanh chóng gây ra sự tuyệt vọng và rối loạn xã hội lan rộng.

Một điểm đáng lo ngại khác là dịch COVID-19 có nguy cơ làm nảy sinh tâm lý “bài ngoại,” đặc biệt là ở các quốc gia có cộng đồng nhập cư lớn.

Trong giai đoạn đầu của khủng hoảng, những lao động Trung Quốc ở Kenya phải đối mặt với sự quấy rối liên quan đến nghi ngờ rằng các chuyến bay của hãng hàng không China Southern Airline đang mang virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào nước này.

Có nhiều bằng chứng cho thấy gia tăng định kiến đối với người Trung Quốc ở Mỹ và các nước phương Tây khác. Dịch COVID-19 có nguy cơ thúc đẩy hơn nữa tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực nhằm vào người nước ngoài.

Khai thác chính trị trong khủng hoảng

Trong bối cảnh áp lực xã hội gia tăng, giới lãnh đạo chính trị sẽ có nhiều cơ hội để cố gắng khai thác dịch COVID-19, hoặc để củng cố quyền lực trong nước hoặc theo đuổi lợi ích của họ ở nước ngoài.

Trong ngắn hạn, nhiều chính phủ dường như bối rối bởi tốc độ lây lan, phạm vi và nguy cơ bùng phát dịch bệnh và trong một số trường hợp, dịch COVID-19 còn lây nhiễm trong cả giới tinh hoa chính trị.

Một đợt bùng phát ở thủ đô Brasilia của Brazil đã khiến nhiều quan chức và chính trị gia nhiễm bệnh. Ở Iran, đã có hàng chục trường hợp quan chức cấp cao và nghị sĩ Quốc hội mắc COVID-19.

Tại Burkina Faso, nhiều ca nhiễm bệnh được ghi nhận trong các thành viên nội các. Phó chủ tịch Quốc hội nước này là trường hợp quan chức tử vong đầu tiên được ghi nhận ở khu vực cận Sahara châu Phi.

Trong bối cảnh đó, dịch bệnh sẽ làm suy yếu năng lực quản trị để đưa ra các quyết sách trong lĩnh vực y tế và giải quyết sức ép khủng hoảng.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh tạo ra khủng hoảng, một số nhà lãnh đạo có thể ra lệnh áp dụng các biện pháp hạn chế, và sau đó kéo dài chúng với hy vọng dập tắt các ý kiến bất đồng khi dịch bệnh thuyên giảm.

Những biện pháp như vậy có thể bao gồm lệnh cấm vô thời hạn đối với các cuộc tụ tập đông người nơi công cộng (vốn được nhiều chính phủ áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19) nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình.

Các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm 2020 và thậm chí sau đó, cũng có thể bị hoãn lại. Sự biện minh y tế là một lý do thích đáng, song dịch COVID-19 cũng có thể được sử dụng như một cái cớ để trì hoãn và thu hẹp không gian chính trị.

Thật vậy, dịch bệnh có thể là lý do thỏa đáng để trì hoãn bỏ phiếu trong những trường hợp như vậy. Đại dịch cũng sẽ làm cản trở quá trình triển khai hỗ trợ bầu cử quốc tế và các nhiệm vụ của quan sát viên.

Tuy nhiên, các đảng phái đối lập có khả năng nghi ngờ những lý do này, đặc biệt ở các quốc gia có niềm tin chính trị thấp, đang trong tình trạng bất ổn hoặc các chính phủ có lịch sử thao túng bầu cử.

Một số nhà lãnh đạo cũng có thể coi COVID-19 là vỏ bọc để bắt đầu theo đuổi cuộc phiêu lưu gây bất ổn ở nước ngoài, nhằm làm chệch hướng sự bất mãn trong nước hoặc vì họ cảm thấy sẽ gặp phải ít cản trở hơn trong bối cảnh thế giới đang mải mê đối phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Bước ngoặt trong quan hệ các nước lớn?

Tác động tiềm tàng của COVID-19 đối với các vấn đề cụ thể có thể bị cường điệu, do thực tế là hệ thống toàn cầu đang trong trạng thái sắp xếp lại. Thời điểm hiện tại rất khác biệt so với các cuộc khủng hoảng quốc tế khác.

Khi khủng hoảng tài chính tạo ra cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, Mỹ vẫn có đủ nguồn lực để định hướng phản ứng quốc tế thông qua Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), mặc dù Washington cũng thận trọng đưa Bắc Kinh vào trong tiến trình này.

Năm 2014, Mỹ phải chịu trách nhiệm khi đưa ra phản ứng chậm trễ đối với cuộc khủng hoảng Ebola ở Tây Phi. Và nay Washington – vốn đã chứng kiến tầm ảnh hưởng quốc tế suy yếu đáng kể – lại sai lầm trong ứng phó với dịch COVID-19 trong nước và không thể kết nối các quốc gia khác xích lại gần nhau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ chĩa “mũi dùi” vào Trung Quốc sau các cáo buộc về nguồn gốc của dịch bệnh mà còn chỉ trích các nước Liên minh châu Âu (EU) không thể ngăn chặn dịch bệnh này.

