Print Chủ Nhật, 19/05/2019 06:24

Cuốn sách cuộc phiêu lưu của Marie đệ nhất, Quốc vương xứ Sedang phản ánh những góc khuất lịch sử hiếm hoi về vị ‘vua’ của vùng đất cao nguyên nước ta cách nay 130 năm.

Tác giả Lê Nguyễn ký tặng sách độc giả – ẢNH: QUỲNH TRÂN

Sáng 18.5, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, tác giả cuốn Cuộc phiêu lưu của Marie đệ nhất, Quốc vương xứ Sedang do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành, phản ánh những góc khuất lịch sử hiếm hoi về vị “vua” của vùng đất cao nguyên nước ta cách nay 130 năm.

Những phát hiện thú vị

Chuyện một người nước ngoài làm “vua” ở Tây nguyên, từng khiến cho chính quyền Pháp phải nhiều phen điên đảo đối phó là có thật nhưng trong các bộ chính sử của triều Nguyễn hầu như không hề có phản ánh. Đó là Auguste Jean-Baptiste Marie Charles David mà các sách báo thường viết với cái tên David de Mayréna.

Tác giả Lê Nguyễn kể: “Mayréna là con trai của một sĩ quan thủy quân lục chiến. Vào quân ngũ từ rất sớm nên năm 20 tuổi y đã có mặt trong đạo quân viễn chinh Pháp ở Nam kỳ. Sau khi “ra quân” y về nước lấy vợ rồi lại tái ngũ trong chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870. Xong trận mạc, Mayréna lang bạt qua VN. Từ cuộc gặp gỡ định mệnh với Toàn quyền Đông Dương Constans, với đầu óc thông minh cùng với sự giảo hoạt, Mayréna đã thành công trong việc tập hợp, kết nối các sắc tộc ở cao nguyên miền Trung dưới ngọn cờ của Pháp”.

Cuối tháng 5.1888, Mayréna lên Kon Tum, bắt đầu tiếp cận với những buôn của người Sedang sinh sống, thời điểm mà các giáo sĩ Pháp vẫn chưa tới đây được. Thông qua hai nhân vật uy tín là cha Irigoyen và Mercurol mà y được người Bahnar trong vùng thừa nhận là Tonul – Tom (Chủ tịch liên minh). Rồi bằng trận đấu gươm nảy lửa với một người buôn trưởng tên Liêu mà Mayréna được người Sedang ở đây cho rằng “ông là đấng cứu thế được thần linh cử đến” rồi tôn vinh y thành vị quốc vương như… từ trên trời rơi xuống.

“Quốc vương xứ Sedang” có niên hiệu là Marie đệ nhất, tiến hành công bố bản hiến pháp của vương quốc gồm 11 điều khoản có chữ ký đồng thuận của 42 buôn trưởng tại đây, với lá quốc kỳ màu xanh điểm bông cúc trắng. Sự kiện này được Toàn quyền Đông Dương gửi thư khen ngợi nên càng khiến cho Marie đệ nhất yên tâm củng cố “ngai vàng” và xây dựng “triều đình”. “Quốc vương xứ Sedang” bổ nhiệm nhiều người thân cận làm Thượng thư Bộ Ngoại giao kiêm quốc phòng, Đại giáo sĩ tư tế cho nhà vua và tất nhiên còn có cả… hoàng hậu.

Điều khá thú vị là ngay từ năm 1888, “quốc vương” đã ban bố hàng loạt sắc lệnh mà một số trong đó tưởng chỉ có ở thời hiện đại bây giờ: Sắc lệnh ngày 21.6 chia vương quốc thành 5 tỉnh, dưới quyền cai trị của 5 thống đốc; Sắc lệnh ngày 5.7 quy định đồng phục quân đội (áo đỏ, quần trắng); Sắc lệnh thành lập bưu chính trong vương quốc; Sắc lệnh tuyên chiến với sắc tộc Djarai ngày 5.8 và Sắc lệnh bổ nhiệm các tổng lãnh sự, lãnh sự tại Luân Đôn (Anh), Marseille (Pháp), Bruxelles và Ostende (Bỉ)…, đồng thời xúc tiến hội đàm với đại diện Vương quốc Xiêm để tách họ ra khỏi tầm ảnh hưởng của người Đức từ phương xa đến. Vị “quốc vương” này còn thân chinh vượt 300 km qua Bassac (Lào) hội kiến với vua xứ sở triệu voi tìm “người anh em” để chống lại sự đe dọa từ bên ngoài.

Vương triều sớm nở tối tàn

Một số ý kiến tò mò tại buổi giao lưu với tác giả, rằng: “Như vậy, vương quốc Sedang thuộc địa phận nào của VN và vương triều này tồn tại kéo dài bao lâu?”.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn giải thích: “Vương quốc Sedang chỉ là một tên gọi mà nhân vật chính đã tạo ra để đạt được mục tiêu của chính quyền thực dân và đặt những sắc tộc Tây nguyên dưới sự cai trị trực tiếp của người Pháp. Sau này chính sự thay thế nhân sự trong Phủ toàn quyền Đông Dương kéo theo sự thay đổi chính sách của Pháp đã biến Mayréna từ người có công chuyển sang kẻ tội đồ. Tuy rằng, không có diện tích cụ thể là bao nhiêu nhưng thủ phủ này nằm trong khu vực thuộc địa phận Kon Tum ngày nay”.

Như vậy, sau chuyến công cán qua Lào và Thái Lan không thành công, Marie đệ nhất trở về vương quốc thì người vợ đầu ấp tay gối đã qua đời, các giáo sĩ thì quay lưng vì sợ đụng chạm với bộ máy cầm quyền. Mayréna đành phải từ bỏ vương quốc xứ Sedang lưu lạc ra Hải Phòng, Hà Nội kiếm sống, rồi qua Hồng Kông cũng không xong nên trở về Paris (Pháp), Bruxelles (Bỉ)… tiếp tục sử dụng “mác” “quốc vương xứ Sedang” để ăn bám vào bóng hào quang cũ theo kiểu trưởng giả học làm sang, sống buồn bã những năm tháng cuối đời.

Marie đệ nhất xứ Sedang mất tại hòn đảo hẻo lánh Tioman (Malaysia) với rất nhiều giả thuyết về cái chết bí ẩn của vị vua một vương triều ngắn ngủi trong lịch sử mà theo tác giả Lê Nguyễn khẳng định là “sớm nở tối tàn”.

Vài nét về tác giả Lê Nguyễn

Sau nhiều tác phẩm Thành cổ Sài Gòn và các vấn đề về triều Nguyễn (1998, 2005), Xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc (2004, 2016, 2017), Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa (2017), Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn – dịch từ nguyên bản của George Dutton (2019)…, độc giả tiếp tục khám phá những bí ẩn của “quốc vương xứ Sedang” qua cây bút uy tín Lê Nguyễn – người mà học giả An Chi nhận xét “có kho tư liệu hết sức tin tưởng”, bởi ông xuất thân từ một công chức hành chánh đầy kinh nghiệm trước năm 1975. Cuốn sách quý Cuộc phiêu lưu của Marie đệ nhất, Quốc vương xứ Sedang theo Giám đốc – Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM Đinh Thị Thanh Thủy tiết lộ: “Chưa kể thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và đối chiếu cẩn thận với nhiều nguồn tư liệu khác nhau, tác phẩm mới được nhà nghiên cứu Lê Nguyễn hoàn thiện sau 2 năm trời vất vả”.

Nguồn: Báo Thanh niên

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Những bí ẩn của ‘Quốc vương xứ Sedang’
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác