Sau gần 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và 6 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất.
Tính đến tháng 6.2019, cả nước đã có hơn 4.900 số xã đạt chuẩn NTM, chiếm hơn 50,01% số xã cả nước, về trước 1 năm so với mục tiêu đề ra của Chương trình đến năm 2020. Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” sau 10 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả, nhưng cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập cần điều chỉnh.
Về đích trước hạn, vượt 50% số xã đạt chuẩn NTM
Theo Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo Quốc gia xây dựng NTM, đến hết năm 2019, cả nước phấn đấu có từ 48 – 50% số xã đạt chuẩn NTM, tăng từ 8 – 10% so với năm 2018 và có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng khoảng 10 đơn vị so với năm 2018… Đến nay, hầu hết các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình… đi đầu cả nước trong việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, từ đó hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng cà rốt ở Gia Bình (Bắc Ninh) rộng 700ha, vùng trồng khoai tây ở Quế Võ (Bắc Ninh) rộng gần 1.500ha; vùng trồng cà rốt ở Cẩm Giàng (Hải Dương) rộng trên 500ha, vùng trồng hành, tỏi tại Kinh Môn (Hải Dương) rộng trên 3.000ha; vùng trồng hoa, cây cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) rộng trên 250ha… Các tỉnh vùng ĐBSH đi đầu cả nước về việc từng bước giảm mạnh chăn nuôi quy mô hộ, hình thành nhiều trang trại, DN chăn nuôi tập trung quy mô lớn, nhất là chăn nuôi gà và lợn (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam); bò sữa (Hà Nam, Hà Nội). Trong các vùng, đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị trên 1 tỉ đồng/ha/năm như: Mô hình trồng hoa lan trong nhà kính tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) có giá trị trên 7,8 tỉ đồng/ha/năm; mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Cty TNHH Sơn Trường ở Ninh Bình, Hà Nam có giá trị trên 4 tỉ đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá bằng phương pháp sông trong ao tại HTX Xuyên Việt (Hải Dương) cho doanh thu 4 tỉ đồng/ha/năm…).
Chưa phát triển tương xứng với lợi thế
Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra sau 10 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập: Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm nhiều vùng nông thôn thay đổi theo chiều hướng bêtông hóa, không giữ được bản sắc và các giá trị truyền thống, đặc trưng của vùng thôn quê Đồng bằng Bắc Bộ. Tình hình an ninh trật tự xã hội chưa thực sự bền vững, trong đó, các vụ trọng án phức tạp có xu hướng gia tăng và chưa được kiềm chế triệt để. Trong thời gian khá dài bị ảnh hưởng nặng nề của việc giữ đất trồng lúa, chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giá trị sản xuất/ha đất nông nghiệp tăng rất chậm, do đó, bị sa vào bẫy thu nhập trung bình, làm cho thu nhập bình quân của người dân nông thôn mặc dù hằng năm vẫn tăng, nhưng tăng chậm; chất lượng cuộc sống của người dân có tăng lên, nhưng chưa có sự đột phá. Một số địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến xây dựng nông thôn (đặc biệt là nguồn lực nội tại của địa phương, của người dân) nên kết quả còn khiêm tốn. Cụ thể, TP.Hải Phòng có nguồn lực và điều kiện thuận lợi, song đến nay là địa phương duy nhất của vùng ĐBSH chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, mới có 64,03% số xã đạt chuẩn; một số địa phương có biểu hiện hài lòng với kết quả đã đạt được, phong trào xây dựng NTM có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, kết quả xây dựng NTM trong vùng có sự chênh lệch khá lớn, đặc biệt là ở khu vực duyên hải, ven biển ở phía Đông và khu vực miền núi ở phía Tây. Một số tỉnh, số xã đạt chuẩn vẫn còn mức dưới 50% số xã (Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình); vẫn còn một số huyện đến nay chưa có xã đạt chuẩn NTM (huyện Đakrông – Quảng Trị; huyện Kỳ Sơn, Quế Phong – Nghệ An; huyện Mường Lát – Thanh Hóa); kết quả xây dựng NTM ở một số vùng khó khăn chưa thật sự bền vững. Vẫn còn địa phương nặng về hình thức, mới quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu, chưa quan tâm đến chất lượng của việc đạt chuẩn; nhiều tiêu chí, kết quả thực hiện còn kém bền vững (môi trường, an ninh trật tự…).
Nhiều địa phương cũng nhìn nhận những khó khăn của mình. Một trong những xã khó thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM là xã Nậm Loỏng, TP.Lai Châu. Về đích nông thôn mới năm 2017, nhưng sau đó, tiêu chí môi trường tại xã lại có nguy cơ quay ngược lại thời điểm đầu vì nhiều nguyên nhân. Là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng NTM, Hà Nội cũng còn nhiều hạn chế, đó là tình trạng sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nông thôn thủ đô. Đặc biệt, dù đã đạt thu nhập bình quân 249 triệu đồng/ha, xếp thứ hai cả nước, nhưng so với mục tiêu quốc gia phấn đấu 500 triệu đồng/ha, kết quả của Hà Nội là chưa tương xứng với lợi thế.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cả nước sẽ vượt 50% tổng số xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay, hoàn thành trước 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng XII. Cần đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cần nghiên cứu, bổ sung xây dựng chính sách trong bảo vệ môi trường – xử lý rác thải và chất thải, cấp nước sạch, gắn xây dựng NTM với đô thị hoá, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM… Việc Chính phủ chủ động tổng kết 10 năm triển khai Chương trình và tổng kết sớm việc thực hiện từ năm 2016 – 2020 để cả nước đạt kết quả cao hơn nữa trong năm 2020, và quan trọng hơn là xây dựng khung khổ chính sách cho xây dựng NTM sau năm 2020 và chắt lọc nội dung đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và các cấp.
PHONG NGUYỄN. Theo Báo Lao động