Print Thứ Hai, 16/08/2021 15:12 Gốc

Cùng với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, hiện có Hà Nội, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn. Trong đó, các tỉnh, thành phố phía Nam đã qua 28 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Phú Yên là 24 ngày, Hà Nội 23 ngày, Đà Nẵng 15 ngày và Khánh Hòa đã giãn cách được 9 ngày.

Mặc dù đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên số mắc COVID-19 vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài “Nhìn lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg”, để đánh giá những kết quả đạt được và những vấn đề đặt ra cho công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Rào chắn gần hết tuyến đường Cao Thắng (Quận 3), Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN.

Bài 1: Cuộc chiến khốc liệt

Kể từ khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, đến nay, cả nước đã ghi nhận 275.044 ca mắc COVID-19, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; 102.504 người khỏi bệnh; 5.774 ca tử vong, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính theo tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do COVID-19.

Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca (chiếm 98,5% số ca mắc từ khi có dịch tại nước ta), có 99.730 người được công bố khỏi bệnh (chiếm 36,8%), 5.739 ca tử vong. 5/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới là Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình. 7 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát là Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng. Cho đến nay, duy nhất tỉnh Cao Bằng chưa ghi nhận ca mắc COVID-19.

Dịch lây lan rộng và kéo dài

Nhìn vào số trường hợp mắc mới COVID-19, có thể thấy cuộc chiến với làn sóng dịch thứ tư là vô cùng khốc liệt. Nếu như trong 3 đợt dịch trước, số ca mắc trong nước chỉ là 1.570 ca, chỉ trong đợt dịch thứ tư, con số này đã tăng vọt lên 271.037 ca, gấp hơn 172 lần. Số liệu tổng hợp của Bộ Y tế tính đến tối 15/8, số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực ICU là 589 và số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị thở máy ECMO là 18 ca.

Đau xót hơn, chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng qua, số người tử vong vì COVID-19 đã lên đến 5.739 trường hợp, trong khi cả 3 đợt dịch kéo dài kể từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 4/2021, số tử vong chỉ là 35 người. Tiểu ban Điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, ngày 15/8 có 336 ca tử vong vì COVID-19, trong đó, riêng Thành phố Hồ Chí Minh là 282 ca, Bình Dương 20 ca.

Biến thể virus Delta lây lan rất nhanh và mạnh do virus phát tán trong không khí, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước, làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt trong các khu vực không gian kín, ít lưu thông như phòng họp, nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người. Trong khi đó, đợt dịch xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thông huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn. Dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế. Đây chính là những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan rộng và kéo dài.

Bên cạnh đó, theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, còn có nguyên nhân chủ quan do việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg tại một số địa phương còn chưa nghiêm, chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc cách ly giữa người với người, gia đình với gia đình, “ai ở đâu, ở yên đó”; thời gian đầu triển khai còn lúng túng, chưa đồng bộ. Công tác tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành, quy định về phòng, chống dịch tại một số nơi còn chưa nghiêm, lúng túng và không nhất quán; còn có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Các tuyến đường chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vắng bóng người đi lại. Ảnh: Trần Lê Lâm/ TTXVN.

Công tác đảm bảo hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” ở các địa phương chưa được chuẩn bị trước dẫn đến thiếu vật tư, trang thiết bị cần thiết phục vụ phòng, chống dịch, nhất là về nhân lực y tế, thiết bị xét nghiệm, điều trị. Việc tổ chức, chỉ huy và điều phối triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại một số địa phương bộc lộ hạn chế, đặc biệt trong công tác điều phối tại cơ sở, các hoạt động thu dung, chuyển tuyến, điều trị người bệnh; trong công tác đảm bảo hậu cần, an sinh xã hội và vấn đề giao thông, vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Ngay từ kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, một nghị quyết đặc biệt đã được Quốc hội ban hành, Nghị quyết số 30/2021/QH15. Đặc biệt là bởi, trong nhiều kỳ Quốc hội qua, chưa có nghị quyết nào ngay từ kỳ họp đầu tiên đã đề cập đến vấn đề cấp bách là phòng, chống dịch, có đến hơn ¾ dung lượng của Nghị quyết liên quan đến nội dung này. Quốc hội đã quyết ngay cho phép Chính phủ thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch COVID-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021…

Đáng chú ý, một “cơ chế mở” đã được Quốc hội sớm tính đến nhằm gỡ vướng, trao thêm quyền cho Chính phủ để tăng cường phòng, chống dịch như: Đồng ý cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết… Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật, trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Nội dung Nghị quyết đã nhanh chóng được đưa vào thực tiễn, bằng những hành động cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội. Thể hiện trách nhiệm với nhân dân, với đất nước, chỉ sau hơn 1 tuần Nghị quyết được ban hành, với tinh thần tích cực, khẩn trương, đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường vào ngoài giờ làm việc, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 30 và quyết định các nội dung theo thẩm quyền.

Sự cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ ấy đã vượt qua giới hạn về thời gian, để các biện pháp chống dịch được triển khai nhanh hơn ngoài thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo an toàn cho nhân dân là trên hết và trước hết. Từ tối 5/8, mỗi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải nỗ lực hết mình khi nhận, đọc tài liệu của Chính phủ để chiều muộn ngày 6/8 cùng tham dự, góp ý kiến tại phiên họp khẩn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Là người phụ trách trực tiếp hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã họp liên tục với các Ủy ban liên quan trong khoảng thời gian này để xem xét các đề nghị của Chính phủ và đưa ra những góp ý để Chính phủ thực hiện hiệu quả hơn. Và, cũng ngay trong tối 6/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của Luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Việc triển khai ban hành Nghị quyết số 268 diễn ra trong bối cảnh khẩn cấp nhưng vẫn bảo đảm dựa trên các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Nghị quyết số 30 của Quốc hội.

Chúng ta cần phải có một nghị quyết để cộng đồng trách nhiệm, là chỗ dựa pháp lý vững chắc để Chính phủ, các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói. Ông cho rằng, đây là một trong những công việc đầu tiên để cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết liệt thực hiện mục tiêu phòng, chống COVID-19 được đặt ra tại Nghị quyết số 30.

Trước tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống, với tinh thần “chống dịch như chống giặc“, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi tha thiết: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Cùng với đó, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân phường Nguyễn Du ngày 16/8/2021. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã thường xuyên bám sát các diễn biến tình hình dịch; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của mọi nguồn lực xã hội và nhân dân cả nước.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, phù hợp với thực tiễn trên tinh thần xuyên suốt “chống dịch như chống giặc”, và phương châm “phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly nhanh, dập dịch tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình”; tăng cường “4 tại chỗ” đi đôi với kiểm tra, giám sát và phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong phòng, chống dịch. Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19; các Bộ Y tế, Công an thành lập các Bộ phận thường trực tại Thành phố Hồ Chí Minh và triển khai nhiều đoàn công tác phòng, chống dịch.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã bám sát tình hình dịch bệnh, tăng cường chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn. Công tác chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các địa phương có sự thống nhất, thể hiện quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền; kịp thời chỉ đạo các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội, huy động được sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch./.

Bài 2. Dịch chưa được kiểm soát triệt để, còn khả năng bùng phát.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nhìn lại việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg: Bài 1. Cuộc chiến khốc liệt
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác