Kinh tế

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng năm 2024, UBND thành phố phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức Hội thảo chuyên đề “Kinh tế số – Kinh tế xanh” với sự tham dự của nhiều đại biểu, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố.

Trước đó, thành phố đã tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số năm 2024 với các sự kiện như: Tổ chức khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng; Phiên tổng thể với chủ đề: “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.

Chuyển đổi số không chỉ là yếu tố thúc đẩy kinh tế số mà còn là yếu tố then chốt để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh của Hải Phòng. Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, thành phố Hải Phòng xác định chuyển đổi số xanh là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, cảng biển, du lịch và y tế. Tại Hội thảo chuyên đề “Kinh tế số – Kinh tế xanh”, các đại biểu tập trung vào tư vấn xây dựng mô hình Khu công nghiệp xanh và thông minh, Doanh nghiệp sản xuất xanh thông minh, hướng tới tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.

Toàn cảnh Hội thảo

Thành phố Hải Phòng hiện có 14 Khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Năm 2023, Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu (752 ha), KCN Tiên Thanh (410ha). Tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hải Phòng quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích tối đa 15.777 ha. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Hải Phòng tăng hơn 13% và đứng trong tốp đầu các địa phương có quy mô lớn về công nghiệp; gấp hơn 8 lần bình quân chung cả nước (cả nước tăng 1,5%). Hải Phòng cũng là địa phương có số lượng bến cảng lớn nhất cả nước với 49 bến cảng. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, việc định hướng chuyển dịch theo hướng xanh – thông minh cần được thực hiện nhanh, mạnh mẽ để tạo lợi thế cạnh tranh.

Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã đưa ra nhiều ý kiến: thứ nhất, cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng khu công nghiệp. Không chỉ dừng lại ở quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ bản, hạ tầng pháp lý sẵn sàng, Hải Phòng cần đi đầu trong phát triển theo xu hướng và tiêu chuẩn khu công nghiệp xanh – thông minh. Cụ thể, các khu công nghiệp phát triển Hạ tầng xanh sẵn có, để hấp dẫn nhà đầu tư: Điện xanh, nước sạch, môi trường xanh, xử lý rác thải xanh; Hạ tầng các nhà xưởng có sẵn, xanh – thông minh với các hệ thống kiểm soát; tài chính xanh. Thứ hai, phát triển các hạ tầng số bao gồm: Hạ tầng dữ liệu; Hạ tầng truyền dẫn: Cáp quang, 5G; Hạ tầng các giải pháp số – các nhà cung cấp công nghệ số sẵn có – sẵn sàng tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp/nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi xanh. Thứ ba, cần có chiến lược săn đón và sự chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm đủ lớn để đón những doanh nghiệp lớn “doanh nghiệp đại bàng” của thế giới. Phát triển hạ tầng số – hình thành chuyển đổi kép Số – Xanh, tạo lợi thế vượt trội, hấp dẫn nhà đầu tư cho Hải phòng.

Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TNTech chia sẻ tại Hội thảo

Các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ tham gia chương trình đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cho các khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất. Ngoài các phiên hội nghị chính, Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 còn có hoạt động bên lề như Triển lãm thành tựu và giải pháp công nghệ đến từ gần 20 gian hàng trưng bày các thành tựu chuyển đổi số của Hải Phòng và các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ lớn, thu hút nhiều lượt tham quan.

Tọa đàm: Những thách thức, cơ hội và giải pháp thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh một cách hiệu quả trong các khu công nghiệp.
Ông Đỗ Văn Mạnh, Phó Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Linh Hiếu chia sẻ tại Hội thảo

Những năm vừa qua, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Năm 2024, thực hiện chủ đề năm của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”, thành phố Hải Phòng đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế số. Được biết, năm 2025, thành phố sẽ có cơ chế đột phá thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất, phát triển kinh tế số, phấn đấu đến 2030 chiếm tỷ trọng 40% GRDP thành phố./.

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

Đối thoại trực tuyến chuyên đề với chủ đề “Mua Nhà ở xã hội cần những điều kiện gì”

Chiều 21/11, Cổng thông tin điện tử thành phố tổ chức đối thoại trực tuyến…

21/11/2024

Cảnh giác mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo

Thời gian gần đây, chuyên mục “Qua đường dây nóng” của Báo Hải Phòng nhận…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More