Ngược lại, Trung Quốc, sau khi phải đối phó với hậu quả của sự bùng phát dịch bệnh ban đầu, Bắc Kinh bắt đầu đáp trả Washington bằng cách cáo buộc Mỹ tiến hành một chiến dịch thông tin sai lệch vô trách nhiệm.

Trung Quốc cũng nhận thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu để có được ảnh hưởng lớn hơn đối với các quốc gia khác thông qua nghĩa cử nhân đạo. Bắc Kinh đã sử dụng bộ máy ngoại giao của mình để xác định vị thế như một bên quốc tế dẫn dắt cuộc chiến chống lại sự bùng phát tiềm tàng của COVID-19 trên lục địa châu Phi.

Ngày 16/3, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma tuyên bố sẽ cung cấp 20.000 bộ dụng cụ xét nghiệm, 100.000 khẩu trang và 1.000 trang bị bảo hộ cho mỗi quốc gia châu Phi. Vị tỷ phú này cho biết sẽ chuyển các khoản quyên góp này thông qua Ethiopia, đồng thời phối hợp với Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người giành giải Nobel Hòa bình 2019, để điều phối công tác hỗ trợ.

Ngày 19/3, Bắc Kinh tiếp tục củng cố chính sách ngoại giao của mình trong vấn đề này, công bố kế hoạch xây dựng một Trung tâm nghiên cứu phòng chống dịch bệnh châu Phi ở thủ đô Nairobi của Kenya.

Bắc Kinh cũng đã đưa ra lời đề nghị hỗ trợ cho các nước thành viên EU, nhằm làm giảm bớt những áp lực mà châu Âu chỉ trích Trung Quốc về công tác xử lý ban đầu đối với “ổ dịch” tại Vũ Hán.

Nhìn chung, bất chấp những lời kêu gọi của WHO về sự đoàn kết, đại dịch đang diễn ra dưới cái bóng địa-chính trị bị chia rẽ. Một số nhà lãnh đạo đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng về sự chia rẽ này.

Tổng thống Serbia, ông Aleksandar Vučić đã tuyên bố rằng quốc gia này thiếu sự hỗ trợ thực sự từ EU, trong khi tất cả những “hy vọng cá nhân” của ông đều tập trung vào Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác.

Cuộc đấu tranh giữa các cường quốc nhằm tận dụng sự xáo trộn chung không chỉ làm phức tạp hợp tác kỹ thuật chống COVID-19, mà còn khiến các cường quốc khó đồng thuận hơn về cách xử lý các bất đồng chính trị mà khủng hoảng tạo ra, hoặc thậm chí làm trầm trọng hơn tình hình.

Dịch COVID-19 và cách thức xử lý khủng hoảng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến trật tự đa phương nổi lên sau dịch bệnh. Vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động đó, song hiện có thể nhận ra hai bài học đắt giá: Một là các quốc gia phải phối hợp với nhau tốt hơn để đánh bại COVID-19, và bài học thứ hai là các quốc gia cần phải tự bảo vệ bản thân tốt hơn khỏi các nguy cơ dịch bệnh.

Cuộc khủng hoảng cũng là phép thử quan trọng đối với các quốc gia nhằm quản lý tốt hơn các bất bình xã hội. Khi đại dịch xảy ra, nó sẽ kiểm nghiệm không chỉ năng lực hoạt động của các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, mà còn cả những giả định căn bản về giá trị và “mặc cả chính trị” đằng sau đó.

Những cơ hội nắm bắt

Mặc dù các dấu hiệu cảnh báo liên quan đến COVID-19 là rất đáng lo ngại, song cũng có những tia hy vọng mong manh. Quy mô của dịch bệnh tạo ra những “dư địa” cho nghĩa cử nhân đạo giữa các đối thủ với nhau.

Ví dụ, UAE đã vận chuyển hơn 30 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho Iran để đối phó với dịch bệnh. Các quốc gia có quan hệ chặt chẽ hơn với Iran như Kuwait và Qatar, cũng đã có các hình thức hỗ trợ khác nhau.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã viết thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bày tỏ sẵn sàng giúp Bình Nhưỡng đối phó với dịch bệnh này.

Mặc dù đóng cửa biên giới với Venezuela, Chính phủ Colombia cũng đã có liên hệ chính thức đầu tiên với Caracas trong hơn một năm qua thông qua sự bảo trợ của Tổ chức Y tế liên châu Mỹ để thảo luận về cách thức ứng phó y tế chung ở khu vực biên giới.

