Cụ thể, tại văn bản gửi Thủ tướng, Hiệp hội cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực từ 1/7/2019. Theo đó, đạo luật này được xây dựng trên tinh thần chuyển quyền đại diện chủ sở hữu các cơ sở giáo dục đại học từ cơ quan chủ quản về nhà trường, hướng tới mỗi cơ sở giáo dục đại học là một pháp nhân có đầy đủ quyền tự chủ. Luật quy định Hội đồng trường là tổ chức quản trị đại diện quyền sở hữu của nhà trường.
Tại khoản 8, Điều 16 quy định rõ chức năng, quyền hạn, tiêu chuẩn, nguyên tắc tổ chức, cách thức hoạt động của Hội đồng trường, đồng thời giao Chính phủ “quy định chi tiết quy trình, thủ tục thành lập, công nhận Hội đồng trường; việc công nhận miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của Hội đồng trường”.
Tuy vậy, theo Hiệp hội, đã nhiều tháng qua, Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của đạo luật này. Sự việc này gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc triển khai thực hiện Luật, mà mấu chốt là việc công nhận Hội đồng trường chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc khác, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP vẫn muốn quản lý trực tiếp mọi hoạt động của các trường đại học trực thuộc trên các mặt tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, tài chính, đầu tư và thậm chí cả về mặt học thuật. Hậu quả là nhiều trường đại học, kể cả trường công lập và dân lập, tư thục vẫn chưa được công nhận Hội đồng trường, mặc dù các cơ sở giáo dục đại học này đã thực hiện thủ tục và quy trìh đầy đủ quy định theo Luật để thành lập Hội đồng trường.
Theo Hiệp hội, do chậm ban hành văn bản hướng dẫn, đã xuất hiện những cơ sở giáo dục rơi vào cảnh “bỏ trống quyền lực”.
Đơn cử như tình huống của trường Đại học dân lập Lương Thế Vinh (Nam Định) đã được chuyển đổi sang loại hình trường tư thục theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến tháng 9/2019, cơ cấu bộ máy tổ chức của trường Đại học tư thục Lương Thế Vinh đã hoàn thành. Việc công nhận Hội đồng quản trị không được UBND tỉnh Nam Định quyết định công nhận theo Thông tư 45/2014 của Bộ GD&ĐT vì phải áp dụng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Ấy vậy, đạo luật này lại chưa có Nghị định hướng dẫn từ Chính phủ, dẫn đến việc “nhà trường rơi vào tình trạng bỏ trống quyền lực, mọi hoạt động bị đình trệ, bế tắc” – trích từ công văn của trường gửi Hiệp hội.
Hoặc, tình huống của trường Đại học dân lập Hải Phòng, được chuyển sang trường đại học tư thục và đổi tên thành trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 20/6/2019, trường Đại học dân lập Hải Phòng có Tờ trình 361 cùng hồ sơ quá trình bầu cử thành viên Hội đồng trường trình UBND TP Hải Phòng đề nghị công nhận. UBND TP Hải Phòng đã có công văn gửi Bộ GD&ĐT xin chỉ đạo về việc công nhận Hội đồng trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng.
Tuy nhiên, sau 6 tháng, đến hiện tại, vẫn chưa có kết quả công nhận Hội đồng trường, dẫn đến việc nhà trường “chưa được hoạt động dưới tên mới, vì chưa đủ điều kiện để được Công an TP cấp dấu mới” – trích kiến nghị của nhà trường tại Công văn 681/2019 gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT và UBND TP Hải Phòng.
Là những xung đột giữa quy định của cơ quan chủ quản và Luật, đại diện trường Đại học Tôn Đức Thắng cho hay, là trường công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đến nay vẫn chưa được cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường vì vướng mắc giữa việc thực hiện các quy định của Luật Giáo dục đại học với các quy định của Tổng Liên đoàn.
Cũng theo Hiệp hội, một số trường đại học địa phương ở Hải Phòng, miền Tây Nam Bộ, miền Trung cũng gặp phải tình huống tương tự bởi sự can thiệp “mạnh tay” từ chính quyền địa phương đến các hoạt động của nhà trường, trong điều kiện ngày một sụt giảm về quy mô, thách thức việc đảm bảo nguồn tài chính mà các trường thực hiện tự chủ phải đương đầu.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, một lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho hay, phía Bộ đã nhận được các kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội và các cơ quan chức năng đang gấp gáp xem xét.
Cần xoá bỏ cơ chế cơ quan chủ quản
Với loạt khó khăn do thiếu văn bản hướng dẫn, là người ký vào công văn gửi Thủ tướng, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội thiết tha Chính phủ sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đặc biệt các nội dung liên quan đến Hội đồng trường. Ngoài ra, phía Hiệp hội cũng mong muốn được cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chính sách tiến tới xoá bỏ cơ chế cơ quan chủ quản trên tinh thần Nghị quyết 12 – NQ/TW và các văn bản liên quan.
Sáng 13-11, tại Trung tâm hội nghị thành phố, UBND thành phố, Ủy ban MTTQ…
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày…
Quốc hội chốt chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo…
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn, nhà giáo,…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy định mới bây giờ là xử lý…
Sáng ngày 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More