Print Chủ Nhật, 12/01/2020 10:24 Gốc

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng, triển khai chương trình bình ổn thị trường.

Cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, giá thịt lợn bị đẩy lên cao nhất trong lịch sử đã tác động rất nhiều tới giá thành nhiều mặt hàng khác, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Trước những diễn biến của thị trường trong những ngày này, PV chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật Báo CAND đã có cuộc trao đổi cùng với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) xung quanh câu chuyện bình ổn thị trường và đảm bảo cung cầu hàng hoá dịp Tết Canh Tý 2020 cho người dân.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).

PV: Thưa ông, để bảo đảm cung cầu hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã thực hiện những giải pháp nào? Việc bảo đảm sẽ được thực hiện cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu của trong dịp Tết ra sao?

Ông Trần Duy Đông: Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, với các yếu tố tích cực từ nền kinh tế cả nước đang khởi sắc, cùng với thu nhập từ lương, thưởng Tết tăng, dự kiến sức mua thị trường sẽ tăng 15-20% so với các tháng  trong năm.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp (DN) và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng, triển khai chương trình bình ổn thị trường. Nhất là chú trọng bảo đảm nguồn cung thịt lợn với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi lợn và các loại gia cầm nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.

Các Tập đoàn, Tổng công ty, DN đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết các DN, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.

PV: Vậy, đối với nhóm hàng năng lượng trong đó có mặt hàng xăng dầu thì như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Đối với nhóm hàng năng lượng, cung cầu mặt hàng này luôn được bảo đảm, mặc dù trong một số giai đoạn nguồn cung mặt hàng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước bị gián đoạn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất để sửa chữa, bảo dưỡng.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương và tinh thần trách nhiệm của một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lớn, nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống cho thị trường trong nước luôn được bảo đảm. Giá xăng dầu cơ bản được điều hành theo xu hướng biến động của giá thế giới nhưng có những điều chỉnh linh hoạt bằng công cụ Quỹ Bình ổn giá để hạn chế tác động xấu đến mặt bằng giá hàng hóa chung.

Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương đề nghị, Tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng; trong đó có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết.

Về cơ bản cung cầu các hàng hóa thiết yếu nói chung và các mặt hàng lương thực thực phẩm nói riêng nhìn chung cơ bản bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến, bất ổn thị trường. Giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm mặc dù có thời điểm xuống thấp nhưng đã dần ổn định và có lợi cho người sản xuất.

PV: Xin ông cho biết chương trình bình ổn thị trường của các địa phương đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết 2020 có gì mới?

Ông Trần Duy Đông: Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, hiện có 37/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, trong đó có 13 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình bình ổn thị trường.

Chương trình bình ổn thị trường năm nay tiếp tục được thực hiện tại một số địa phương với nhiều điểm mới. Nguồn vốn dùng để mua dự trữ hàng hóa chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Năm nay, một số địa phương mới triển khai việc kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng để được vay với lãi suất ưu đãi, như Phú Thọ, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vĩnh Long… Điều này đã khuyến khích, mở rộng nhiều DN tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá mà không cần tới sự hỗ trợ về vốn vay của Nhà nước.

Về nguồn hàng, hầu hết các hệ thống phân phối tại các địa phương tiếp tục cam kết cung cấp hàng chất lượng có nguồn gốc xuất xứ là hàng Việt Nam. Vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm cũng được các DN, địa phương chú trọng quan tâm.

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng bình ổn cho thị trường, các địa phương đã kết hợp triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, kết nối tiêu thụ các sản phẩm an toàn, các đặc sản vùng miền vào hệ thống phân phối để mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn tốt nhất.

Thời gian phục vụ tại các điểm bán hàng bình ổn, các hệ thống phân phối hiện đại được kéo dài tới chiều ngày 30 Tết và mở cửa sớm sau Tết (từ trưa ngày Mùng 1 Tết, một số DN đã có kế hoạch bố trí điểm bán không nghỉ Tết); Tại các siêu thị triển khai nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu các mặt hàng trong dịp cận Tết tiếp tục thu hút sự quan tâm, mua sắm của người tiêu dùng, tạo tâm lý an tâm cho thị trường (nhất là ở các chợ dân sinh nơi tiểu thương nghỉ bán sớm và bán hàng trở lại muộn), giảm đầu cơ, mua trữ hàng gây tăng giá trong những ngày cận Tết, từng bước thay đổi thói quen tiêu dùng.

