Đối với ngành hàng hải, chỉ cần độ sâu luồng lạch, khu nước tăng được thêm chục cm là đã mở ra cơ hội mới cho những con tàu cập cảng với khối lượng hàng hóa lớn hơn, giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển, tránh ách tắc giao thông trên luồng.
Ba tháng gần đây, nhờ hai sáng kiến táo bạo của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, độ sâu trên toàn tuyến luồng ở đây đã tăng lên trung bình 20 cm, thậm chí có nơi, có đoạn luồng tăng lên đến 2,5 m mà không cần phải bỏ chi phí để nạo vét luồng.
Đó thật sự là một cải cách lớn tại vùng hàng hải Hải Phòng những ngày cuối năm 2019. Sự đổi thay lớn đó, đã làm thay đổi bộ mặt của nhiều bến cảng thu hút các tàu vận tải lớn vào làm hàng. Trước đây, có những con tàu vận tải lớn phải giảm tải từ biển Quảng Ninh, tốn kém chi phí hàng tỷ đồng, hoặc phải chờ đợi 1-2 ngày cho nước thủy triều lên mới có thể cập bến thì nay đã có thể thuận lợi ra vào vào một số bến cảng tại Vật Cách hay luồng sông Cấm.
“Nắn” đoạn luồng hàng hải Vật Cách, mở đường cho tàu năm nghìn tấn
Vùng nước Hải Phòng có 44 bến cảng với 42 doanh nghiệp khai thác bến cảng. Một năm, có khoảng 10 nghìn tàu qua lại xuất nhập hàng. Hiện nay, cảng container quốc tế Hải Phòng (tại Lạch Huyện) đã đưa vào khai thác bến 1-2 từ năm 2018 và đến năm 2023, Công ty cổ phần cảng Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng bến 3 và bến 4.
Sự phát triển của khu công nghiệp Hải Phòng sẽ tạo ra những phát triển bước ngoặt cho hàng hải. Một sự sôi động của bến cảng quốc tế đòi hỏi công tác quản lý hàng hải cũng phải có những thay đổi thích ứng kịp thời. Vừa nhận nhiệm vụ Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng được bốn tháng, ông Nguyễn Anh Vũ đã đích thân đi khảo sát tại một số tuyến luồng lớn ở Hải Phòng để tìm ra những cơ hội mới cho vùng hàng hải này.
“Làm sao tìm được những mấu chốt để giúp các tàu vận tải lớn qua lại tuyến luồng thuận lợi. Luồng vận tải tại Hải Phòng là luồng một chiều, chiều rộng chỉ khoảng 80 m, độ sâu cũng hạn chế cho những tàu vận tải lớn”, từ ý nghĩ đó, Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ đã cùng các đồng nghiệp có ba ngày chạy cano thực tế tại tuyến luồng này để tìm cơ hội thay đổi cho toàn tuyến.
Việc điều chỉnh đoạn luồng từ bến phà Bính đến hạ lưu cầu Kiền 200 m nhằm nâng cao độ sâu, tận dụng độ sâu tự nhiên cho toàn tuyến luồng là một sáng kiến được Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng triển khai từ tháng 10-2019.
Lúc này, độ sâu được công bố của tuyến luồng hàng hải Vật Cách là 3,4 m và có khu vực có dải cạn. Chuyến khảo sát đã giúp anh Vũ và các đồng nghiệp tìm ra một hướng đi mới, chỉ cần dịch chuyển phao báo hiệu số 75 về vị trí theo đúng vị trí thiết kế, điều chỉnh hướng tuyến luồng vật Cách theo từng đoạn luồng cụ thể để tận dụng độ sâu tự nhiên cho toàn tuyến luồng Vật Cách.
