Nhiều người là hiệu trưởng, hiệu phó của các trường học nhận định, công việc của kế toán trường vô cùng vất vả trong khi mức lương và phụ cấp không xứng đáng với công sức bỏ ra. Họ mong mỏi các bộ, ban, ngành liên quan sớm sửa đổi chính sách dành riêng cho đối tượng này, để nhân viên trường học đặc biệt là kế toán có thể yên tâm công tác, phát huy năng lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Thiệt thòi nhiều năm
Hơn 25 năm công tác trong ngành Giáo dục, từng kinh qua nhiều vị trí từ giáo viên, hiệu phó đến hiệu trưởng, bà Bạch Thị Hiền hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Lạc (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) nhận định, các chế độ như tiền lương, phụ cấp dành cho viên chức, nhân viên kế toán trường học chưa từng được thay đổi trong nhiều năm.
Riêng ở trường bà, thu nhập của kế toán chưa được 5 triệu đồng/tháng, trong khi đó, viên chức này phải làm rất nhiều công việc bao gồm công việc chính lẫn công tác văn thư, thư viện. Chứng kiến cảnh mỗi ngày nhân viên của trường phải đi làm từ sáng sớm, vượt hơn 10km để đến trường, bà Hiền không khỏi thương cảm.
“Tôi rất thương kế toán ở trường tôi và thường xuyên động viên bạn ấy. Nhiều ngày, mọi người ở trường về hết rồi nhưng bạn ấy chưa xong việc, vẫn ngồi lại làm. Bạn ấy tâm huyết với nghề nhưng đôi khi gia đình thấy khổ quá, muốn bạn ấy nghỉ việc, chuyển sang làm công việc khác. Nhiều người không hiểu công việc của kế toán nhưng tôi làm việc cùng thấy họ rất vất vả. Trường tôi chỉ có một kế toán. Với riêng cấp học mầm non, kế toán không thể kiêm nhiệm thêm kế toán của các trường khác, nếu kiêm nhiệm nữa thì chắc họ phải xin bỏ nghề”, bà Hiền bộc bạch.
Vị hiệu trưởng kể lại, trước đây, người từng là kế toán công tác tại trường bà cũng làm đơn xin nghỉ việc rất nhiều lần phần vì nhà xa, phần vì công việc vất vả trong khi thu nhập lại thấp. Lãnh đạo các cấp và chính bà là hiệu trưởng đã động viên kế toán tiếp tục ở lại trường làm việc, song người này vẫn có nguyện vọng được nghỉ việc.
Nằm ngoài khả năng
“Trong các cuộc họp, tôi và nhiều hiệu trưởng khác đã có ý kiến về việc cải thiện chế độ cho kế toán. Có nhiều kế toán từng lên cấp trên của huyện ngồi khóc, muốn xin nghỉ. Chính chúng tôi là các hiệu trưởng đều muốn kế toán của trường được hưởng chế độ, phụ cấp phù hợp, đảm bảo cuộc sống của họ nhưng việc này nằm ngoài khả năng”, bà Hiền tâm sự.
Cùng quan điểm, một nữ hiệu trưởng trường mầm non trên địa bàn huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng cho rằng, tình trạng kế toán thiệt thòi trong các chế độ đã diễn ra trong nhiều năm. Họ là đối tượng có mức thu nhập thấp nhất trong đội ngũ viên chức, nhân viên, giáo viên trường học.
Theo nữ hiệu trưởng, mức lương là vấn đề luôn “nóng” trong mọi diễn đàn. Với giáo viên, công việc vất vả nhưng được nhận thêm các khoản phụ cấp khác ngoài lương còn kế toán lại không hề có.
“Từ rất lâu, kế toán phản ánh là họ đã quá chán với công việc, lương thấp, có bằng đại học nhiều năm không được chuyển ngạch. Kế toán không phải đứng lớp nhưng công việc rất vất vả, nên cần phải có phụ cấp, chế độ khác ngoài lương. Nếu cấp trên có chế độ đãi ngộ tốt hơn thì họ sẽ đỡ vất vả hơn, tiếp tục bám nghề. Đây là thực trạng chung của cả nước, không phải là vùng nào cao, vùng nào thấp”, vị hiệu trưởng khẳng định.
Từng có thời gian công tác tại 4 trường THCS và làm quản lý 2 trường, hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng cùng quan điểm trên. Theo ông này, không chỉ kế toán mà nhân viên trường học đều có chế độ đãi ngộ rất thấp.
“Không chỉ riêng kế toán, các vị trí khác như văn thư, thủ quỹ, cán bộ thiết bị… đều thiệt thòi khi lương thấp và không có phụ cấp. Giáo viên trường tôi được nhận 30% phụ cấp ngành và còn có phụ cấp thâm niên công tác, tính từ ngày đóng bảo hiểm. Các nhân viên thì không được chế độ đó”, vị hiệu trưởng thông tin.
Vị hiệu trưởng cũng bày tỏ mong mỏi, các bộ, ban ngành, sớm có thay đổi về mặt chính sách để nhân viên trường học được cải thiện thu nhập, yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho cho ngành giáo dục nước nhà.
Nhóm PV