Trước những thông tin về “ăn xin mặt đen” lan truyền với tốc độ chóng mặt, cơ quan chức năng đang tích cực xác minh, làm rõ lai lịch của đối tượng để trấn an người dân thì trên mạng xã hội liên tiếp lan truyền những tin giả – fake news làm nhiễu loạn dư luận. Thậm chí có nhiều thanh niên còn đóng giả, bắt chước hình ảnh trên để câu like.
Người dân cần tỉnh táo, bình tĩnh
Vài ngày qua mạng xã hội xôn xao trước những hình ảnh về người “ăn xin mặt đen” với dáng vẻ quái dị như: Đi ủng, mặc quần áo đen, đội mũ bảo hiểm, bôi đen mặt, tay cầm đầu gà, xúc xích… cầm khay đi ăn xin tại nhiều địa điểm ở Hà Nội. Khi không xin được tiền, nhóm người này có hành động rất khiếm nhã như nhổ nước bọt hay vẩy gì đó vào chủ nhà. Những thông tin trên sau đó được chia sẻ là cũng đã xuất hiện tại nhiều tỉnh thành khác.
Liên quan đến vụ việc, ngày 6/12, Công an huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) đã có thông báo gửi đến công an các xã, thị trấn và cơ quan truyền thông địa phương đề nghị thông tin rộng rãi đến nhân dân, chủ động phát hiện và thông tin cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý đối tượng “ăn xin mặt đen” đang được dư luận quan tâm lo lắng.
Theo nội dung thông báo, trong thời gian qua trên địa bàn huyện Thủy Nguyên và nhiều địa phương khác xuất hiện đối tượng khoảng 40 tuổi, cao 1m65, mặc quần áo, đi ủng, đội mũ đều màu đen, mặt mũi cũng bôi đen, người hôi thối, tay cầm theo 2 chiếc đầu gà, 1 chiếc xúc xích và chiếc đĩa nhựa đi xin tiền.
Hành động của đối tượng được miêu tả là thường tiếp cận các cửa hàng ít người, nằm dọc trên các tuyến đường chính để xin tiền. Khi vào bên trong cửa hàng không nói năng gì, nếu chủ nhà không cho thì đối tượng sẽ ngồi lại gây tâm lý hoảng sợ.
Cơ quan Công an huyện Thủy Nguyên đề nghị công an các xã, thị trấn và nhân dân, nếu phát hiện đối tượng có đặc điểm trên thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp giải quyết.
Trong khi đó, đại diện lãnh công an các quận huyện khác trên địa bàn TP Hải Phòng như Đồ Sơn, Ngô Quyền, Vĩnh Bảo cũng cho biết có biết thông tin người dân trên địa bàn chia sẻ trên mạng xã hội về việc xuất hiện “ăn mày mặt đen”. Tuy nhiên đến thời điểm này các đơn vị chưa nhận được phản ánh trực tiếp nào của người dân.
Trước đó tại Hà Nội, Đại tá Vương Tiến Dũng – Trưởng Công an quận Hà Đông cho biết vào ngày 5/12: Công an quận đã tiếp nhận thông tin người dân thông báo là có đối tượng mặc đồ đen, mặt đen xì… xuất hiện trên địa bàn phường Phúc La. Ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan công an đến xác minh và xác định là có người này hoạt động trên địa bàn nhưng đã đối tượng đã rời đi.
Theo Đại tá Dũng, người dân phản ánh có người đàn ông lạ mặt vào quầy thuốc chỉ xin tiền nhưng không hành hung ai nên cơ quan công an không thể bắt được. Tuy vậy, cơ quan công an đang tiến hành theo dõi và khuyến cáo người dân cảnh giác đối tượng và nhóm người mặc áo đen xin tiền.
Một chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hà Đông (Hà Nội) biết thêm, hiện đơn đang phối hợp với các bên liên quan truy tìm người đàn ông mặt đen, ăn mặc màu đen và cầm xúc xích, đầu gà… đi xin tiền người dân trên địa bàn, để làm rõ nhân thân, lai lịch.
Ngoài ra cơ quan chức năng cũng cảnh báo, thông tin lan truyền trên mạng xã hội có một nhóm “ma giáo mặt đen” là không chính xác. Thông tin khiến người dân hoang mang, thực chất chỉ có 1 người. Theo nắm bắt của Công an quận Hà Đông, người này có biểu hiện không bình thường về tâm lý, chỉ đi xin tiền người dân chứ chưa có hành vi nào nguy hiểm, tuy nhiên, người dân vẫn cần đề cao cảnh giác.
Nhiều thông tin nhiễu loạn để câu like trên mạng xã hội
Trong khi tại các địa phương trên cơ quan chức năng đang tích cực xác minh, làm rõ lai lịch của đối tượng để trấn an người dân thì trên mạng xã hội liên tiếp lan truyền những tin giả – fake news làm nhiễu loạn dư luận.
Trưa 6/12, lãnh đạo UBND xã Xuân Ái (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) cho biết, 2 ngày qua mạng xã hội đăng tải thông tin về người đàn ông được cho là “ăn xin mặt đen” bị Công an xã Xuân Ái tạm giữ khiến dư luận xôn xao.
Thực chất lực lượng công an xã có đưa 1 người đàn ông khoảng 30 tuổi đi ăn xin ở địa phương về trụ sở làm việc. Tuy nhiên, người này không giống với người “ăn xin mặt đen” gây hoang mang dư luận. Người này không bôi gì mà da mặt vốn đen như vậy, đồng thời không có giấy tờ tùy thân, điện thoại hay thứ gì có giá trị khác.
“Người đàn ông mặt đen ăn nói thì ấp úng, chữ cũng không biết và anh ta không nhớ mình ở đâu. Sau quá trình làm việc, cơ quan công an thả người này đi bởi anh ta không thuộc diện phải đưa vào trại giáo dưỡng hay lang thang cơ nhỡ”, lãnh đạo UBND xã Xuân Ái thông tin tới báo chí.
Cùng ngày, Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng lên tiếng khẳng định việc “ăn xin mặt đen” xuất hiện tại địa phương là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở.
Trước đó, cộng đồng facebook Hà Tĩnh xôn xao thông tin: “Cẩn thận nhé cả nhà, về đến 61 Lý Tự Trọng – TP Hà Tĩnh”, kèm theo hình ảnh người đàn ông mặt đen… làm nhiều người dân TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận hoang mang. Vào cuộc xác minh, Công an TP Hà Tĩnh đã làm rõ, không có người mặc đồ đen nào xuất hiện ở khu vực trên như thông tin trên mạng xã hội phản ánh. Thậm chí chủ cửa hàng tại 61 Lý Tự Trọng – TP Hà Tĩnh cũng không biết thông tin trên từ đâu phát tán ra.
Còn tại Tiền Giang chiều 6/12, Công an tỉnh đã triệu tập Lâm Minh Thanh (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành) lên làm việc. Tại đây, Thanh thừa nhận đã lấy những hình ảnh về “ăn xin mặt đen” trên mạng xã hội về rồi đăng tải trên facebook cá nhân. Thanh khẳng định không gặp người được mô tả trong bài viết và thừa nhận hành vi đăng tải nội dung sai sự thật, gây hoang mang dư luận xã hội với mục đích thu hút lượt xem, tương tác trên trang facebook cá nhân. Hiện Thanh đã gỡ bỏ bài viết.
Với hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang đang củng cố hồ sơ xử lý Lâm Minh Thanh theo Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng (đối với cá nhân).
Hành vi đáng lên án
Trước những thông tin về “ăn xin mặt đen” lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, nhiều thanh niên còn có hành động bắt chước, đóng giả thành hình ảnh trên, rồi chụp hình để đăng facebook.
Điển hình là ngày 5/12, Trần Văn Công (trú tổ dân phố 4, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) sử dụng tài khoản facebook có tên “Công Dao Lam” đăng tải hình ảnh bản thân mặc bộ đồ màu đen, miệng ngậm 2 quả táo mèo, trên tay cầm đĩa có cây lạp xưởng và một quả chanh gây hoang mang dư luận đến mọi người.
Sau khi nắm bắt thông tin, Công an thị trấn Phú Thiện đã mời Công lên làm việc. Qua làm việc, Trần Văn Công đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và cam kết sẽ không tái phạm nữa đồng thời đính chính lại thông tin trên trang cá nhân. Theo lý giải của thanh niên này, mục đích của việc hóa trang thành “ăn xin mặt đen” rồi đăng tải lên mạng xã hội là để cho vui và câu like, chứ không có mục đích nào khác.
Trong khi đó tại Hải Dương, Công an huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) cho biết, chiều 5/12 đơn vị đã xác minh, làm rõ việc Đặng Như Chiến (19 tuổi ở thôn Đoài, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà) đăng tải hình ảnh, thông tin thất thiệt lên mạng xã hội.
Theo đó, sáng cùng ngày Chiến xúi giục nam thanh niên tên Xuân (17 tuổi ở cùng xã) đóng giả làm “ăn xin mặt đen” đứng trước cổng trường Mầm non Hồng Lạc. Sau đó, Chiến chụp ảnh đăng lên facebook cá nhân để câu like. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hàng trăm người đã like, chia sẻ tấm ảnh trên và lan truyền những thông tin không đúng sự thật gây hoang mang, lo sợ trong dư luận địa phương. Hiện, Công an huyện Thanh Hà đang củng cố hồ sơ, tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc.
Thiết nghĩ với những hành vi của các thanh niên trên, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý nghiêm để làm gương cho những trường hợp tương tự, tránh để những thông tin thất thiệt lan truyền, gây hoang mang dư luận.