Những cuộc chia ly định mệnh rồi tìm thấy nhau trong định mệnh ấy phần lớn nhờ những con chữ biết nói trong trang hồ sơ, là câu chuyện xúc động nhất mà chúng tôi biết đến.
Thời gian 30 năm, 50 năm, mẹ, con, anh, chị em tưởng rằng vĩnh viễn thất lạc nay đã tìm thấy nhau. Chứng kiến những giọt nước mắt ngày trùng phùng của gia đình họ khi tìm lại được huyết thống thiêng liêng, những cán bộ Công an làm công tác hồ sơ cũng thấy ấm lòng.
Những cuộc chia ly định mệnh rồi tìm thấy nhau trong định mệnh ấy phần lớn nhờ những con chữ biết nói trong trang hồ sơ, là câu chuyện xúc động nhất mà chúng tôi biết đến. “Như chưa hề có cuộc chia ly” – một chương trình cảm động đầy nhân văn có đóng góp không nhỏ của lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ.
Hồi sinh những cuộc chia ly
Chúng tôi đã lặng đi khi xem chương trình “Như chia hề có cuộc chia ly” số 99, bởi ở đó còn là những công việc thầm lặng của cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ. Đó là câu chuyện cảm động về em gái tìm anh cả Nguyễn Trọng Quang (quê ở Nam Định), ra Hải Phòng, bị Pháp bắt từ năm 1953, từ đó không có tin tức.
Gia đình các em của ông Quang canh cánh trong lòng, mong đến ngày thống nhất nhưng vẫn không có tin tức gì về anh mình. Đội tìm kiếm của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã tìm kiếm ở nhiều nơi. Điều may mắn đã đến khi có thông tin quan trọng về ông Quang trong tàng thư của Công an TP Đà Nẵng.
Trải qua bao vất vả, được sự giúp đỡ của lực lượng Hồ sơ nghiệp vụ An ninh, họ đã tìm được 3 người con của ông Quang đang sinh sống ở Long Khánh, Đồng Nai (ông Quang có 4 người con, 1 người đã mất). Qua tra cứu biết được ông Quang đã mất năm 1968 ở Long Xuyên. Các con ông ngỡ rằng, cả đời họ không tìm được người thân, không tìm được cội nguồn. Nhưng nay vì có chương trình “Như chia hề có cuộc chia ly”, nhờ những trang hồ sơ lưu giữ mà họ đã tìm thấy người thân của mình.
“Tiếng nói của tàng thư” là tiêu đề của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” số 33. Hình ảnh lay động đến trái tim của người xem là cuộc đoàn tụ của gia đình anh Lâm Văn Thuận, quốc tịch Campuchia với người mẹ đã 84 tuổi của mình ở Việt Nam. Anh Thuận thất lạc mẹ đã hơn 40 năm, lúc nào anh cũng đau đáu muốn tìm mẹ, nhưng thông tin về mẹ anh nhớ được lại rất mơ hồ, rất ít.
Nhờ vào những kết quả tra cứu tàng thư của Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (nay là Cục Hồ sơ nghiệp vụ), Đội tìm kiếm của chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã nhanh chóng tìm được gia đình của bà Nguyễn Thị Hải, mẹ của anh Thuận, tại hẻm số 1000 đường Đinh Tiên Hoàng, TP Hồ Chí Minh. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, anh Thuận đã gặp lại mẹ trong hạnh phúc tột cùng.
Chúng tôi được nghe các cán bộ của Phòng Tàng thư căn cước can phạm (Cục Hồ sơ nghiệp vụ) kể, từ cuộc trùng phùng này, đã có nhiều người dân lặn lội tìm đến, tha thiết xin được giúp đỡ, tra cứu tìm lại ảnh của người thân lưu trong tàng thư căn cước công dân, xin được sao chụp lại làm ảnh thờ.
Cách đây 6 năm, cán bộ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ nhận được bức thư của ông Đỗ Đình Thư (ở ngõ Phát Lộc, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ ân hận khi gần 30 năm trước, bố vợ ông mất, mẹ vợ đưa cho ông chứng minh thư để ông đi làm ảnh thờ tự. Nhưng do sơ suất ông đã đánh mất tấm ảnh đó. Mỗi khi nhìn lên bàn thờ của bố vợ không có ảnh để thờ, ông luôn day dứt.
Đơn của ông Thư đã được Phòng Tàng thư nghiệp vụ báo cáo lãnh đạo để yêu cầu Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an TP Hà Nội tìm kiếm. Kết quả tra cứu, cán bộ đã tìm được tờ khai, chỉ bản CMND của cụ Nguyễn Lương Phách – bố vợ ông Thư.
