Chúng tôi muốn kể về câu chuyện của những người phụ nữ – mỗi người một hoàn cảnh, một đặc thù, nhưng tất cả đều có điểm chung, có thể là duy nhất là họ chung tay cùng thành phố vượt qua đại dịch…
Những nữ bác sĩ xung phong tiến vào… tâm dịch
Một trong những câu chuyện gây xúc động nhiều ngày nay, đó là việc các địa phương như Hải Phòng, Bình Định đã lần lượt cử đoàn y, bác sĩ vào Đà Nẵng phối hợp, hỗ trợ cùng ngành y tế thành phố chống dịch. Và trong đoàn y, bác sĩ từ Bình Định ra Đà Nẵng, thì câu chuyện của nữ bác sĩ trẻ Nguyễn Hữu Thủy Tiên có lẽ đặc biệt hơn cả.
Chiều 6-8 vừa qua, nữ bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy Tiên (26 tuổi) cùng 24 đồng nghiệp tại tỉnh Bình Định đã đến Đà Nẵng. Được biết, Thủy Tiên, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng là người đầu tiên của ngành y tế Bình Định xung phong ra Đà Nẵng. Cũng như nhiều đồng nghiệp, khi Đà Nẵng bùng phát dịch, thông qua phương tiện thông tin, báo chí, nữ bác sĩ thường xuyên cập nhật thông tin số ca bệnh, theo dõi từ xa nhiệm vụ của các đồng nghiệp tại Đà Nẵng, nhất là tại 3 bệnh viện bị phong toả…
“Điều làm em đồng cảm, nhiều lúc không cầm được nước mắt là khi nhìn thấy những bức ảnh các đồng nghiệp vất vả, mệt mỏi, thậm chí có người kiệt sức nơi tâm dịch. Vì thế, ngay khi tỉnh Bình Định có thông báo hỗ trợ nhân lực y tế cho Đà Nẵng, em đã tình nguyện đăng ký tham gia để chia lửa cùng các đồng nghiệp nơi đây”, Thuỷ Tiên chia sẻ.
Cho rằng trở ngại ban đầu là bố mẹ phản đối quyết định của mình, tuy nhiên sau đó đều nhất loạt đồng ý và động viên, khích lệ thêm. “Cũng dễ hiểu, vì ban đầu bố mẹ lo lắng cho sức khoẻ của em, tuy nhiên với sự quyết tâm và kiên nhẫn thuyết phục, cuối cùng cả nhà cũng gật đầu”, Thuỷ Tiên chia sẻ. Đồng thời cho biết, bản thân cũng như các đồng nghiệp đã xác định bước chân lên xe thì “sẽ trở về khi Đà Nẵng hết dịch”.
Tương tự như Thuỷ Tiên, nữ điều dưỡng Tạ Thị Ngọc Ánh (25 tuổi, công tác tại BV Việt Tiệp, TP Hải Phòng), mặc dù mới kết hôn, vợ chồng chị dự định đi tuần trăng mật, nhưng cuối cùng đành phải hoãn lại để xung phong vào tâm dịch chi viện cho Đà Nẵng.
Ngọc Ánh cho biết, Hải Phòng chưa có ca mắc COVID-19 nhưng trong đợt dịch trước, địa phương này đã tiếp nhận cách ly các công dân từ nước ngoài về. Và Ánh là một trong những người được phân công chăm sóc các công dân tại khu cách ly trong thời gian 3 tháng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, gần 1 tháng trước, Ánh tổ chức đám cưới. Hai vợ chồng vốn đã lên kế hoạch đi tuần trăng mật tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, do Đà Nẵng bất ngờ xảy ra dịch bệnh nên cả hai dự tính sẽ đi du lịch ở địa điểm khác.
Và chưa kịp thực hiện ý định thì nghe có đợt kêu gọi tình nguyện vào Đà Nẵng, Ánh liền đăng ký ngay. “Do thời gian đi gấp rút nên em không kịp về nhà, đồ đạc, tư trang cũng nhờ chồng chuẩn bị và đem đến bệnh viện. Cũng may là chồng em hiểu, thông cảm và ủng hộ khi em đưa ra quyết định này”, Ánh chia sẻ.
Thuỷ Tiên, Ngọc Ánh là 2 trong số hàng chục y, bác sĩ của Hải Phòng, Bình Định, và rồi đây còn có các đồng nghiệp Thừa Thiên Huế và các địa phương khác tình nguyện vào “tâm dịch” Đà Nẵng. Với tinh thần, nhiệt huyết, cộng với kiến thức, kỹ năng được đào tạo, chắc chắn họ sẽ góp phần không nhỏ vào cuộc chiến đầy gian nan, thử thách này.
Lặng thầm góp chiến công
Khác với các nữ y, bác sĩ nói trên, đến hôm nay đã hơn 10 ngày dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, cũng chừng ấy thời gian, hàng ngàn lượt CBCS CATP Đà Nẵng, trong đó có các chiến sĩ, các tình nguyện viên nữ chưa một lần được về thăm nhà, gặp lại con thơ. Họ âm thầm với công việc, ngày đêm bám trụ ở các chốt kiểm soát phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh lây lan…
Một trong số đó là Đại úy Mai Thị Bích Thuận, cán bộ Trạm CSGT Cửa ô Hòa Hải, Phòng CSGT CATP. 18 giờ, sau khi cùng đồng nghiệp về đơn vị ăn vội bữa cơm chiều, chị lại nhanh chóng có mặt tại chốt kiểm soát – địa điểm quen thuộc với chị trong nhiều ngày nay. “Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay chúng tôi chưa về nhà. Nhớ gia đình, người thân nhưng đành gác lại, trước hết và trên hết lúc này là mỗi người phải hoàn thành tốt phần việc được giao, chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh”, Đại uý Thuận chia sẻ.
Là nữ giới, nhưng Đại uý Thuận không nề hà bất cứ việc gì, bất kể thời gian nào. Đơn cử, lúc 0 giờ ngày 6-8, khi cả thành phố Đà Nẵng chìm vào giấc ngủ, thì tại trạm CSGT cửa ô Hoà Hải, chị cũng như các đồng nghiệp nam, các lực lượng phối hợp chốt chặn khác vẫn tỉnh táo, miệt mài kiểm soát lưu lượng người và phương tiện qua lại tại khu vực này.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là triển khai trực chiến 24/24 giờ để kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn không để người, phương tiện không có nhiệm vụ ra vào thành phố. Bên cạnh đó, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn họ khai báo y tế, đo thân nhiệt”, Đại uý Thuận cho biết.
Theo Đại úy Thuận, chốt kiểm soát cửa ô Hoà Hải sát với địa bàn tỉnh Quảng Nam nên mỗi ngày có hàng ngàn lượt phương tiện, nhất là các xe đường dài, xe Container qua lại, trong khi đó lực lượng tại chốt thì mỏng. Vì thế công việc không lúc nào ngơi nghỉ.
“Từ khi dịch bùng phát, tôi vẫn chưa về thăm nhà, mỗi khi nhớ con thì giải pháp tốt nhất là gọi điện video về cho cháu. Thỉnh thoảng cháu lại đòi ba chở đến chốt thăm mẹ, nhưng hai mẹ con chỉ đứng từ xa, trò chuyện với khoảng cách an toàn. Nhiều lúc muốn chạy lại ôm chầm lấy con, nhưng chợt khựng lại vì chợt nghĩ mình tiếp xúc với nhiều người, lỡ nhiễm bệnh và lây cho con thì ân hận lắm”, Đại uý Thuận bộc bạch.
Cũng tại chốt chặn trạm cửa ô Hoà Hải, ngoài Đại uý Thuận còn có nữ giáo viên – họ tình nguyện xông pha nơi tuyến đầu để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Đó trường hợp của nữ giáo viên Nguyễn Lê Ngọc Trâm, giảng viên trường Đại học Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Hàn. Ngọc Trâm chia sẻ, khi có thông tin dịch bệnh bùng phát, với mong muốn đóng góp công sức của mình cùng cộng đồng ngăn ngừa dịch bệnh, chị đã gửi con về nhờ ông bà ngoại chăm sóc và đăng ký tình nguyện xuống chốt chặn để làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế, lộ trình di chuyển… “Ban đầu gia đình biết cũng tỏ ra nghi ngại, lo lắng lắm, nhưng rồi mọi người cũng dần hiểu và quay lại ủng hộ mình, đó là động lực tinh thần giúp mình vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Ngọc Trâm nói.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cũng đồng nghĩa với nhiệm vụ của các nữ y, bác sĩ, chiến sĩ và các tình nguyện viên không biết khi nào sẽ kết thúc. Tuy nhiên, với tinh thần xung kích, tình nguyện, dù biết phía trước là bao khó khăn, gian khổ nhưng họ vẫn một lòng hướng đến. Tin chắc rằng, với tinh thần, quyết tâm ấy, cuộc chiến với dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm kết thúc, và tất nhiên chiến thắng sẽ dành cho tất cả chúng ta.
Nguyễn Hưng