Các chính trị gia chống cánh tả tại Venezuela đã lên kế hoạch làm việc với đối thủ của họ để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố đơn phương ngừng bắn một tháng với phiến quân, nhằm cho phép chính phủ có thời gian tập trung đối phó dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi hậu quả của dịch bệnh lan rộng và tăng trưởng kinh tế sụt giảm, áp lực có thể tăng lên đối với các chính phủ và phe đối lập nhằm tìm ra những điểm chung, nếu đó là cơ hội để ổn định đất nước và nhận được hỗ trợ quốc tế.

Khảo sát cho thấy các phe phái đối địch thường xuyên ứng phó với thảm họa thiên nhiên bằng các thỏa thuận giảm bạo lực. Động lực tương tự có thể áp dụng đối với các cuộc xung đột khi xử lý COVID-19, dù dịch bệnh này sẽ gây nhiều khó khăn hơn cho các bên trung gian hòa giải và các tổ chức đa phương trong hỗ trợ nỗ lực kiến tạo hòa bình.

Giải pháp giảm thiểu khủng hoảng tiềm tàng

Trong tương lai, các chính phủ sẽ phải quyết định có nên ủng hộ cách tiếp cận mang tính hợp tác hơn trong xử lý khủng hoảng hay không, không chỉ về mặt y tế toàn cầu mà còn về thách thức an ninh và chính trị.

Giới lãnh đạo phải đối mặt với áp lực tập trung và dành ngân sách cho các ưu tiên trong nước, và đặc biệt là sẵn sàng bỏ qua rủi ro xung đột ở các quốc gia nhỏ bé hoặc không quá quan trọng.

Tuy nhiên, nếu khủng hoảng không được xử lý một cách khéo léo, tình hình tại các khu vực chìm trong xung đột, bạo lực leo thang và hệ thống đa phương sẽ càng trở nên mong manh hơn.

Trên tinh thần đó và để giảm thiểu nguy cơ COVID-19 tạo ra một cuộc khủng hoảng an ninh mới, các chính phủ có mục tiêu giảm nhẹ tác động an ninh này cần xem xét các bước đi sau:

Thứ nhất, thực hiện theo các khuyến nghị cần thiết từ Liên hợp quốc, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế và các cơ quan hữu quan khác, đồng thời dành ngân sách ứng phó COVID-19 cho công tác hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt là cho người tị nạn và di cư.

Thứ hai, hợp tác với Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong huy động ngân sách để giải quyết các sai lầm trong hệ thống y tế và cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra, đồng thời đánh giá các cú sốc chính trị và xã hội có thể nảy sinh từ đại dịch đối với các nước yếu hơn, cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính và giảm nợ.

Thứ ba, nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thông qua các khuôn khổ đa phương như EU hay Liên hợp quốc, hoặc thông qua đình chỉ các biện pháp trừng phạt đơn phương trên cơ sở nhân đạo và loại bỏ bất kỳ cản trở nào đối với hoạt động viện trợ nhân đạo.

Thứ tư, cố gắng duy trì tiến trình hòa bình và nỗ lực ngăn ngừa xung đột bằng cách phối hợp với các đặc phái viên Liên hợp quốc và những nhà trung gian hòa giải khác, trong đó có áp dụng giải pháp duy trì liên lạc trực tuyến với các bên xung đột.

Thứ năm, trong trường hợp hoãn bầu cử hoặc các cuộc thăm dò khác vì lý do chính đáng liên quan đến COVID-19, cần duy trì ngoại giao giữa các đảng phái để trấn an người dân rằng cuộc bỏ phiếu cuối cùng vẫn sẽ diễn ra.

Thứ sáu, nếu có thể, hãy thiết lập hoặc tăng cường các kênh ngoại giao giữa những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khủng hoảng, nhằm giữ liên lạc về những rủi ro leo thang ở các khu vực căng thẳng.

Thứ bảy, đầu tư vào các nỗ lực do WHO dẫn đầu, các công cụ truyền thông độc lập, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự để chia sẻ tin tức khách quan và chính xác về COVID-19 ở các nước yếu, nhằm loại bỏ tin đồn và thao túng chính trị trong khủng hoảng, cũng như để duy trì sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề xung đột cần được giải quyết.

Tóm lại, dịch COVID-19 có nguy cơ diễn biến phức tạp và gây ra những tác động trong dài hạn. Dịch bệnh sẽ khiến các nỗ lực ngoại giao, đặc biệt là ngoại giao khủng hoảng, trở nên khó khăn hơn. Điều quan trọng là các chính phủ cần phải giữ kênh liên lạc và tinh thần hợp tác trong giai đoạn hệ thống quốc tế dường như đã sẵn sàng bước vào chu kỳ phân tách mới./.

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Giá vàng có thể tăng hơn nữa trong năm 2025

Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…

12/01/2025

Dự kiến bộ máy Chính phủ có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, không còn cấp tổng cục

Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…

11/01/2025

Bổ sung phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ

Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…

11/01/2025

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More