Cán bộ của Phòng Tàng thư nghiệp vụ đã lấy ảnh trong tờ khai của ông Phách mang ra hiệu ảnh để scan và chỉnh sửa, phóng to để gia đình thờ cúng. Gần đến ngày giỗ của cụ Phách, Phòng Tàng thư nghiệp vụ đã tổ chức trao di ảnh cụ Phách cho gia đình ông Đỗ Đình Thư.
Gia đình ông Thư vô cùng cảm động, có người đã rớm nước mắt khi nhìn thấy khuôn mặt cụ Phách sau 30 năm kể từ ngày cụ mất. Ông Thư cho biết, mình đã cất đi được gánh nặng lo âu, ân hận bấy nhiêu năm nay.
Cán bộ Phòng Tàng thư căn cước can phạm cần mẫn với công việc.
Còn hạnh phúc nào hơn khi tìm được người thân thất lạc
Chúng tôi đến Phòng Tàng thư căn cước can phạm vào một buổi sáng đầu tuần, bên những trang tàng thư cũ, các cán bộ đang cần mẫn tra cứu. Công việc tưởng chừng thầm lặng đó diễn ra như mọi ngày, nhưng hôm nay họ lại nhận được việc quan trọng: Đó là tìm người thân cho một gia đình đã mất liên lạc vài chục năm nay.
Từ năm 2009, nhận thấy việc tìm kiếm thông tin về người thân bị thất lạc của Đài Truyền hình Việt Nam mang tính xã hội, nhân đạo và nhân văn sâu sắc, lực lượng hồ sơ có thể tham gia tìm kiếm thông tin qua tra cứu, khai thác hệ thống hồ sơ, tàng thư, đặc biệt là hệ thống tàng thư căn cước công dân, tàng thư hồ sơ hộ khẩu…
Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát và Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh (nay là Cục Hồ sơ nghiệp vụ) đã chủ động phối hợp. Các trường hợp phối hợp tìm kiếm thông tin người thân bị thất lạc do chiến tranh, thiên tai, thảm họa, hoặc các lý do và hoàn cảnh chính đáng khác giúp người bị thất lạc đoàn tụ gia đình nhưng vẫn đảm bảo bí mật nghiệp vụ của ngành Công an.
Vì đây là công việc nhân đạo nên các chiến sĩ hồ sơ dù bận rộn với công việc hằng ngày theo yêu cầu nghiệp vụ, chiến đấu, nhưng ngoài giờ, các anh, các chị vẫn vui vẻ nhiệt tình làm thêm mà không thu lệ phí.
Trong hồ sơ tra cứu, yêu cầu phải có thông tin cơ bản và tài liệu kèm theo nhưng có trường hợp thông tin không đầy đủ, người thân bị thất lạc đã rất lâu, di chuyển qua nhiều nơi khác nhau, thay tên đổi họ, địa danh hành chính của đất nước qua các thời kỳ đã có nhiều thay đổi…, các cán bộ hồ sơ vừa phải tra cứu trong hàng triệu tàng thư, vừa phải phối hợp so sánh, đối chiếu với tàng thư và thông tin ở các đơn vị, địa phương hoặc hướng dẫn đội tìm kiếm mất rất nhiều thời gian, công sức.
Nhưng bằng sự cần mẫn, tận tâm, đã có hàng trăm kết quả Đội tìm kiếm tìm được cho người cần tìm, không chỉ mang lại hiệu quả rất cao mà còn trở thành những câu chuyện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thượng tá Hoàng Thị Sơn, Trưởng Phòng Tàng thư căn cước can phạm cho biết, Phòng có 28 cán bộ, chiến sĩ, những lúc yêu cầu nhiều phải làm ngoài giờ, giải quyết hết công việc mới thôi.
Có nhiều đơn của công dân gửi về rất cảm động, tuy nhiên thông tin về người cần tìm di ảnh viết không đầy đủ, hoặc có những lá đơn người yêu cầu không biết rõ về người cần tìm nên không thể có đầy đủ thông tin cần thiết để tìm kiếm di ảnh…
Dù công việc nhiều, nhưng vì mục đích nhân đạo và ý nghĩa nhân văn, nên các cán bộ của Phòng Tàng thư căn cước nói riêng và Cục Hồ sơ nghiệp vụ nói chung đều khắc phục khó khăn, hằng ngày tiếp xúc với kho tài liệu cũ, ẩm mốc, phải phun thuốc chống mối mọt, ảnh hưởng không nhỏ đến mắt, phổi, nhưng họ vẫn tận tụy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đem đến niềm vui cho nhiều gia đình được đoàn tụ với người thân.