Tìm kiếm cụm từ “vay tiền trực tuyến” trên Google, chưa đến 1 giây có đến hơn 82 triệu kết quả liên quan.
Điều này cho thấy việc vay tiền trên mạng đã là một nhu cầu của nhiều người. Nhu cầu có và gia tăng, các dịch vụ vay tiền, đặc biệt là các hình thức vay tiền trên mạng cũng vô cùng đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên rủi ro từ việc vay tiền trên mạng cũng ngày càng trở nên phổ biến, bởi chính các thủ tục vay quá “nhanh chóng và đơn giản” của hình thức vay tiền trên mạng tồn tại nhiều yếu tố lừa đảo trong đó.
Dễ vay nhưng khó trả
Sau khi tìm hiểu một số trang thông tin (website), phóng viên gọi điện đến một đường dây nóng tư vấn cho vay tiền trực tuyến (online).
Nhân viên tư vấn trả lời: “Chị có nhu cầu vay tiền thì chỉ cần vào website vay tiền của công ty em, làm theo dướng dẫn có sẵn và điền đầy đủ thông tin vào hồ sơ vay. Bên em sẽ xét duyệt. Nếu được duyệt vay, tiền sẽ chuyển vào tài khoản”.
Theo hướng dẫn, hồ sơ vay tiền chỉ cần cung cấp các thông tin cá nhân như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, nơi ở, mức thu nhập hiên tại, chứng minh thư nhân dân, ảnh chân dung người vay. Thủ tục xét duyệt hồ sơ cho vay diễn ra vài phút sau khi hồ sơ hoàn tất.
Theo thông tin trên mạng, nếu cần vay 5 triệu đồng, tổng gốc và lãi cần trả là 7,4 triệu đồng trong vòng 7 ngày. Đây là gốc, lãi và các chi phí khác tính theo mức người vay muốn trả trong 7 ngày hay 30 ngày.
Sau lần vay thứ nhất thành công, thủ tục của lần vay thứ 2 sẽ nhanh chóng hơn, mức vay có thể lên đến 15 triệu đồng. Với mức vay này, người vay phải trả 2.750.000 trong vòng 30 ngày.
Khi được hỏi về địa chỉ công ty và liệu có đến tận nơi để nhận tiền được không, nhân viên tư vấn cho biết: “Khi hồ sơ vay được chấp nhận, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của chị. Bên em là công ty nước ngoài, có trụ sở tại Việt Nam”.
Công ty “mẹ” ở nước ngoài và có văn phòng hoạt động trong lĩnh vực cho vay nhanh tại Việt Nam cũng là thông tin được trả lời khi phóng viên gọi điện đến một vài số điện thoại tư vấn cho vay tiền trên mạng.
Ngoài ra, quá nhiều số điện thoại tư vấn vay tiền khiến người có nhu cầu như lạc vào mê cung, không biết đâu là địa chỉ vay tiền thật, ảo. Có nhiều số điện thoại khác nhau nhưng người dùng mạng khó có thể biết được đây có phải là của nhiều đơn vị cho vay tiền khác nhau hay chỉ là một nơi. Điều này cho thấy thực tế đáng lo ngại là các hình thức tín dụng đen, cho vay ngang hàng đang lợi dụng sự phát triển của Internet, “kẽ hở” trong chính sách pháp luật để phát triển tràn lan trên mạng xã hội.
Chị Bùi Thanh V., nhân viên tạp vụ tại Hà Nội, bị nghỉ việc do khách sạn dừng hoạt động. Gia đình cần tiền gấp, chị Bùi Thanh Vân đã gọi điện để vay tiền từ số một số điện thoại tìm trên mạng.
Chị Bùi Thanh V. cho biết: “Tôi vay tiền từ số điện thoại trên mạng thì vay bằng chứng minh nhân dân. Đúng là thủ tục rất nhanh nhưng. Lúc đó tôi đang rất khó khăn nên hỏi vay 5 triệu đồng. Tuy nhiên lúc nhận tiền thì chỉ nhận 3,5 triệu đông cho lần nhận tiền đó. Chỗ còn lại được giải thích là trả lãi trước và các khoản phí”.
Sau đó, hằng tuần, hằng ngày, tôi đều nhận được thông báo phải trả tiền gồm lãi và phí sinh ra từ khoản tiền vay. Đến bây giờ sau hơn 2 tháng vay tiền, tôi vẫn chưa trả được hết khoản vay đó. Khi tôi chậm trả, người nhà chị V. còn bị gọi điện thoại đe dọa đòi tiền.
Do khi vay tiền, phải cung cấp địa chỉ sinh sống, số điện thoại của vài người thân nên khi chị V. chậm trả tiền, bên cho vay đã liên tục gọi điện cho chị và người thân để đòi tiền, thậm chí đe dọa.
