Khi bước vào tuổi thiếu niên, tôi chợt nhận ra rằng, mình không có cha, khác với bạn bè cùng trang lứa. Sau này tôi mới hiểu, “nhắc đến cha là điều cấm kỵ, vì cha là Việt Minh tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và đi tập kết ở miền Bắc”.
Mẹ tôi luôn dặn dò các con như vậy! Tôi cứ nghĩ tại sao cha là Việt Minh chống thực dân Pháp, mà lại không được nhắc đến; cũng như ông cố tổ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân của chúng tôi, một chiến sĩ yêu nước kiên cường chống Pháp, người bị thực dân Pháp chặt đầu, mà sau này dưới ách thực dân và chính quyền tay sai của Pháp, gia đình nội của mẹ tôi mỗi lần đi thăm mộ phải lén lút trong đêm?!
Ghi lại những cảm xúc này, tôi bày tỏ sự khởi đầu nhận thức cũng như tình cảm yêu nước của tôi. Đơn giản là chưa lý giải được căn nguyên và nguồn gốc cuộc đấu tranh trường kỳ để giải phòng dân tộc và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta, mà sau này tôi mới hiểu.
Khi đã bước vào tuổi thanh niên, là học sinh của một trường trung học, tuy sống trong sự kềm kẹp, hà khắc của công an, cảnh sát, cùng hệ thống chính quyền xã, ấp của chế độ Sài Gòn, từng bước tôi đã hiểu được tính chính nghĩa của Việt Minh trước đây cũng như Việt Cộng mà Mỹ và chế độ Sài Gòn đặt ra để chỉ những người yêu nước ở miền Nam.
Vào thời điểm này, được tiếp xúc với cha, cùng các chú, các anh là chiến sĩ Quân giải phóng, tôi tiếp thu được nhiều thông tin về cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam. Tôi hiểu rằng: chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ đang trên đà phá sản, nhất định Mỹ sẽ đưa quân vào miền Nam. Tình hình này càng thôi thúc tôi sớm ra chiến khu và tham gia Quân giải phóng. Và tôi đã thực hiện được ước vọng của mình, đúng thời điểm Mỹ đưa quân trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam. Trước nguy cơ sụp đổ của chế độ Sài Gòn, Mỹ đã chuyển chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ.
Qua hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 – 1966 và 1966 – 1967 mà tôi đã được chứng kiến trên chiến trường Đông Nam bộ, tôi thấy rõ, Mỹ đã không thực hiện được mục tiêu “tìm và diệt”. Đặc biệt, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966 – 1967, mà đỉnh điểm là cuộc hành quân Junction City ở Đông Nam bộ cùng những chiến trường khác trên toàn miền Nam, Mỹ đã thất bại.
Cũng như bao chiến sĩ Quân giải phóng trên chiến trường miền Đông Nam bộ, tôi đã chiến đấu trực tiếp với quân Mỹ. Chính thực tiễn này, đã giúp tôi hiểu được: sức mạnh của quân đội Mỹ là có hạn.
Tôi nhớ mãi lời động viên đầy tâm huyết của một đồng chí lãnh đạo Quân giải phóng: phải có cặp mắt nhìn xuyên qua ác liệt thì mới thấy được thắng lợi. Các chiến sĩ của chúng ta ở thời điểm đó, quả thật đã thể hiện xứng đáng quyết tâm, ý chí, lòng dũng cảm – quyết chiến, quyết thắng.
Giữa lúc quân đội Mỹ đang bế tắc về chiến lược, cuộc tiến công Mậu Thân 1968 nổ ra. Chúng ta xuống đường “trong sự hồ hởi, phấn khởi để giải phóng miền Nam”. Được trực tiếp chiến đấu đánh vào Sài Gòn, cả đợt một và đợt hai (tháng 5.1968), tôi thấy rõ sự dũng cảm, hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ chúng ta. Có lúc tôi và nhiều đồng đội khác ở vào tình thế hết sức hiểm nghèo, nhưng tất cả một lòng, một dạ dấn thân vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Đến nay vẫn còn văng vẳng bên tai tôi lời kêu gọi của đồng chí chính ủy Trung đoàn: “Chúng ta là quân cách mạng, chỉ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng trên chiến trường. Không từ bỏ vũ khí. Và không đầu hàng”. Tình cảm và ý chí cách mạng lúc đó sao mà thiêng liêng đến vậy!
Về cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia lịch sử quân sự chính trị trong và ngoài nước (kể cả chính trị gia Mỹ) đã bàn nhiều về sự thất bại của Mỹ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, ta bị thiệt hại khá nặng nề (đặc biệt là các cuộc phản kích ác liệt sau đó của địch trên chiến trường từ vùng ven các thành phố, thị xã đến khu vực trung tuyến và địa bàn rừng núi), sao có thể nói đó là thắng lợi?
Trong dịp được tham gia làm bộ phim tài liệu “Nhớ về Sài Gòn Mậu Thân 1968” tôi có phát biểu về ý nghĩa thắng lợi của sự kiện lịch sử này. “Tôi nghĩ không có một chiến thắng nào mà không trải qua ác liệt, hy sinh. Mậu Thân 1968 là một trong những điển hình đó, cái chúng ta được lớn nhất cần ghi nhận đầy đủ chính là vấn đề chiến lược. Mỹ nhận ra rằng, không thể thắng Việt Nam trong cuộc chiến tranh này, phải “xuống thang” và phải tính phương cách khác, không thể trực tiếp tác chiến với chúng ta. Phải chuyển chiến lược, từ chiến lược chiến tranh cục bộ sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Và hệ quả của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh như thế nào, lịch sử đã minh chứng; sự kiện lịch sử 30.4.1975 đã nói rõ điều đó”.
Nhìn lại lịch sử từ sau Mậu Thân 1968 đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn 30.4.1975, chúng ta càng thấy Đảng ta đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng chiến lược của Bác Hồ. Chúng ta đã “vừa đánh, vừa đàm” vừa củng cố, xây dựng lực lượng, liên tục tiến công địch trong tình thế Mỹ phải lần lượt rút quân. Cũng như bao chiến sĩ khác trong đơn vị tôi vô cùng lo lắng trước diễn biến của cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng cuối năm 1972; và có niềm phấn khích tột cùng khi quân dân ta tạo ra một “ Điện Biên Phủ” trên không, buộc Mỹ phải ký kết hiệp định Paris kết thúc sự dính líu tại Việt Nam. Không còn chỗ dựa, chế độ và quân đội Sài Gòn đã nhanh chóng sụp đổ trước sức tiến công của quân và dân ta trong Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta mà đỉnh cao có tính quyết định là Đại thắng Mùa Xuân 1975 có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Là một trong những cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta định ra chủ trương, đường lối đúng đắn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hòa bình thống nhất đất nước.
Song các thế lực thù địch, chủ nghĩa bành trướng bá quyền nước lớn với mưu đồ chiến lược của riêng họ đã hậu thuẫn, chỉ đạo bọn phản động Pôn Pốt, Iêng Xa ry tiến hành chiến tranh xâm lược trên biên giới Tây Nam của đất nước ta. Thất bại trong chiến lược này, chúng không ngần ngại mở cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn bộ tuyến biên giới phía Bắc. Với chiêu bài láo xược “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Có mặt vào thời điểm lịch sử trên chiến trường biên giới phía Bắc của Tổ quốc; tôi đã tận mắt nhìn rõ tội ác của quân xâm lược, và lòng căm thù của đồng bào ta, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Trong bối cảnh chúng ta phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược ở cả biên giới Tây Nam và phía Bắc, Mỹ cấu kết với chủ nghĩa bành trướng bá quyền nước lớn bao vây cấm vận gây thêm biết bao khó khăn cho chúng ta.
Đất nước ta đã trải qua cuộc đấu tranh trường kỳ chống xâm lược. Ước vọng lớn nhất của mỗi chúng ta là giữ gìn hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Trước tình hình quốc tế, khu vực có những biến đổi sâu sắc như hiện nay, chúng ta luôn kiên trì chính sách nhất quán hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước. Đối với chúng ta, Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong sự đan xen những mâu thuẫn cùng nhiều sự khác biệt. Chúng ta có quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Trung Quốc cùng nhiều nước khác tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập sâu rộng cùng cộng đồng quốc tế. Đây là kết quả của đường lối đổi mới của Đảng ta trong hơn 30 năm qua.
Nỗ lực phấn đấu vì hòa bình, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau, cùng có lợi là phương sách để giữ gìn hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Tôi nghĩ đó là điều cần suy ngẫm thật sâu sắc cho hiện nay và mãi mãi sau này. Đó cũng chính là khát vọng, và làm sâu sắc thêm niềm tự hào dân tộc về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng như Đại thắng Mùa Xuân năm 1975.
Trung tướng Lưu Phước Lượng (*)
(*) Nguyên Bí thư Đảng ủy – Phó tư lệnh về Chính trị Quân khu 9; nguyên Phó trưởng ban, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