“Nhờ đó, chúng tôi tìm ra được độ sâu toàn tuyến luồng Vật Cách có thể tăng từ 3,7 m lên đến 4,3 m, có đoạn lên đến 5,9 m; tăng số lượng tàu và sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng. Chúng tôi cũng giúp tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác cảng biển tại khu vực cảng biển Hải Phòng, đặc biệt các doanh nghiệp khai thác tuyến luồng hàng hải Vật Cách từ bến phà Bính đến hạ lưu cầu Kiền 200 m”, anh Vũ nói.
Giám đốc cảng Vật Cách – anh Trần Duy Phúc cho biết, anh thật sự xúc động sau cuộc họp công bố về độ sâu toàn tuyến luồng Vật Cách. “Với công bố của Bảo đảm an toàn hàng hải phía Bắc, điểm cạn cầu Bính được công bố độ sâu là 5,9 m và phao 87 là 4,7 m, cao hơn so với quy định cũ là 1,3 m. Các tàu có giờ ra vào linh hoạt hơn, giúp doanh nghiệp chủ động khai thác cảng, không phải chờ một ngày nước lên hoặc phải giảm tải từ xa để cập bến”, anh Phúc chia sẻ.
Đặc biệt, theo anh Phúc, mớn nước sâu hơn giúp các bến cảng tiếp nhận được nhiều chủng loại tàu hơn, thay vì trước phải thuê hai con tàu 3 nghìn tấn, thì nay các doanh nghiệp chỉ cần sử dụng một con tàu hơn 5 nghìn tấn vẫn đủ mớn nước cập bến. Nhờ sáng kiến này, các doanh nghiệp và chủ tàu giảm giá thành vận chuyển, giảm giá thành bốc xếp, từ đó giảm giá thành hàng hóa bán ra.
Tăng mớn nước nhờ vận dụng kinh nghiệm trong ngành giao thông vận tải
Là một người theo nghề hàng hải nhiều năm, anh Vũ suy tư, thủy triều thực tế tại cảng Hải Phòng thường xuyên cao hơn bảng thủy triều tính toán. “Tại sao, ngoài bảng thủy triều được công bố hằng năm, mình không vận dụng kinh nghiệm ngành giao thông lợi dụng thủy triều thực để khai thác tối đa luồng hàng hải khi điều động tàu. Với tàu 1-2 vạn tấn, nếu tăng mớn 20 cm có thể tăng mỗi chuyến tàu được 100 container, làm lợi khá nhiều cho doanh nghiệp”, anh Vũ mang băn khoăn đó nói với các đồng nghiệp.
Ba tháng trước, một cuộc khảo sát do anh Vũ dẫn đầu đã tìm ra được bài toán là lắp đặt thước đo mực nước thủy triều thực tế tại luồng sông Cấm. Trên cơ sở biên độ thủy triều dự báo hằng năm tại Hòn Dáu (Bảng thủy triều tập 1 của Trung tâm Hải văn), so sánh độ chênh lệch biên độ triều thực tế với dự báo nhằm lập kế hoạch điều động tàu áp dụng UCK (độ sâu dự phòng dưới ky tàu) tại nội quy cảng biển Hải Phòng. Đồng thời, việc tận dụng độ sâu tự nhiên trên luồng hàng hải Hải Phòng cũng được áp dụng đối với những tàu thuyền có mớn nước sâu vào làm hàng tại các bến cảng trong khu vực sông Cấm.
“Nhờ tính toán đó, mớn nước luồng sông Cấm được công bố trước đó là 5,5 m thì giờ có thể khai thác ở 6,5 m. Việc điều động tàu ra vào cảng cũng linh hoạt hơn nhờ vào mớn nước mới”, anh Vũ nói.
Anh Ngô Huy Phúc, Phó Giám đốc cảng công ty TNHH một thành viên cảng Hoàng Diệu cho hay, luồng hàng hải tại khu vực sông Cấm như bến cảng Hoàng Diệu trước đây chỉ tiếp nhận được tàu 5 vạn tấn giảm tải. Nếu tàu quá trọng tải, buộc phải hạ tải ở vùng nước Quảng Ninh. Vì thế, việc vận dụng mớn nước mới giúp chủ tàu và doanh nghiệp giảm tải chi phí rất lớn. “10 phân nước tương đương 500 – 1.000 nghìn tấn, Cảng Hoàng Diệu nâng cao được sức hấp dẫn với chủ tàu, có thể tự tin đưa tàu kích thước lớn cập bến”, anh Phúc tự hào nói.
Nhờ hai sáng kiến trên, cuối năm 2019, số lượt tàu và sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng tăng lên. Việc lập kế hoạch điều động tàu và điều phối lưu thông hàng hải thuận tiện hơn, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình tàu có mớn nước sâu di chuyển trên luồng, tránh gây ách tắc giao thông trên luồng.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã có những bước phát triển vượt bậc về chất và lượng trong công tác quản lý điều hành các hoạt động cảng biển, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các chủ tàu tiết kiệm chi phí, giảm bớt thời gian làm thủ tục hành chính, hoạt động hàng hải thuận tiện hơn. Có được kết quả này, theo Giám đốc Nguyễn Anh Vũ đó là sự “mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm” của tập thể cán bộ, công chức, người lao động Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng.
Đảng bộ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng có 60 đảng viên. Năm qua, Đảng ủy Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân chính trị, chỉ đạo đơn vị thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét trên tất cả các lĩnh vực công tác.
Năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển ước đạt 83,3 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2018. Trật tự an toàn giao thông hàng hải tại khu vực tiếp tục được duy trì ổn định. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hàng hải luôn được quan tâm, do đó, ý thức chấp hành pháp luật hàng hải được nâng cao. Công tác phối hợp giữa Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển và các cơ quan, đơn vị liên quan luôn được duy trì.
Đặc biệt, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác cải cách thủ tục hành chính đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển hàng hải trong khu vực. Hiện nay, thủ tục xuất nhập cảnh tàu rời cảng đã được áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, các thủ tục sẽ được giải quyết và trả trên mạng.
Hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. để bảo đảm an toàn, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng với tư cách là đơn vị chủ trì các hoạt động cảng biển luôn đặt ra yêu cầu cao về công tác kiểm tra, đặc biệt là hỗ trợ tàu container ra vào cảng, không để xảy ra tình trạng ách tắc, làm tê liệt giao thông đường thủy.
Bên cạnh đó, để bảo đảm phát triển hạ tầng cảng biển, Cảng vụ còn triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát ở dưới mặt nước như nạo vét luồng, khu nước trước bến để tàu thuyền ra vào thuận tiện. Ngoài công tác thủ tục tàu thuyền, Cảng vụ còn có nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong vùng nước cảng biển, kiểm tra an ninh hàng hải, điều tra kết luận tai nạn hàng hải, phức tạp để xác định nguyên nhân, đưa ra biện pháp phòng tránh, không để tái diễn những tai nạn, sự cố đáng tiếc xảy ra.
Công tác khai thác, vận hành Hệ thống VTS luồng Hải Phòng giúp đơn vị hỗ trợ, điều tiết giao thông hàng hải, cung cấp thông tin an toàn hàng hải cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực. Thông qua hệ thống VTS, các giám sát viên, điều hành viên theo dõi có hệ thống mọi hoạt động, di chuyển của tàu thuyền, xác định các nguy cơ gây mất an toàn, an ninh hàng hải và ô nhiễm môi trường của tàu thuyền, kịp thời đưa ra các cảnh báo hoặc cung cấp thông tin hỗ trợ tàu thuyền hoạt động bảo đảm an toàn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải. Tính đến ngày 21-11-2019, đơn vị đã giám sát và điều tiết cho hơn 20 nghìn lượt tàu thuyền vào, rời, di chuyển trong khu vực cảng biển.
HỒNG VÂN – BÍCH NGỌC