Print Chủ Nhật, 09/08/2020 10:09 Gốc

Lăn lộn để kịp thời cập nhật mọi tin tức về dịch bệnh, nhà báo – phóng viên cũng là lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh đẹp của những “chiến sĩ thông tin” trong thời gian này đã biên thêm những câu chuyện đẹp trong cuộc chiến chống giặc Covid-19.

Những chiến sĩ thông tin thầm lặng

Đà Nẵng là nơi bùng phát làn sóng Covid-19 lần thứ 2 tại Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu, cùng với sự vào cuộc “căng mình chống dịch” của chính quyền, các y bác sĩ, các lực lượng, người dân, thì các phóng viên báo đài cũng “lao mình” vào tâm dịch Covid-19.

Phóng viên tác nghiệp tại tâm dịch Đà Nẵng.

Có mạo hiểm không. Có. Nhưng mạo hiểm để có được thông tin cập nhật, hình ảnh chân thực về tình hình dịch bệnh, về đời sống của người dân khu phong tỏa khu cách ly, truyền tải tới người dân, góp phần giúp người dân Đà Nẵng và người dân cả nước hiểu và cảm nhận được tinh thần chống dịch của các lực lượng và nhân dân Đà Nẵng, đồng thời nhìn nhận rõ hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh nâng cao y thức phòng chống dịch”, Nhà báo Nguyễn Hùng – Thường trú kênh Truyền hình Quốc hội tại khu vực miền Trung mở lòng chia sẻ và cho biết thêm, những người làm báo cũng không phải không có chút lo lắng về nguy cơ lây nhiễm, nhưng tất cả đều chủ động trang bị đồ bảo hộ, nước sát khuẩn khi tác nghiệp và xét nghiệm để xác định nguy cơ, tiếp tục đồng hành chống dịch.

Phóng viên Truyền hình Quốc hội trong những ngày đầu theo sát thông tin với dịch Covid-19.

Cả 2 vợ chồng làm báo, đã nhiều ngày nay, phóng viên Đình Thức (tạp chí điện tử Soha) và Bích Vân (báo Người lao động) chỉ kịp nhìn cô con gái (5 tuổi) 1 chút khi đã khuya muộn, có khi đi làm về con đã ngủ. “Ai cũng là phóng viên thời sự nên ngay khi Đà Nẵng có ca nghi nhiễm (22/7) vợ chồng đã quyết định nếu dịch trở lại thì sẽ gửi con (cho ông bà ngoại), vừa đảm bảo an toàn cho con, vừa yên tâm “cầm bút”. May mắn là bé cũng hiểu, còn nhắc nhở ba mẹ cẩn thận khi đi làm”, anh Đình Thức chia sẻ.

Vợ chồng phóng viên Đình Thức- Bích Vân trong một giây phút nghỉ ngơi thư giãn tại nơi tác nghiệp.

Không chỉ “say nghề” mà chính những hình ảnh người dân, chính quyền, các lực lượng “căng mình chống dịch” thôi thúc người làm báo nên nhà báo luôn tự mình “lao vào dịch Covid-19” . Nhà báo Vũ Vân Anh – Báo Pháp luật Việt Nam là một trong số đó. Chị bộc bạch: “Tận mắt chứng kiến cuộc sống bình tĩnh của người dân, hay nghĩa cử của bà con gửi vào tuyến đầu… khiến phóng viên sẽ thấy thôi thúc hơn trong công việc. Chúng tôi phải ghi lại để gửi thông tin chính xác đến bạn đọc, để truyền tải, lan tỏa những cảm xúc yêu thương để bạn đọc có cái nhìn lạc quan vào cuộc sống”.

Nhà báo Vũ Vân Anh – báo Pháp luật Việt Nam tác nghiệp tại hiện trường.

Theo nhà báo Tùng Lâm – Đài Truyền hình Việt Nam Khu vực miền Trung Tây Nguyên (VTV8), Đà Nẵng đang là tâm dịch của cả nước, vẫn có những hiểm nguy rình rập, nhưng người làm báo không hề chùn bước. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, mọi hoạt động đóng băng. Cũng chính vì vậy mà việc tác nghiệp phải nhanh chóng và khẩn trương để thông tin diễn biến về dịch bệnh lên sóng sớm nhất.

Lần đầu tiên trong cuộc đời làm nghề, sự nguy hiểm trong tác nghiệp lại áp sát đến như vậy. Cách tốt nhất để vượt qua sự sợ hãi, vượt qua chính mình đó là phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho chính bản thân. Kiến thức là sức mạnh, ngòi bút là vũ khí. Khi đã trang bị đầy đủ thì Covid-19 sẽ bị đẩy lùi” – Nhà báo Tùng Lâm chia sẻ.

