Theo tín ngưỡng văn hóa của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Công ông Táo cưỡi cá chép về chầu Trời, báo cáo công việc một năm qua dưới hạ giới. Để phục vụ nhu cầu của người dân trong ngày Tết cuối năm, những ngày này, làng nghề nuôi cá chép truyền thống tại làng Hội Am (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo) đang tất bật chuẩn bị cho những mẻ cá để tung ra thị trường.
Theo các cụ cao niên ở đây, nghề nuôi cá chép truyền thống Hội Am đã có từ nhiều đời nay do cha ông để lại. Trước đây, người dân nuôi cá chép chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu tại địa phương. Sau này, nhận thấy tiềm năng từ các thị trường lớn bên ngoài, nhiều hộ nông dân đã đầu tư trang trại, mở rộng quy mô nuôi cá để phục vụ cá Tết cho khắp các vùng miền.
Dự kiến Tết ông Công, ông Táo năm nay, làng Hội Am sẽ cung cấp ra thị trường hơn 7 tấn cá chép trắng, chép vàng, chép tam dương. Với giá bán cao gần gấp đôi so với vụ cá năm 2020, mỗi sào ao đem lại cho người làm nghề khoản thu nhập lên tới gần 20 triệu đồng, cao gấp hơn 10 lần so với cấy lúa 2 vụ.
Làng nuôi cá giống truyền thống Hội Am (gồm 3 thôn 8, 9, 10) những ngày giữa tháng Chạp trên các tuyến đường nông thôn mới rộng rãi, khang trang tấp nập xe máy thồ, xe ô tô tải nhỏ của thương lái vào ra đưa ra cá đi tiêu thụ khắp nơi, từ các huyện nhà, các huyện lân cận, khu vực nội thành đến các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh…
Anh Đỗ Văn Thiết, ở thôn 9 Hội Am cho biết, gia đình anh có nghề nuôi cá giống từ nhiều đời. Gần 20 năm trở lại đây, gia đình nuôi thêm cá chép phục vụ dịp Tết ông Công, ông Táo. Vụ cá chép năm 2020, gia đình anh có hơn 3 sào ao thu được hơn 7 tạ cá. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giao thông khó khăn, thương lái thu mua với mức giá 70-80 nghìn đồng/kg, không đủ chi phí giống, thức ăn, thuê nhân công…
Vụ cá này, gia đình anh chỉ xuống giống hơn 1 sào ao, chủ yếu cá chép vàng, chép tam dương, dự kiến thu hơn 2 tạ. Nhờ giao thông thuận lợi, thương lái từ khắp nơi đổ về thu mua, mức giá nâng lên trung bình 150-170 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 20 triệu đồng/sào/vụ, gấp hơn 10 lần so với cấy lúa 2 vụ.
Đến nay, cả làng Hội Am có hơn 400 hộ theo nghề với tổng diện tích gần 80 ha. Gia đình ít có chừng 2-3 sào ao, nhiều lên tới gần 10 mẫu. Thay vì đánh bắt tự nhiên, người làm nghề ở Hội Am mua cá bột to cỡ hơn đầu tăm một chút, sau 2-3 tháng nuôi, khi xuất bán cỡ ngón tay người trưởng thành.
Không chỉ mua cá bột nuôi thành cá giống, làng Hội Am hiện có nhiều hộ tự sản xuất được cá giống. Ngoài các giống cá truyền thống như trôi, trắm, chép, mè, rô phi, hiện người làm nghề ở Hội Am nuôi nhiều loại cá mới được thị trường ưa chuộng như cá lăng, trắm giòn, chép giòn, cá quả… Năm 2001, thành phố công nhận làng nghề truyền thống nuôi cá giống Hội Am.
Chủ tịch UBND xã Cao Minh Đào Xuân Luân cho biết, để hỗ trợ các hộ làm nghề ương nuôi cá giống, cá thịt, thời gian qua, UBND xã Cao Minh tích cực với phối hợp phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chọn giống, chăm sóc cá trung bình 2-3 lớp/năm cho hàng nghìn lượt người.
Bên cạnh đó, UBND xã còn tăng cường kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề tiếp cận các khoản vay với lãi xuất ưu đãi để mở rộng sản xuất. Đến nay, nghề ương cá giống, cá thịt nói chung nói chung, ương nuôi cá chép cung cấp cho thị trường dịp Tết ông Công, ông Táo nói riêng, giúp gia đình nhiều hộ làm nghề ở Hội Am thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.
Nhiều hộ có thu nhập lên tới hàng tỷ đồng/năm. Những ngôi nhà tranh vách đất khi xưa giờ đây được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng rộng rãi, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hội Am được cải thiện, nâng cao rõ rệt
Có thể nói, nghề nuôi cá truyền thống Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo không chỉ đem nguồn thu nhập cho người dân trong xã mà còn góp phần lưu giữ nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt. Với định hướng phát triển của địa phương cùng sự nỗ lực của bà con nông dân, hi vọng nơi đây sẽ ngày càng phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu của một “làng nghề” truyền thống.
TRUNG KIÊN