Việc khiếu kiện của các hộ dân này kéo dài và gây xao xôn dư luận TP.Hải Phòng trong thời gian qua.
Ở ổn định trên 30 năm vẫn không hợp pháp
Phiên tòa sơ thẩm vụ kiện hành chính được TAND TP.Hải Phòng đưa ra xét xử do thẩm phán Đặng Minh Hạnh làm chủ tọa phiên tòa. Người khởi kiện là các hộ dân đang sinh sống tại địa chỉ số 12 Trần Phú, Hải Phòng.
Người bị kiện là UBND TP.Hải Phòng và UBND quận Ngô Quyền do đã ra các quyết định thu hồi đất, cưỡng chế đất đối với phần diện tích các hộ dân đang sinh sống, sử dụng trong nhiều năm qua; Yêu cầu được bồi thường đất bị thu hồi.
Theo hồ sơ vụ việc, trường THPT chuyên Trần Phú (cũ) có diện tích hơn 10.000 m2. Khu đất của trường vốn là 3 thửa đất, tiếp giáp hai mặt đường Trần Phú và Trần Bình Trọng.
Trên khu đất có khu biệt thự, nhà kho, được chế độ cũ cấp chứng nhận “Bằng khoán”( chủ sở hữu-PV).
Sau khi Hải Phòng giải phóng, thành phố tiếp nhận, quản lý theo diện nhà vắng chủ. Năm 1955, khu vực này được bàn giao cho ngành giáo dục để hình thành nên trường Kiều Trung, sau đổi tên thành trường Đoàn Kết và Trường PTTH chuyên Trần Phú sau này.
Vụ việc thể hiện, trường Đoàn Kết đi vào hoạt động, tòa biệt thự bên trong khu đất, một phần diện tích nhà kho tiếp giáp đường Trần Bình Trọng được nhà trường giao cho một số giáo chức sử dụng làm nhà ở. Việc giao nhà được lập thành văn bản với mục đích các cựu giáo chức có chỗ ở ổn định, để chuyên tâm dạy học.
Năm 2016, trường PTTH chuyên Trần Phú được di dời đến cơ sở mới. Khu vực trường cũ nằm giữa trung tâm Hải Phòng chưa có mục đích sử dụng đất, các cựu giáo chức vẫn ở tại những căn hộ được giao sử dụng từ ngày thành lập trường.
Để quản lý khu đất, ngày 27.10.2017, TP.Hải Phòng có quyết định thu hồi khu đất từ trường THPT Trần Phú về giao cho cơ quan chức năng quản lý với mục đích làm đất thương mại dịch vụ.
Điều đáng nói, sau quyết định này, ngày 26.2.2018, UBND quận Ngô Quyền lại có quyết định số 210, thu hồi diện tích đất này để phục vụ mục đích chỉnh trang đô thị, xây dựng khách sạn 5 sao.
Các cựu giáo chức đang ở ổn định từ 20 – 30 năm trước không được bồi thường về đất, chỉ được hỗ trợ, bồi thường vật kiến trúc trên đất với lý do toàn bộ khu đất từ năm 2001 đã có quy hoạch là đất giáo dục, không phải đất ở.
Nhiều vấn đề pháp lý chưa được làm rõ
Tại tòa, các cựu giáo chức nêu rõ, theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất phải tuân thủ các quy định như có Kế hoạch sử dụng đất hàng năm được ghi trong Nghị quyết của HĐND TP.
Quyết định thu hồi đất, chỉ được ban hành sau 180 ngày sau khi có Thông báo thu hồi đất từ cấp có thẩm quyền. UBND quận Ngô Quyền ra quyết định thu hồi đất phải dựa trên văn bản ủy quyền của UBND TP.
Luật sư của những người khởi kiện nêu rõ: Nghị quyết 149, Nghị quyết HĐND TP.Hải Phòng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn Hải Phòng năm 2017 không có kế hoạch sử dụng khu đất 12 Trần Phú.
Thường trực HĐND TP.Hải Phòng chỉ có văn bản số 50 ngày 14.5.2017 bổ sung việc chỉnh trang đô thị tại số 12 Trần Phú vào danh mục thu hồi đất là không đúng quy định về chức năng, nhiệm vụ của Thường trực HĐND cấp tỉnh, TP được quy định tại điều 104 Luật tổ chức chính quyền.
Ngày 7.9. 2017, TP.Hải Phòng có Thông báo số 469, thông báo thu hồi khu đất 12 Trần Phú để chỉnh trang đô thị.
Theo quy định, trong trường hợp người sử dụng đất không tự nguyện giao đất cho cơ quan có thẩm quyền, phải sau 6 tháng kể từ khi có thông báo, cơ quan có thẩm quyền mới được ra quyết định thu hồi đất. Trong trường hợp này, các cựu giáo chức chưa nhất trí bàn giao đất, chưa hết hạn 6 tháng, ngày 27.2.2018, UBND quận Ngô Quyền đã ra quyết định thu hồi đất là chưa phù hợp pháp luật.
Đặc biệt, sau khi có thông báo thu hồi đất, căn cứ Luật Đất đai, UBND quận Ngô Quyền đã có văn bản báo cáo UBND TP Hải Phòng về việc ủy quyền cho quận Ngô Quyền ra quyết định thu hồi đất.
Tuy nhiên, UBND TP.Hải Phòng không ra văn bản ủy quyền như quy định của Luật Đất đai, mà Văn phòng UBND TP chỉ ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch TP về việc giao cho UBND quận ra quyết định thu hồi đất.
Trước các lập luận, chứng cứ của những người khởi kiện, đại diện VKS tại tòa và chủ tọa phiên tòa đều lập luận: Sau khi có văn bản 50, thường trực HĐND TP đã có báo cáo với HĐND TP về việc bổ sung danh mục thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất 12 Trần Phú cho HĐND TP Hải Phòng.
Quan hệ giữa UBND quận Ngô Quyền với UBND TP Hải Phòng là quan hệ hành chính, nên không phải ủy quyền như đòi hỏi của Luật Đất đai về ủy quyền thu hồi đất. Việc ra quyết định thu hồi đất trước hạn định là do Trường THPT Trần Phú tự nguyện giao đất, không phải các hộ cựu giáo chức.
Đối với việc các cựu giáo chức sử dụng nhà, đất ổn định từ 20–30 năm trước, trước năm 2001 (là năm Hải Phòng quy hoạch khu đất là đất giáo dục), theo luật, khi người dân ở trước khi có quy hoạch, đất không có tranh chấp, thì khi thu hồi phải bồi thường như đất đủ điều kiện cấp bìa đỏ. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn nhận định là đất có tranh chấp (giữa trường và các cựu giáo chức) để bác đơn khởi kiện.
Hoàng Hoan Theo Báo Lao động
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More