Nhà báo Tùng Lâm – Đài Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung- Tây nguyên (VTV8).

Cùng đồng hành với các cơ quan báo chí khác, kể từ khi dịch bùng phát trở lại, các phóng viên Báo Công Thương tại miền Trung đã kịp thời thông tin về tình hình mới của dịch bệnh Covid-19. Ngoài những thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành cũng như công tác phòng chống dịch của Chính quyền, nhân dân địa phương, Báo Công Thương đã trực tiếp tác nghiệp, đưa tin, hình ảnh về hoạt động của Bộ, ngành Công Thương trong việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, mặt hàng y tế cho người dân; công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh tăng giá. Hay phản ánh về công tác chống dịch tại các khu công nghiệp, chợ, trường học, bệnh viện…

Chung tay hỗ trợ phòng chống dịch

Ngoài công tác thu thập và truyền tải thông tin cho bạn đọc và người dân, các phóng viên, nhà báo thường trú tại Đà Nẵng trong thời gian này còn ý thức và đảm đương nhiều công việc khác nhau từ kêu gọi ủng hộ, kết nối các mạnh thường quân cho đến khuân vác nhu yếu phẩm, phân phát đồ bảo hộ y tế…

Nhà báo Lê Phi( đồ bảo hộ trắng) tiếp tế đồ dùng cần thiết cho đội ngũ Y- Bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Những ngày qua, hàng trăm bộ đồ bảo hộ, nước rửa tay diệt khuẩn, hàng nghìn khẩu trang đã được đưa về trụ sở Hội nhà báo Đà Nẵng (46 Trần Quốc Toản) để phóng viên báo đài có nhu cầu lấy sử dụng khi tác nghiệp. Những trang bị này đến từ các mạnh thường quân, thông qua sự kêu gọi của nhiều lãnh đạo các cơ quan đại diện báo đài tại TP. Đà Nẵng.

Đơn cử như Văn phòng đại diện Báo Công Thương đã phối hợp với nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Miền Trung ủng hộ 10 triệu đồng cho Chương trình Ly cà phê yêu thương- Chung tay cùng tuyến đầu chống dịch; ủng hộ cho Bệnh viện Phụ sản – Nhi 1.000 chai đông trùng hạ thảo của Hàn Quốc để góp phần cho đội ngũ y bác sĩ an tâm công tác.

Nhà báo Lê Phi- Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh tại Đà Nẵng chia sẻ, để có những bản tin, thước phim, thông tin nhanh nhất đến với mọi người, người làm báo làm việc rất lao lực, vất vả và không ngại rủi ro lao vào vùng dịch để đưa tin. Tuy nhiên, chính nhiều phóng viên tác nghiệp cũng chưa trang bị cho mình đủ kỹ càng trước những rủi ro COVID-19 rình rập.

Nhận thấy được nguy cơ lây lan và mức độ nguy hiểm của đợt dịch mới, Tôi và một số anh em đã liên hệ và nhận được sự “tiếp sức” của nhiều mạnh thường quân hỗ trợ khẩu trang y tế, đồ bảo hộ, dung dịch sát khuẩn giúp anh em phóng viên tác nghiệp tại Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam yên tâm hơn”, anh Lê Phi nói.

Không chỉ là chiến đấu trên tuyến đầu hay làm hậu phương, người làm báo cũng chung tay kết nối hỗ trợ để cùng địa phương chống dịch.

Thức dậy từ 4h sáng lên đèo Hải Vân để đón đoàn hỗ trợ thiết bị y tế, đó là câu chuyện của anh em nhà báo, phóng viên Văn phòng Truyền hình Quốc hội khu vực miền Trung.

Đoàn tiếp nhận vật dụng y tế tại đèo Hải Vân do Nhà báo Nguyễn Thành Nam kết nối.

Nhà báo Nguyễn Thành Nam – Trưởng Văn phòng Truyền hình Quốc hội khu vực miền Trung chia sẻ, khi có thông tin dịch bùng phát, qua kết nối chúng tôi đã nhận được sựu hỗ trợ từ Công ty Dược phẩm Trà Vinh TVPharm (Tập đoàn Aikya) với gần 100 triệu giá trị hàng hóa và quan trọng là hành trình đi và về 1.500km trong 2 ngày cho thấy cả nước đều hướng về Đà Nẵng.

Còn rất nhiều phóng viên, nhà báo vẫn tiếp tục chung tay, kêu gọi, kết nối để có những hỗ trợ cần thiết cho các lực lượng chống dịch và người dân Đà Nẵng. Tất cả đều tâm niệm, tự nguyện mang trên vai nhiệm vụ và trách nhiệm vì một Đà Nẵng bình thường trở lại.

Thành Long

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Những chiến sĩ thông tin thầm lặng trên mặt trận chống dịch Covid-19
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác