Theo Cục Thuế, chỉ thống kê 10 doanh nghiệp công nghiệp nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên đã có số nợ lên tới 318,6 tỷ đồng. Trong đó, 136 tỷ đồng nợ gốc, 182 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp. Số tiền phạt chậm nộp lớn hơn số nợ thuế gốc cho thấy, nhiều doanh nghiệp nợ ngân sách hết năm này qua năm khác, kéo dài từ 5-7 năm. Có doanh nghiệp nợ triền miên hơn 10 năm. Công tác thu nợ thuế khó khăn, trầy trật và không dứt điểm được.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có nhiều doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách thành phố. Trong ảnh: Công ty cổ phần Lisemco là doanh nghiệp có số nợ thuế lớn 51,7 tỷ đồng.
Ảnh: Duy Thính
Trăm ngàn lý do nợ thuế
Đứng đầu danh sách nợ thuế hiện nay là Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng với số nợ 121 tỷ đồng. Trong đó, tiền phạt chậm nộp lên tới hơn 82 tỷ đồng, chứng tỏ món nợ kéo dài hàng chục năm nay. Tổng giám đốc công ty Vũ Hữu Chiến cho biết, đây là món nợ nhận lại của một số doanh nghiệp thành viên của Vinashin trước đây nên mặc dù có nhiều cố gắng nhưng khó có thể thu xếp trả dứt điểm trong bối cảnh khó khăn chung của các doanh nghiệp đóng tàu. Theo lãnh đạo Công ty CP công nghiệp tàu thủy Đông Á, các đơn hàng đóng tàu ít trong khi công ty còn đọng tàu hàng 9200 tấn trị giá 100 tỷ đồng chưa bàn giao khách hàng nên dẫn tới nợ đọng thuế. Số nợ của Đông Á hiện lên tới 31,7 tỷ đồng. Cũng như vậy, theo Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Phà Rừng Lữ Quốc Ân, doanh nghiệp thuộc diện phá sản nên không có nguồn để nộp khoản nợ thuế khoảng 15 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp khác chỉ ra lý do dẫn tới nợ thuế là do sản xuất- kinh doanh khó khăn, do “đổ bể” trong hợp tác kinh doanh với khách hàng nước ngoài; do thi công nhiều công trình bằng nguồn vốn ngân sách, nhưng nhiều năm nay chưa được thanh toán… Đơn cử, Công ty CP cầu đường 10 nợ hơn 21 tỷ đồng do thi công nhiều công trình vốn ngân sách ở tỉnh ngoài, nhưng chưa được thanh toán dứt điểm. Một số doanh nghiệp khác có số nợ lớn như Công ty CP đầu tư và xây dựng đường thủy nợ hơn 15 tỷ đồng; Công ty CP đầu tư và xây dựng công trình đường thủy 2 nợ 13,4 tỷ đồng; Công ty CP Việt Thịnh nợ 21,7 tỷ đồng; Công ty CP cơ khí thương mại và xây dựng Hải Phòng nợ 14,4 tỷ đồng; Công ty CP Lisemco nợ 51,7 tỷ đồng; Công ty CP cơ khí và xây lắp hóa chất nợ 11,8 tỷ đồng…
Trầy trật thu nợ
Phó cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Nguyễn Huy Nhặn cho biết, đối với các doanh nghiệp này, Cục Thuế áp dụng rất nhiều biện pháp, kể cả cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng…, nhưng vẫn “trầy trật”, số nợ thu được chỉ “nhỏ giọt”, không đáng bao nhiêu. 11 tháng năm 2018, Cục thuế mới thu được 19 tỷ đồng từ các doanh nghiệp này. Trong đó lớn nhất là Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng nộp hơn 10 tỷ đồng; Công ty CP Lisemco nộp 3,4 tỷ đồng; Công ty CP cầu đường 10 nộp 2,9 tỷ đồng; Công ty CP công nghiệp tàu thủy Đông Á nộp 441 triệu đồng; Công ty CP cơ khí thương mại và xây dựng Hải Phòng được 1,3 tỷ đồng; Công ty CP cơ khí xây lắp hóa chất nộp 944 tỷ đồng… Cá biệt, Công ty CP đầu tư và xây dựng đường thủy, Công ty CP Việt Thịnh không nộp được đồng nào.
Tại cuộc họp đôn đốc thu nợ mới đây do đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì, hầu hết doanh nghiệp cũng không dám cam kết trả nợ. Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến cho biết, trong tháng 12, công ty cố gắng thu xếp trả nợ thuế khoảng 1,8 tỷ đồng, còn lại đề nghị được trả dần. Công ty CP cầu đường 10 cam kết sẽ trả khoảng 500 triệu đồng trong tháng 12, còn lại cũng xin lùi vào năm sau. Lãnh đạo Công ty Đông Á đề xuất mức trả nợ trong tháng 12 khoảng 100- 500 triệu đồng; Công ty CP cơ khí xây lắp hóa chất đề xuất mức trả nợ khoảng 300 triệu đồng… Công ty CP đầu tư và xây dựng đường thủy; Công ty Việt Thịnh vẫn không có phương án trả nợ.
Như thế, cam kết trả nợ của hầu hết doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của thành phố và quá nhỏ so với những món nợ lâu năm. Trong khi đó, theo Cục Thuế, có 7 doanh nghiệp đang hoạt động và có doanh thu; 3 doanh nghiệp không phát sinh doanh thu.
Lãnh đạo Cục Thuế cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế, đối với những món nợ này, doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách ít nhất 50% tổng số nợ hoặc trả hết nợ gốc. Tuy nhiên, tại thời điểm này, các doanh nghiệp khó khăn nên cũng cần có các phương án phù hợp. Theo đó, Cục Thuế đề nghị đối với doanh nghiệp có doanh thu lớn hơn số nợ thuế yêu cầu nộp tối thiểu 50% số nợ vào ngân sách; doanh nghiệp có doanh thu nhỏ hơn số nợ thuế yêu cầu nộp tối thiểu 30% số nợ. Các trường hợp không thực hiện sẽ cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng và thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong bối cảnh nhiệm vụ thu ngân sách của thành phố khá nặng nề, nhiều doanh nghiệp chấp hành nghiêm nghĩa vụ nộp ngân sách, không dây dưa nợ nần, những doanh nghiệp có số nợ nhiều và lâu năm cần nhanh chóng thu xếp nộp vào ngân sách, bảo đảm sự nghiêm minh, công bằng trong thực hiện pháp luật thuế.
Hồng Thanh – Báo Hải Phòng 23/12/2018
Lực lượng công an cả nước thực hiện sắp xếp giảm thêm 280 đơn vị…
Theo tin dự báo thời tiết mới nhất dịp Tết Dương lịch 2025, khu vực…
Trong năm 2024, Hải Phòng đã bố trí kinh phí để hỗ trợ các chính…
Bộ Y tế đề xuất chính sách mới liên quan đến việc sinh con thứ…
Mua bán, chuyển nhượng đất không sổ đỏ có thể bị phạt tiền tới 100…
Sáng 28/12, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp thống nhất các nội dung…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More