Đến Trường THPT Cát Hải (địa bàn thôn Trung Lâm, xã Văn Phong, huyện Cát Hải), ai cũng sẽ được nghe câu chuyện cổ tích về những người mẹ đỡ đầu đặc biệt của những người con đặc biệt trong ngôi trường này. Những người mẹ là thành viên Ban Nữ công Công đoàn nhà trường. Còn những người con là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được chở che, đùm bọc, yêu thương.
Những vòng tay yêu thương
Mô hình Ban Nữ công đồng hành học sinh nghèo đến trường của Trường THPT Cát Hải ra đời trước thềm năm học 2016-2017. Ngay trong lễ khai giảng năm học đó, Ban Nữ công công đoàn nhà trường ra mắt mô hình và chính thức nhận đỡ đầu các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mỗi thành viên trong Ban Nữ công được giao phụ trách một học sinh và họ chính là những người mẹ đỡ đầu đặc biệt của những người con đặc biệt. Cô giáo Bùi Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công thuộc Công đoàn Trường THPT Cát Hải cho biết: “năm học ấy, Ban Nữ công nhà trường phân công các cô giáo nhận làm mẹ đỡ đầu 4 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là em Nguyễn Thị Thanh Phượng lớp 12 A4, Bùi Thị Như Quỳnh lớp 12A1, Bùi Thanh Phúc lớp 12A3 và Nguyễn Thị Ngọc Huyền lớp 11B1. Mỗi tháng các em được trợ cấp 500.000 đồng. Các cô giáo thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ các em trong cuộc sống cũng như trong học tập”. Sang năm học 2017-2018, mô hình này tiếp tục được duy trì. Sau khi các học sinh lớp 12 được nhận đỡ đầu của năm học trước tốt nghiệp ra trường, một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác lại trở thành những người con đặc biệt trong gia đình đặc biệt của Ban Nữ công công đoàn nhà trường. Hầu hết các em đều thuộc hộ nghèo, người còn cha mẹ, người mất cả hai vì những chuyến đi biển đánh bắt hải sản vì cuộc sống. Nhìn vào nỗi buồn mất mát và những lo lắng trên khuôn mặt các em, trong mỗi ngày các em đến lớp, thầy cô giáo và bạn bè không khỏi băn khoăn. Mô hình đồng hành của Ban Nữ công nhà trường chính là điểm tựa tinh thần hỗ trợ các em vượt qua khó khăn để ổn định hơn.
Chung sức đồng hành
Cô giáo Diễm Hằng chia sẻ, Trường THPT Cát Hải nằm ở vị trí xa đất liền, giao thông đi lại khó khăn. Người dân Cát Hải sống chủ yếu bằng nghề làm muối, đánh cá, đầm hồ phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Vì thế, nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Không ít học sinh ngoài giờ đi học về còn phải làm thêm lấy tiền phụ giúp gia đình và đóng tiền học. Nhiều em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ý định muốn bỏ học. Trước thực trạng đó, Ban giám hiệu và các thầy, cô giáo nhà trường luôn trăn trở tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh đến trường với phương châm “Không để học sinh bỏ học vì điều kiện kinh tế”. Vậy là, dù mới bước sang năm thứ 3 hoạt động, song mô hình thực sự là giải pháp hữu hiệu giúp học sinh vượt khó. Để tạo nguồn kinh phí hỗ trợ học sinh, năm học 2018 – 2019, Ban Nữ công nhà trường phối hợp Ban Chấp hành công đoàn phát động ủng hộ trong tập thể cán bộ, giáo viên nhân viên trong nhà trường. Mức thấp nhất 50.000 đồng. Số tiền hỗ trợ các em với mức 500.000 đồng/tháng, tuy không nhiều, song là nguồn động viên, tiếp thêm nghị lực để các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, dịp đỡ đầu vào đầu năm học, mỗi người con đặc biệt còn được nhận những món quà yêu thương đến từ các giáo viên trong nhà trường. Như cô giáo Chu Thị Thúy, hiệu trưởng nhà trường tặng mỗi em chiếc chăn ấm như món quà thể hiện tình yêu thương và sự che chở, đùm bọc của tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Cát Hải. Nói về mô hình của những người mẹ đặc biệt với những người con đặc biệt này, Phó chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn ngành Giáo dục thành phố Đặng Thúy Liên tiết lộ, mô hình sẽ được nhân rộng trong hệ thống các trường học khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa của Hải Phòng trong năm học mới. Đây cũng là giải pháp nối thêm những vòng tay yêu thương tới các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố.
Phong Phong – baohaiphong.com.vn