Tại đa số địa phương, mức thu phí sổ liên lạc điện tử từ 50.000 đồng/năm học trở lên. Nhiều giáo viên nhận xét, mức phí này quá cao, trong khi không đem lại hiệu quả thiết thực.
Sau đợt kiểm tra giữa kì I, năm học 2022-2023, học sinh nhiều trường sẽ nhận được tin nhắn, sổ liên lạc điện tử về kết quả học tập và rèn luyện, thường là điểm kiểm tra thường xuyên, giữa kì và cuối kì.
Phụ huynh theo dõi việc học tập của con em mình là cần thiết. Tuy nhiên không ít phụ huynh có ý kiến về mức thu phí không tương xứng với số tin nhắn phụ huynh được nhận. Câu hỏi đặt ra, là bằng cách nào để tất cả học sinh được hưởng lợi từ sổ liên lạc, tin nhắn điện tử mà không phải đóng phí?
Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, sổ liên lạc điện tử, tin nhắn sms không phải là phương tiện duy nhất để cung cấp những thông tin từ các nhà mạng.
Có rất nhiều hình thức cung cấp miễn phí trên nền tảng Internet. Nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh sử dụng tin nhắn với việc tạo nhóm trao đổi qua các ứng dụng tin nhắn như: Messenger, Zalo, Viber, Skype… Vậy tại sao các trường không tận dụng những tính năng này để giảm bớt các khoản thu phí dịch vụ không cần thiết giảm bớt phần nào các khoản phải thu cho phụ huynh, học sinh?
Dịch vụ sổ liên lạc, nhắn tin điện tử hiện nay với mức phí thấp nhất từ 50.000 đồng/học sinh/năm học. Đây không phải số tiền lớn. Nhưng chỉ để nhắn tin và năm lượt gửi điểm (giữa kì, cuối kì và cuối năm) thì lại là con số quá cao, nhất là đối với học sinh miền núi, nông thôn có mức sống thấp.
Chưa kể, nếu trường có từ 1.000 học sinh nhân với 50.000 đồng (1.000 x 50.000 = 50.000.000 đồng) thì con số các nhà mạng thu phí về là không hề nhỏ.
Biết là tốn kém, lãng phí xã hội nhưng nhiều phụ huynh cũng phải đăng ký để biết được kết quả điểm số học tập của con mình cũng như một số thông báo của nhà trường.
Như vậy lợi ích của việc nhắn tin và phiếu liên lạc điện tử chỉ có lợi ít cho phụ huynh học sinh nhưng lợi nhiều cho nhà cung cấp dịch vụ. Vì vậy rất mong các trường xem lại hiệu quả của việc sử dụng tin nhắn và phiếu liên lạc điện tử, có thể thay thế hình thức dịch vụ này bằng Messenger, Zalo, Viber, Skype miễn phí để giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh.
NGUYỄN VĂN LỰC, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS TRỊNH PHONG, DIÊN KHÁNH, KHÁNH HÒA