Đô thị

Nhiều công trình cải tạo đường “làm không gọn, dọn không sạch”: Nguy cơ mất an toàn giao thông

Sau hơn 1 tháng triển khai đồng loạt, hầu hết các tuyến đường nội thành trong dự án cải tạo các tuyến đường nội thành được thi công trải thảm bê tông nhựa, sạch, đẹp. Tuy nhiên, điều đáng nói là sau khi cải tạo đường, việc cắt bê tông nhựa để thi công hố ga và rãnh thoát nước chưa thực hiện đồng bộ ở một số tuyến đường, dẫn đến nguy cơ ùn tắc và mất an toàn giao thông…

Ngổn ngang do đào bới

Những ngày này, tham gia giao thông trên một số tuyến đường vừa được trải thảm bê tông nhựa như: Lạch Tray, Hai Bà Trưng, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu…, nhiều người đi đường cảm thấy khó chịu khi giữa đường xuất hiện những vết cắt ở quanh miệng hố ga nhưng chỉ được quây tạm bợ hoặc không có. Những vết cắt sâu, rộng khoảng 10 cm, nằm giữa đường gây khó khăn khi lưu thông, thậm chí xảy ra ùn tắc vì các xe phải tránh né. Ven đường, sau khi huy động máy cắt, đào rãnh thoát nước, những rãnh thoát nước sâu chưa kịp thi công, không chỉ gây khó khăn cho các xe lên vỉa hè, mà còn là nỗi lo sợ đối với người đi đường. Có thời điểm, sau khi cắt mép đường để làm rãnh thoát nước trên đường Trần Nguyên Hãn, một chiếc xe Toyota Fortuner còn bị sập cả bánh xuống rãnh thoát, người dân quanh khu vực phải hỗ trợ xe mới ra khỏi.

Không chỉ tạo rãnh sâu, việc để phần bê tông và bê tông nhựa sau khi cắt bừa bãi trên mặt đường còn là nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Chị Lê Thị Yến, có con học ở Trường THCS Lê Lợi (quận Hải An) chia sẻ: Không rõ nhà thầu nào đào rãnh thoát nước trên đường Cát Bi, phần nhựa và bê tông đào lên không chuyển lên vỉa hè mà để luôn trên mặt đường, ngay gần các cổng trường học. Giờ tan tầm, đường Cát Bi có tới 3 trường học tan vào thời điểm từ 17 giờ đến 17 giờ 30, nhiều cha mẹ dừng xe chờ đón con, nhưng lòng đường lại để vật liệu thừa, khiến lòng đường bị thu hẹp lại, gây nên cảnh ùn tắc cục bộ từ 17 giờ đến 18 giờ hằng ngày. Còn theo những hình ảnh và clip được chia sẻ trên mạng xã hội tại Hải Phòng, người dân bức xúc vì việc đào cắt làm hố ga nhưng thiếu cảnh báo khiến nhiều người bị ngã xe; nhiều nhất là ở đường Lạch Tray. Anh Dương Đức Hoàng, ở phố Lê Lợi (quận Ngô Quyền) cho biết, người dân sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ các đơn vị thi công phương tiện, vật liệu để thi công hệ thống thoát nước, tuy nhiên, các đơn vị thi công cũng phải lưu ý làm đến đâu gọn đến đó, không nên để vật liệu bừa bãi trên mặt đường. Nhất là việc cắt bê tông nhựa làm hố ga cần phải làm cuốn chiếu, đến đâu dứt điểm đến đó, không nên đào xong cả tuyến rồi mới tổ chức thi công, vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vừa gây ùn tắc giao thông như đang xảy ra trên đường Lạch Tray hiện nay.

Sau khi cắt bê tông nhựa làm nắp hố ga, đơn vị thi công lấy miếng bê tông chắn miệng hố ga, vừa nguy hiểm, vừa dễ xảy ra ùn tắc. (Ảnh chụp trên đường Tôn Đức Thắng).

Thi công đồng bộ để bảo đảm an toàn

Dự án cải tạo các tuyến đường nội thành nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân thành phố. Đã lâu rồi toàn thành phố mới có đợt cải tạo đường với quy mô lớn, giúp người dân tham gia giao thông thuận lợi hơn. Đồng thời chỉnh trang đô thị Hải Phòng ngày càng văn minh, hiện đại. Do đó, khi triển khai dự án, người dân đồng tình ủng hộ và hỗ trợ các đơn vị thi công bảo đảm nhanh, gọn. Tuy vậy, sau thời gian triển khai, bất cập lại phát sinh từ việc đào cắt làm nắp hố ga, rãnh thoát nước ven đường thiếu đồng bộ, tiến độ rất chậm. Theo phản ánh của nhiều người, chỉ riêng đường Lạch Tray, có những nắp hố ga bị cắt, đào đến 5 ngày nhưng chưa được hoàn trả lại, khiến người tham gia giao thông rất khó khăn. Một số tuyến đường như: Lương Khánh Thiện, Điện Biên Phủ bị đào cắt làm rãnh thoát nước, nhưng mới chỉ xong phần đào và chưa được thi công ngay, nếu người tham gia giao thông không quen đường, rất dễ bị sa xuống, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Được biết, một trong những bất cập trong việc thi công nắp hố ga và rãnh thoát nước hiện nay là đơn vị cắt đường và đơn vị thi công xây rãnh không đồng bộ. Thậm chí, đơn vị thi công trải thảm mặt đường là nhà thầu phụ. Chính điều này dẫn đến cảnh việc cắt đào đường không song hành với xây rãnh thoát nước và cũng không đồng bộ với việc dọn vệ sinh.

Để các tuyến đường hoàn thành xong trải thảm bê tông nhựa thực sự là những tuyến đường an toàn, cần phải thay đổi cách thức và biện pháp thi công, bảo đảm nhất quán, đồng bộ. Đào, cắt đường làm hố ga và rãnh thoát nước đến đâu phải xây dựng và lu lèn ngay đến đó, không nên cắt xong đường nhưng để quá 2 ngày chưa thi công. Sau khi tiến hành đào, cắt xong mặt đường, đơn vị thi công phải huy động phương tiện dọn ngay bê tông và bê tông nhựa, không để trên mặt đường, gây ùn tắc giao thông. Nếu chưa thi công ngay thì phải đặt thiết bị, chăng dây cảnh báo và có thiết bị chiếu sáng, để người tham gia giao thông biết, phòng tránh kịp thời. Quá trình thi công hố ga và rãnh thoát nước cần làm tập trung, dứt điểm theo từng tuyến, không nên “bôi” ra hết tất cả tuyến như hiện nay, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Đơn vị quản lý cần phải tổ chức họp nhà thầu, nghiêm túc rút kinh nghiệm để thi công hiệu quả cao, bảo đảm các tiêu chí an toàn, thuận lợi.

Bài và ảnh: Khánh Chi

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More