Đến hết quý I/2023, TP.Hải Phòng có 446 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), 1.048 đơn vị dừng đóng BHXH để thực hiện giải thể, phá sản… Đáng nói, nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động.
Sinh con đã 5 năm vẫn chưa được hưởng chế độ BHXH
Ông Nguyễn Trần Cường, công nhân Công ty Cổ phần Lisemco, là một trong những lao động không được công ty đóng BHXH nên không chốt được sổ để thực hiện chế độ ốm đau, hưu trí… Tại cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa Thường trực Thành uỷ với công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngày 27.5, ông Cường chia sẻ: “Tại công ty tôi, có trường hợp đã sinh con từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản. Chúng tôi đã viết đơn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ giải quyết nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả. Tôi và rất nhiều người lao động khác đều chung mong muốn thành phố quan tâm chỉ đạo bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho chúng tôi”.
Mong muốn của ông Cường cũng là tiếng lòng của chị Bùi Thị Hoè khi Công ty Chế biến Thủy sản xuất khẩu không đóng BHXH từ năm 2013 đến nay ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chị cũng như đồng nghiệp khi nhiều người nay đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không được chi trả chế độ.
Còn với chị Phạm Thị Bình, từng làm việc tại Công ty TNHH Gleeco, công ty đã chấm dứt hoạt động nhiều năm nhưng người lao động không được chốt sổ BHXH. Cũng theo chị Bình, hơn 30 công nhân nữ đến nay cũng chưa được thanh toán chế độ thai sản do doanh nghiệp nợ BHXH.
Theo thông tin từ BHXH TP.Hải Phòng, 3 doanh nghiệp trên đều là những đơn vị đã chậm đóng BHXH nhiều năm, nợ hàng chục tỉ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động. Cụ thể, Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu là đơn vị chậm đóng BHXH hơn 19,6 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Lisemco chậm đóng hơn 65 tỉ đồng tính đến ngày 30.4.2023. Riêng Công ty TNHH May Quốc tế Gleeco Việt Nam là đơn vị có chủ bỏ trốn, chậm đóng BHXH kéo dài và đã dừng đóng BHXH từ tháng 7.2021. Tính đến hết 30.4.2023, số tiền chậm đóng là hơn 12,8 tỉ đồng.
Tình trạng chậm, nợ BHXH còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo của BHXH thành phố, tính đến hết quý I/2023, thành phố có 446 đơn vị chậm đóng BHXH, 1.048 đơn vị dừng đóng BHXH để thực hiện giải thể, phá sản. Tổng cộng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tính đến 30.4.2023 là 916,9 tỉ đồng.
Đề xuất chế tài xử phạt nghiêm đơn vị nợ đọng BHXH
Trả lời kiến nghị của người lao động tại buổi đối thoại ngày 27.5, ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, để khắc phục tình trạng nợ BHXH kéo dài, sở cùng BHXH thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đôn đốc đơn vị thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH… Tuy nhiên, việc thu số tiền chậm đóng BHXH, BHYT còn gặp nhiều khó khăn…
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, BHXH thành phố tiếp tục triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc đơn vị thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH. Đồng thời, đề xuất thành phố chỉ đạo các sở ngành, quận, huyện phối hợp chặt chẽ đôn đốc các đơn vị nợ đọng; có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH, đặc biệt hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Với kiến nghị của người lao động 3 doanh nghiệp tại buổi đối thoại, đại diện BHXH TP.Hải Phòng, cho biết: Theo quy định của Luật BHXH, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trường hợp người lao động đã đủ tuổi để giải quyết chế độ hưu trí mà có thời gian đóng BHXH được xác nhận từ 20 năm trở lên, thì người lao động nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH để đề nghị giải quyết chế độ.
BHXH thành phố đề nghị người lao động tại các công ty nêu trên kiểm tra lại sổ BHXH; nộp hồ sơ về BHXH thành phố để đề nghị xác nhận đến thời điểm đơn vị hoàn thành đóng BHXH, làm cơ sở giải quyết chế độ hưu trí và các chế độ BHXH khác.
Mai Dung