Nhiều trường hợp, khi người vay không thể trả được nợ, các đối tượng đòi nợ kéo đến tận nhà, gây gổ, lúc đó, người vay mới dám tố cáo với cơ quan công an. Như vậy, từ việc vay tiền cá nhân, bị lừa đảo, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp khác.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết lượng tiền vay theo các hình thức vay trực tuyến, tín dụng đen là không nhỏ. Đây là kiểu lừa đảo cho vay vi phạm pháp luật Việt Nam. Hiện, trên không gian mạng xuất hiện những vấn đề này càng nhiều và càng ngày càng phức tạp, tác động tiêu cực đến xã hội cũng lớn hơn.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn cũng cho biết hiện phía công an cũng phối hợp với Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, công an địa phương để chỉ đạo quản lý và có các biện pháp xử lý.
Cần xây dựng khung pháp lý phù hợp
Trong khoảng 3-5 năm gần đây, trên mạng Internet xuất hiện thông tin rất nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính công nghệ (gọi tắt là Fintech), nhiều công ty công nghệ cung cấp nền tảng cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending, gọi tắt là P2P Lending).
Tại Việt Nam, có khoảng 40 công ty tài chính có hoạt động cho vay ngang hàng. Trong số đó, 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của hình thức cho vay ngang hàng, ngày 8/7/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Công văn số 5228 gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu các tổ chức tín dụng cần tìm hiểu, nắm rõ các rủi ro phát sinh từ mô hình cho vay ngang hàng gồm rủi ro pháp lý và các rủi ro phát sinh khác từ cho vay ngang hàng trong bối cảnh pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động này.
Nội dung công văn nêu rõ: “Các nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty P2P Lending chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá nên có thể tồn tại nguy cơ bị tấn công mạng đánh cắp thông tin gây thiệt hại cho các bên tham gia”.
Chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể về loại hình kinh doanh dịch vụ cho vay ngang hàng, chưa có đơn vị kiểm duyệt các nền tảng trực tuyến của hoạt động cho vay ngang hàng khiến một số công ty lợi dụng “kẽ hở” này để vận hành mô hình cho vay ngang hàng, nhưng thực tế là cho vay nặng lãi trá hình.
Ngoài ra, do sự cả tin và không am hiểu về công nghệ của người vay tiền, nhiều mô hình cho vay trực tuyến biến tướng đã thực hiện thành công nhiều hành vi lừa đảo như: cho vay với lãi suất cao như tín dụng đen, đến lấy tiền của người này trả lãi cho người kia như kiểu cho vay đa cấp.
Tuy nhiên, rõ ràng việc tín dụng đen trở nên phổ biến và đặc biệt biến tướng dưới nhiều hình thức vay tiền trực tuyến cho thấy việc quản lý, xử lý vấn đề này không hề đơn giản.
Theo nhiều chuyên gia tài chính công nghệ, việc chưa có khung chính sách thử nghiệm cho các doanh nghiệp tài chính công nghệ được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều hệ lụy từ các hình thức cho vay trực tuyến (online) phát triển “như nấm sau mưa” trên mạng.
Để hạn chế những rủi ro đối với hình thức cho vay tiền trên mạng cần phải kiểm soát tốt những ứng dụng cho vay tiền. Cần minh bạch hóa cơ chế hoạt động, tính lãi của các ứng dụng để người vay tiền có thể sử dụng các ứng dụng vay tiền và nhìn rõ phần lợi ích cũng như trách nhiệm chi trả của mình.
Ông Trần Kiêm Dũng, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn mở FDS, đề xuất Nhà nước nên tăng cường kiểm soát để các ứng dụng tài chính không phát triển tràn lan tại Việt Nam. Ngoài ra, cần có những hình thức xử phạt thích đáng không chỉ đối với đơn vị cho vay theo kiểu tín dụng đen; xử lý cả những đơn vị sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc để cho vay tiền online.
Đồng thời, ông Dũng đề xuất thêm Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý phù hợp để cảnh báo, để răn đe không cho những dịch vụ mang tính chất tín dụng đen lan tràn ở Việt Nam.
Trước khi có những chính sách rõ ràng, chặt chẽ hơn về các hình thức vay tiền trên mạng, người có nhu cầu vay tiền cần tìm hiểu kỹ về những rủi ro của các hình thức lừa đảo trên mạng.
Tất cả các ứng dụng, các hình thức vay tiền có thủ tục cho vay càng đơn giản, càng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính cũng như những rắc rối trong quá trình giải quyết công nợ.
Hệ lụy là những người vay tiền bằng hình thức ngang hàng theo những địa chỉ trên mạng thường vay được ít tiền nhưng phải trả lãi “cắt cổ” hoặc bị các đối tượng cho vay đòi nợ bằng nhiều hình thức kiểu “xã hội đen”./.
Ngọc Bích (TTXVN/Vietnam+)
Dự kiến, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Hải Phòng thưởng Tết Nguyên…
Công an huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) vừa bắt giữ 1 đối tượng cướp…
So với những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 giảm 1…
Sáng 24/12, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng long trọng tổ chức lễ kỷ…
Chiều 24/12, quận Lê Chân tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết…
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More