PV: Mặt hàng thịt lợn hiện nay đang được dư luận rất quan tâm, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ gia tăng trong dịp Tết, vậy công tác bình ổn thị trường với mặt hàng này ra sao, thưa ông?

Ông Trần Duy Đông: Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thịt lợn trong nước, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn.

Ngày 26-12-2019, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các DN chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối quy mô lớn kết nối và đưa ra các giải pháp cần thực hiện nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Tại cuộc họp, các DN chăn nuôi và phân phối đã cam kết sẽ giảm giá bán lợn thịt ra thị trường.

Theo chỉ đạo và cam kết với Bộ Công Thương, hệ thống siêu thị BigC và GO đã thông báo sẽ bán thịt lợn với giá vốn (không lợi nhuận) từ ngày 28-12-2019 đến hết Tết Nguyên đán 2020 nhằm đồng hành cùng Chính phủ bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn; Hệ thống siêu thị Saigon Co.op cũng đã có dự kiến tăng nguồn cung thịt lợn ra thị trường vào dịp Tết với lượng tăng 30-40% so với hiện nay, đồng thời tham gia và thực hiện cam kết bán theo mức giá bình ổn thị trường tại các địa phương… Từ ngày 28-12-2019 đến nay, giá thịt lợn ngoài thị trường đã bắt đầu chững lại và có xu hướng giảm khoảng 10.000-12.000 đồng/kg tùy địa phương.

Bên cạnh đó, Lực lượng QLTT đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch, kiểm tra kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm…

Tại các địa phương như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh… Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chủ trương vận động một số DN phân phối tại địa phương đưa mặt hàng thực phẩm tươi sống (trong đó có mặt hàng thịt lợn) vào diện bình ổn thị trường. Theo đó, UBND tỉnh/thành phố đề nghị Sở Tài chính hỗ trợ các DN tham gia bình ổn thị trường điều chỉnh giá nếu cần thiết nhưng mức tăng không quá 10%/lần.

Chương trình bình ổn thị trường cam kết bán các sản phẩm trong chương trình bình ổn trong đó có mặt hàng thịt lợn với giá thấp hơn giá thị trường 5%. Đặc biệt, một số DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đã cam kết không tăng giá thịt lợn trong dịp Tết, thực hiện bán đúng giá theo giá đã đăng ký (Vissan, Nam Hà Nội, Co.op..) bán thịt lợn không lợi nhuận (BigC)…Đồng thời, khi thị trường giảm giá thì các DN cũng thực hiện giảm giá tương ứng. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, các DN cũng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu với các mặt hàng thiết yếu trong đó có các sản phẩm thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm…

PV: Xin ông cho biết thêm về chương trình đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất trong dịp Tết được thực hiện tại các địa phương như thế nào?

Ông Trần Duy Đông: Tại nhiều địa phương, việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường được thực hiện kết hợp với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất, kết hợp với các phiên chợ Tết, phiên chợ hàng Việt. Tại các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng.

Riêng 2 tháng cao điểm trước Tết thực hiện 350 chuyến, tập trung tăng cường thực hiện tại các quận ven – huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết… Tại Hà Nội, các DN đã tổ chức 300 chuyến bán hàng lưu động, trong đó có 100 chuyến bán hàng lưu động phục vụ nhân dân các huyện ngoại thành, xã miền núi, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Các hàng hóa đưa vào chương trình được các DN lựa chọn đều là hàng Việt Nam, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong dịp Tết như bánh, mứt, kẹo, gia vị, dầu ăn… Các DN tham gia chương trình hầu hết là những DN thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, có hệ thống phân phối hay các điểm bán hàng lưu động rộng khắp như hệ thống siêu thị Co.op mart trong cả nước… Các đợt bán hàng lưu động cũng như các chương trình phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Tết đều được các DN cũng như người dân địa phương hưởng ứng tích cực và mang lại hiệu quả cao trong việc góp phần bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nhiều giải pháp bình ổn hàng hoá dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác