“Đó là trách nhiệm của nhân viên y tế”- câu nói kèm theo nụ cười tươi của bác sĩ Vũ Kiên Trung, Khoa Kiểm dịch Y tế (Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế) trước khi lên tàu SM Tokyo thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch tại phao số 0 (quận Đồ Sơn).
Nhận lời đề nghị của phóng viên cùng đi làm nhiệm vụ chống dịch tại “cửa ngõ” phao số 0 của thành phố qua điện thoại, giọng bác sĩ Vũ Kiên Trung có chút phân vân: “Mấy hôm nay sóng to lắm, các anh chị có chịu được không?”. Trước sự kiên quyết của cánh nhà báo, anh Trung đồng ý với điều kiện: Phóng viên phải “nai nịt” gọn gàng, tuân thủ quy định mặc áo phao cũng như các quy định khác của lực lượng hoa tiêu khi đi trên ca nô.
Tàu xuất phát lúc 13 giờ 30 nhưng hơn 12 giờ ngày 27/3, phóng viên có mặt ở khu biệt thự Trạm hoa tiêu Đồ Sơn. Lúc này trạm chỉ còn nữ nhân viên trực ban. Sau khi rót nước mời khách, chị trở lại bàn làm việc, mắt luôn hướng vào màn hình, chốc chốc nhấc bộ đàm trả lời bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh với nội dung hỏi, trả lời: tàu vào điểm kiểm soát chưa, mấy giờ hoa tiêu lên tàu…Ngẩng mặt lên nhìn đồng hồ, chị xuýt xoa: “Gần đến giờ rồi mà ca nô chưa về. Các bác kiểm dịch còn chưa kịp ăn gì!”.
Hai bác sĩ được nhân viên Trạm hoa tiêu Đồ Sơn nhắc tới là anh Vũ Kiên Trung và anh Nguyễn Thế Vinh, đều ở Khoa Kiểm dịch y tế (Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế). Về tới trạm, hai anh vội cất chiếc ba lô lên bàn, xịt sát khuẩn tay nhanh rồi ngồi vào bàn dùng bữa muộn, lấy sức cho chuyến đi tiếp. Tranh thủ ngồi uống nước, anh Nguyễn Thế Vinh cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, 7 bác sĩ của Khoa Kiểm dịch Y tế thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch đối với tất cả tàu, thuyền nhập cảnh tại khu vực nhận trả hoa tiêu phao số 0. “Trong bối cảnh các nước trong khu vực đều có dịch nên công tác kiểm dịch ngoài “cửa ngõ” càng trở nên cẩn trọng. Theo phân công của lãnh đạo Trung tâm, mỗi kíp làm việc của chúng tôi gồm 2 người, làm việc một ngày đêm, anh Vinh cho biết. Cũng theo anh Vinh, mỗi ngày, trung bình có khoảng 20 tàu quốc tế vào khu vực cảng biển Hải Phòng, mỗi bác sĩ đảm nhận 10 tàu/ngày. Nhiệm vụ của các bác sĩ kiểm dịch là đo thân nhiệt, quan sát trạng thái tinh thần của thuyền viên, điều tra dịch tễ toàn tàu và thực hiện các nghiệp vụ y tế khác để sàng lọc thật kỹ, xác định trường hợp nào cần lấy mẫu xét nghiệm, trường hợp nào cần kiểm soát chặt chẽ, trường hợp nào cần cách ly y tế cả tàu để điều tra dịch tễ…Mục đích cuối cùng là không để dịch xâm nhập vào Hải Phòng qua cửa khẩu hàng hải.
Đúng 1 giờ 30, tàu Rạng Đông của Trạm Hoa tiêu Đồ Sơn xuất bến, đi làm nhiệm vụ. Anh Tường Anh Tuấn, điều khiển tàu Rạng Đông cho biết, từ điểm xuất phát đến điểm kiểm dịch khoảng 10 hải lý, nếu ra phao số 0 khoảng 20 hải lý (hơn 30 km). Để bảo đảm an toàn trong quá trình làm nhiệm vụ, các nhân viên kiểm dịch đều thực hiện quy định mặc áo phao cũng như tuân thủ đúng hướng dẫn leo thang dây lên xuống tàu. “Những ngày mới nhận nhiệm vụ, các kíp kiểm dịch khá lo lắng vì chúng tôi chỉ được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ y. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế không có địa điểm nghỉ ngơi, không có tàu đưa đón, làm việc thông ngày đêm, không kể chưa quen với sóng gió, leo trèo lên tàu nguy hiểm. Ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi người, chúng tôi may mắn được lực lượng hoa tiêu tạo mọi điều kiện thuận về chỗ ăn, nghỉ, lại được hướng dẫn cách bảo đảm an toàn khi leo thang dây, di chuyển lên tàu…”, anh Vũ Kiên Trung tâm sự.
Đối với những bác sĩ kiểm dịch nơi đầu sóng, ngoài khó khăn về điều kiện làm việc, các anh còn phải trang bị vốn ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài; học cách theo dõi thủy triều lên xuống. Đồng thời, tiếp nhận thông tin liên tục từ Cổng thông tin điện tử quốc gia, các đại lý hàng hải, thuyền trưởng để nắm bắt lịch trình di trú của tàu, tình hình sức khỏe thuyền viên. Qua việc nắm bắt thông tin cụ thể giúp các nhân viên làm nhiệm vụ kiểm dịch y tế thực hiện sàng lọc đúng các yếu tố nguy cơ; xác nhận lại thông tin chủ tàu và thuyền viên cung cấp trước khi ra quyết định cho tàu vào cảng giao nhận hàng. “Ngày 7/2, thông tin của chủ tàu cho biết, có một thuyền viên nước ngoài bị ho, sốt; điều tra dịch tễ, thấy tàu có đi qua vùng dịch. Khi anh em báo về, ngoài thực hiện kiểm tra y tế ban đầu, tôi yêu cầu nhân viên lấy mẫu xét nghiệm của thuyền viên đó, cách ly với các thuyền viên khác trên tàu và yêu cầu tàu cách ly y tế tại phao số 0 đến khi có kết quả xét nghiệm thuyền viên âm tính mới cho tàu vào cảng. Tuy nhiên cũng có trường hợp, thuyền viên trong quá trình làm việc bị mệt, nhiệt độ tăng cao hơn 37 độ C, bằng nghiệp vụ chuyên môn, các nhân viên y tế phải nhận định được tình hình, chịu trách nhiệm trước quyết định cho tàu vào cảng hay không”, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Nguyễn Minh Thanh cho biết.
Bài: Việt Hoàng – Ảnh: Phan Tuấn