Sau cơn rúng động, làng Kinh Triều lại yên ả như mặt ao giữa trưa hè. Sáng, trẻ con lại cắp sách đến trường. Chiều chiều, các cụ già lại ra vườn ngắm ánh mặt trời đang lặn, vuốt ve những cánh hoa hồng. Dưới vầng trăng hạ huyền nhợt nhạt và mỏng manh như chiếc lưỡi câu, nam thanh nữ tú trong làng nói chuyện tương lai. Còn Vũ Mạnh Thắng và các đồng đội của anh thì vẫn lặng lẽ đi về.
Ở đâu đó đang có chuyện người dân chưa hẳn vừa ý với một quyết định của cấp chính quyền. Các anh phải biết ngọn nguồn. Không để vấn đề bị mưng mủ theo thời gian!
TẤT CẢ ĐỀU LÀ NHÂN DÂN CỦA MÌNH
Làng Kinh Triều thuộc xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng có 3.000 dân, hành nghề trồng trọt, đánh cá và đi tứ xứ làm ăn. Làng nghèo, dân trí không cao.
Năm 2016, TP. Hải Phòng thu hồi đầm Trấu trên đảo Vũ Yên của làng cho một dự án kinh tế quan trọng. Số tiền hỗ trợ bồi thường quá thấp đã làm người dân bức xúc. Đã thế nó được chia không công bằng giữa người đi thuê và cho thuê đất trên đầm.
Đơn thư khiếu nại gửi đi khắp nơi, song vẫn chưa được giải quyết. Tình hình mỗi ngày một xấu, trung tá Vũ Mạnh Thắng (thời điểm đó là đại úy) và đồng đội thuộc phòng An ninh đối nội CA Hải Phòng được đặc phái xuống địa bàn.
Đường từ nhà ra đến đảo vòng vèo 16 cây số. Thế nên các anh phải đi khi sương sớm còn lãng đãng như những hơi thở lạnh lẽo, đến lúc về thì con đường đã nhạt nhòa trong bóng tối lõm bõm bùn và rậm rịt cỏ dại. Có hôm nắng trút xuống như dung nham, chỉ dạo từ đầu làng đến cuối xã da đã đen thui. Có buổi đội đầu đi giữa cánh đồng nhòe nhoẹt trong mưa. Song với chiến sĩ an ninh thì đó là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Mới đến cổng làng đã thấy không khí căng thẳng như là sờ tay vào được. Người dân “rào làng”. Họ đi thuyền, mủng sang đảo, làm nhà bằng tấm ván ghép rồi đưa người ra ở. Ngày ăn với cát, đêm ngủ với cát, cả làng quyết tâm giữ đất đã được ông cha tôn tạo.
Trong số này có cả các ông già, bà cả gương mặt vô cùng khắc khổ.
Thanh niên làng thì “máu” hơn. Họ đi vè vè, cản đầu xe của cán bộ địa phương, không cần biết phanh nó nằm ở đâu. Có đứa nhóc tì, nhìn nó hiền lành đến nỗi có thể tiên đoán thế giới tội phạm không thể chấp nhận thằng bé, thế mà, theo chân các bậc đàn anh, lại vô cùng kích động.
Những người phụ nữ xơ xác vì quá mệt mỏi, nhìn thấy người lạ từ xa là chửi (lúc đầu họ chưa biết đấy là các chiến sĩ an ninh). Sau này, họ không chửi nữa, khi biết là những chiến sĩ an ninh về làng chỉ vì: “Nhiệm vụ họ phải làm!”. Mặc dù gặp những phản ứng của người dân như vậy, nhưng các anh xác định, tất cả đều là nhân dân CỦA MÌNH!
Đã có nhiều cuộc đối thoại giữa người làng và lãnh đạo địa phương, song không thành công. Từ thông tin của an ninh, Thành phố Hải Phòng nhận ra sự tắc trách của chính quyền Thủy Nguyên. Họ kỷ luật cán bộ huyện và cho nâng mức bồi thường. Thế nhưng làng Kinh Triều vẫn không chịu!
Dân muốn đến đâu? Các anh biết rằng tìm ra gốc rễ vấn đề giống như bóc vỏ củ hành. Việc đầu tiên là tìm đến “đầu đơn” – những người cao tuổi, đảng viên và có uy tín trong làng. Họ biết dân làng nghĩ gì, nhưng lại chưa muốn chia sẻ với các chiến sĩ an ninh.
Trung tá Vũ mạnh Thắng bỏ nhiều ngày ngồi ở hàng nước của một chức sắc trong làng. Từ chuyện mùa màng đến nghề chơi chim, từ việc bầu cử Quốc hội đến tình hình ngoài biển Đông, dần dần anh đã được nghe vị chức sắc ấy mở lòng. (Vị đó thích anh đến mức sẵn sàng tặng chim cho anh). Sau này ông sẽ trở thành một người góp phần điều tiết những đòi hỏi của dân làng.
Các đồng đội anh cũng vậy. Ngồi ăn cơm với bà con, một chút bia rượu, một bình trà ngon và những câu chuyện tâm tình đã làm tan chảy từ từ lớp vỏ bảo vệ của nhiều người dân chỉ vì nghi kỵ. Khi người dân biết các anh ở “phe” lẽ phải, cái đầu nóng đã dịu đi và mọi suy nghĩ thầm kín bị chèn nén được phơi bày. Thậm chí có người thổ lộ: Nhà chưa được làm bìa đỏ, muốn nhân vụ này gây sức ép để chính quyền tạo điều kiện hợp thức hóa!
Cả làng như một cái bình thông nhau, chuyện đầu thôn cuối thôn biết. Mọi việc đều được đưa ra bàn ở sân đình. Thật khó thuyết phục cả một ngôi làng như thế. Song Thắng và các đồng đội không nản. Sự cố gắng của các anh đã giúp cho tình hình không diễn biến xấu đi.
Thế rồi Thành phố Hải Phòng nâng mức bồi thường lần nữa, đồng thời phát đi tín hiệu đây là nhượng bộ cuối cùng. Người làng Kinh Triều chấp nhận! Bỏ lại quang cảnh ngổn ngang sau lưng, bà con hân hoan rời đảo về làng, vừa đi vừa hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Và ngày hôm sau họ cùng nhau đi bầu cử Quốc hội.
“NGƯỜI CHIẾN SĨ ẤY, AI ĐÃ GẶP ANH…”
Ngày 7.7.2021, chúng tôi gặp trung tá Vũ Mạnh Thắng ở chốt phòng dịch COVID-19 đầu cầu Sông Hóa nối Hải Phòng với Thái Bình. Đó là chàng trai mắt có tia sáng tinh nhanh, trán cao thông minh, nụ cười tỏa sáng, nước da như cánh hoa hồng dại. Trong suốt cả buổi chuyện trò, anh rất ít khi nói “tôi”, thường nói “chúng tôi”. Ngoài nghề đang làm mà anh nói rằng nếu cho chọn lại thì anh vẫn thế, Thắng giỏi thể thao, bắn súng cũng cừ, mặc dù anh dùng lời và bộ óc nhiều hơn trong công việc.
Qua các câu chuyện của Thắng và những đồng đội ở phòng An ninh đối nội khi họ tham gia giải quyết thành công nhiều vụ khiếu kiện phức tạp tại các dự án trọng điểm thành phố Hải Phòng: Xây dựng cầu Hoàng văn Thụ, Khu đô thị Bắc Sông Cấm, Khu tái định cư 9,2ha phường Thành Tô, quận Hải An, Cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện giai đoạn 1… chúng tôi cảm nhận vị trung tá an ninh này có khả năng đoán rất tốt diễn biến tâm hồn con người thông qua ngôn ngữ, cử chỉ. Đôi bàn tay giật một cách bồn chồn vào cái gấu áo, một cái đảo mắt lén lút, vẻ lãnh đạm được tính toán… đều tiết lộ cái gì đó mà người đối thoại muốn giấu. Có lẽ cái kỹ năng đặc biệt này đã được hoàn thiện sau hàng ngàn cuộc anh đi tiếp dân tại Hải Phòng và Hà Nội,
Theo trào lưu của thời đại, người dân thường thuê luật sư tham gia các vụ khiếu kiện. Điều đó rất tốt khi đa số các luật sư có tâm có tài. Họ sẽ hướng dẫn người dân cách đòi hỏi những quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Song cũng có vị, ít thôi, chỉ nhìn thấy gì mà quyền lợi của luật sư cần cho họ thấy! Ông ta (bà ta) sẵn sàng tìm ra một con voi trong lồng gà! Họ khiến dân tin bằng giọng khẳng định và những lời hứa dễ dãi. Song Thắng và các đồng đội của anh thì nhận ra ngay. Mặc dù không gì hóc búa hơn là nhìn thấu nội tâm một người khi họ đang toan tính điều gì đó.
Thiếu tá Vũ Thị Ngọc Chinh phó đội trưởng đội an ninh tôn giáo dân tộc nhận xét: “Anh Thắng thì không chê được điểm nào!”. Còn cô đại úy bộ phận tiếp dân nói khi vừa gặp mặt tôi: “Đúng rôi! Anh Thắng thì ô kê lắm, cả đời công lẫn đời tư!”. Đồng nghiệp ai cũng vui vẻ nói hay về anh. Ngoài công việc ra (“Một người đàn ông đích thực, luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ ngay cả khi phải làm việc không thích. Lúc giữ nguyên tắc thì rắn như đá, khi ngồi với dân thì anh kiên nhẫn, mềm mỏng như một miếng mút dễ tính!”), họ khen anh nấu ăn ngon, đánh bóng giỏi, luôn chơi đẹp với bạn bè, cuối cùng là “hát cũng hay”. Riêng điều này tôi không tin, vì chính Thắng nói: “Phải có tí bia thì em mới “hét” lên được!”. Thế nhưng tôi tin anh có tư cách thủ lĩnh của nhiều đồng nghiệp ở cơ quan mình.
Thượng tá Phạm Văn Khánh, trưởng phòng An ninh đối nội CA Hải Phòng cho chúng tôi biết: Các anh đang làm đề nghị Giám đốc Công an Thành phố khen thưởng trung tá Vũ Mạnh Thắng về những thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nghi quyết 05 của Bộ Chính trị.
Hà Linh Quân