Trong những ngày qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới và trong trong nước. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp của dịch bệnh gây rất nhiều khó khăn trở ngại cần phải có các biện pháp tháo gỡ kịp thời.
Trên thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, những nhóm doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bao gồm nhà hàng, khách sạn, chế biến thực phẩm; dịch vụ, du lịch; vận tải, hàng hóa; các doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để sản xuất da dày, may mặc…
Sự thiếu về nguyên vật liệu đã dẫn đến sự giảm sút công suất của các nhà máy, sản xuất kinh doanh bị đình đốn, một số doanh nghiệp đã phải dừng một phần sản xuất; một số phải kéo giãn sản xuất; người lao động phải nghỉ việc do thiếu việc làm… Hoạt động xuất nhập cảnh bị hạn chế ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Đặc biệt, việc dừng nhập cảnh và cách ly đối với người Trung Quốc, Hàn Quốc từ vùng dịch cũng khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thiếu chuyên gia kỹ thuật, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, sản xuất. Bên cạnh đó, thị trường vận tải, dịch vụ bị thu hẹp, khách du lịch thưa thớt…
Trước tình hình thực tế trên, các ngành, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện doanh nghiệp quận Hải An, VCCI Hải Phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp về thực hiện quy định chung và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Ngọc Hải – Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, dước sức ép về thiếu nguồn nguyên liệu cũng như sự đứt gãy về chuỗi cung ứng nguyên liệu, thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước kết nối với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, bao bì và những sản phẩm không yêu cầu trình độ quá cao, hiện đại thì trong lúc các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu nguyên liệu như vậy, doanh nghiệp trong nước có thể xem đây là cơ hội tiếp cận, tham gia vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng quan điểm với ông Bùi Ngọc Hải, bà Đào Thị Kim Ngân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng cho biết thêm, phần lớn các doanh nghiệp tại Hải Phòng nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài có thể không ít doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân phải nghỉ làm… Bà Ngân cũng đề nghị Bộ Công thương, thành phố có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu thay thế. Bên cạnh đó, đề nghị thành phố có các giải pháp như giãn, hoãn nợ; giảm lãi suất cho doanh nghiệp; miễn, giảm thuế; giãn, hoãn thời hạn nộp tiền sử dụng đất…
Còn về phía đại diện cộng đồng doanh nghiệp, VCCI Hải Phòng thì đề nghị Ngân hàng Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng sớm xem xét giảm lãi suất cơ bản, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chịu tác động mạnh do dịch như: du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép…; tập trung ưu tiên cho các ngành và lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, các doanh nghiệp có tiềm năng…; cơ quan Thuế nghiên cứu xem xét miễn, giảm có thời hạn các khoản thuế, phí phải nộp của doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng tác động trực tiếp của dịch bệnh; cơ quan bảo hiểm xã hội nghiên cứu xem xét hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh nhanh gọn cho các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu, cũng như giải quyết đầu ra trong nước và các thị trường nước ngoài khác…
Trước những ý kiến từ phía đại diện các doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND TP ghi nhận và cho biết, sẽ báo cáo, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về việc giảm giá điện; giãn, hoãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, gia hạn nộp thuế, có các gói chính sách tín dụng… cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước mắt, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Công thương chủ trì, cùng với BQL Khu kinh tế đề xuất những chương trình, xúc tiến thương mại…. tạo điều kiện tìm thị trường mới, tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp. Về phía Ngân hàng nhà nước thành phố, đồng chí yêu cầu đơn vị phải chủ động thông tin, tiếp nhận chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, triển khai hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước tới các tổ chức tín dụng trên địa bàn để sớm thực hiện Chương trình hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước về nguồn tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp; Chỉ đạo về giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ ngân hàng của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội bám sát kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết cấp phép, gia hạn cho lao động người nước ngoài đã và đang lao động tại Việt Nam sau thời gian nghỉ về nước. Trong trường hợp đã thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly lây nhiễm do Ban Chỉ đạo Trung ương và thành phố thì sớm chỉ đạo để cấp phép, gia hạn tạo điều kiện cho các chuyên gia cao cấp, người lao động nước ngoài có trình độ kỹ thuật trở lại làm việc; chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế làm việc với các chủ đầu tư, các doanh nghiệp trong khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp rà soát tình hình sản xuất và kế hoạch của đơn vị giãn, hoãn, ngừng việc thanh lý hợp đồng lao động để chủ động giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Cục Thuế, Cục Hải quan, tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp qua công nghệ thông tin, phầm mềm quản lý, không để ách tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, kê khai nộp thuế, nộp phí…
Hy vọng rằng, với việc thành phố tạo mọi điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp sẽ sớm khắc phục được khó khăn, đi vào hoạt động ổn định; góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Hải Ngân