Nhật Bản hỗ trợ ODA bằng các phương thức khác nhau phù hợp với tình hình mới

Trong các lĩnh vực hoạt động tại Việt Nam, Nhật Bản quan tâm tới các hợp tác hỗ trợ phát triển không chỉ đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, mà còn cả nông nghiệp, y tế, cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Dù việc hỗ trợ ODA bằng các phương thức khác nhau được thay đổi để phù hợp với tình hình mới, nhưng Nhật Bản sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả và ổn định nhất cho Việt Nam.

Cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), dự án vốn vay ODA đầu tiên được thực hiện theo hình thức Hợp tác công – tư (PPP).

Đó là khẳng định của ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam trong buổi họp báo ngày 17-10, đánh giá tình hình triển khai hoạt động ODA tại Việt Nam của JICA trong sáu tháng đầu năm tài chính 2019 (từ tháng 4 đến tháng 9-2019) và định hướng cho hoạt động của JICA Việt Nam trong sáu tháng cuối năm (từ tháng 10-2019 đến tháng 3-2020).

Ông Konaka Tetsuo đánh giá: “Sáu tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã cho thấy mức tăng trưởng tương đối ổn định. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, cùng với Hiệp định Thương mại tTự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đã được ký kết vào tháng 6-2019 sẽ thúc đẩy Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”.

Cùng với đó, theo ông Konaka Tetsuo, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam tiếp tục phát triển hết sức thuận lợi. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới – G20 và thăm Nhật Bản. Một số đoàn địa phương Nhật Bản cũng đã có các chuyến thăm, làm việc để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại các tỉnh, thành của Việt Nam. Điều này cho thấy Nhật Bản và Việt Nam không chỉ quan hệ ở cấp Chính phủ, quốc gia mà các địa phương hai nước cũng đang có nhiều hoạt động trao đổi thương mại, đầu tư.

Theo báo cáo của JICA, từ tháng 4 đến tháng 9-2019, có 28 dự án vốn vay ODA được triển khai tại Việt Nam, không ký kết Hiệp định vay vốn mới nào. Tổng giá trị vốn vay đã giải ngân (Gross) là 8,798 tỷ yên. Dự án Hợp tác Kỹ thuật có một dự án đã hoàn thành, 33 dự án đang triển khai, trong đó có hai dự án mới. Ngoài ra, bốn dự án viện trợ không hoàn lại, 55 dự án chương trình đề xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản và 28 chương trình đối tác phát triển…

Trong nửa đầu năm 2019, JICA đã ký Biên bản Hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS); ký Biên bản Hợp tác ba bên với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) và UBND tỉnh Nghệ An… Thông qua các hợp tác này, JICA sẽ hỗ trợ xây dựng kế hoạch ở cấp Trung ương và địa phương, đồng thời tìm kiếm cơ hội xây dựng những dự án phù hợp.

Trên thực tế, nhiều dự án ODA mới về hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại do JICA thực hiện đã được ký kết và đang triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết như: một số dự án vốn vay ODA đã được ký kết từ năm 2018 vẫn chưa thể thực hiện; vấn đề chậm thanh toán trong các dự án đang triển khai… Có thể kể đến dự án đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh, do vấn đề chậm thanh toán nên dự án đang vướng phải một số khó khăn để tiếp tục triển khai.

“Chính vì thế, JICA đang cố gắng hết sức để làm việc với các cơ quan quản lý Việt Nam để có thể thúc đẩy triển khai các dự án như thế này. Đây không chỉ là khó khăn đối với JICA và ODA Nhật Bản, mà là vấn đề chung của tất cả các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ song phương khác…”, ông Konaka cho biết.

Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành có liên quan, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến ODA có thể sẽ mang đến những chuyển biến mới cho một số dự án ODA đang gặp khó trong quá trình triển khai.

Từ tín hiệu tốt này, ông Konaka bày tỏ: “Với các dự án hạ tầng quy mô lớn, từ khi bắt đầu tới khi hoàn thành mất thời gian tương đối dài, vì vậy, nếu không sớm thúc đẩy triển khai, thì có thể trong lương lai, tôi cho rằng, dự án có thể sẽ gặp thêm các khó khăn và vướng mắc. Đây là vấn đề tôi đang rất quan ngại”.

Tại buổi họp báo, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cũng được đề cập và quan tâm. Các chuyên gia của JICA nhấn mạnh, để kết nối với các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, Viện Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản (VJCC) đã triển khai, đào tạo nguồn nhân lực kinh doanh dành cho đối tượng là người quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, hỗ trợ kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ưu tiên với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức kết nối kinh doanh, trao đổi thương mại. Các khóa học đào tạo này có tên gọi “KEIEIJUKU” hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận phương thức kinh doanh Nhật Bản. Phương thức này tôn trọng yếu tố con người, coi trọng khả năng đào tạo, cải cách tại chỗ; đi kèm với kế hoạch dài hạn và đổi mới.

Một trong những hoạt động đáng chú ý thời gian qua của JICA là hỗ trợ Việt Nam hình thành Chuỗi giá trị thực phẩm nhằm tăng cường độ tin cậy và an toàn nông sản. Xây dựng vùng thí điểm ở nhiều tỉnh, thành phố để giải quyết vấn đề của từng giai đoạn trong Chuỗi giá trị thực phẩm, từ sản xuất đến chế biên, phân phối, tiêu thụ…

Đối với định hướng thời gian tới, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ thúc đẩy việc xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội (SEDS) đến năm 2030 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế – Xã hội (SEDP) đến năm 2025. JICA sẽ chú trọng đến Dự án hỗ trợ các chiến lược dài hạn đó của Chính phủ Việt Nam. Đó cũng là cơ hội, dự án JICA cũng tính tới việc hỗ trợ các dự án mang tính tiềm năng và dài hạn này. Cùng với những chuyển biến mạnh mẽ trong cục diện chính trị, kinh tế thế giới và bối cảnh Việt Nam tăng trưởng vượt trội, hỗ trợ ODA cũng cần phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Điển hình cho việc JICA đã và đang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ mới như: Hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) trong “Chương trình chia sẻ kiến thức phát triển mô hình chăm sóc người cao tuổi”; tổ chức Hội thảo đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức Hợp tác công – tư (PPP), Hỗ trợ xây dựng chính phủ điện tử và củng cố an ninh mạng…

JICA vẫn nhất quán định hướng ODA tới Việt Nam vẫn hỗ trợ hợp tác kinh tế và hợp tác xã hội. Hợp tác kinh tế gắn với hệ thống cảng biển, đường, hạ tầng điện (chú ý tới năng lượng tái tạo)… Hợp tác xã hội gắn với những vấn đề liên quan tới cuộc sống người dân (bệnh viện, bảo hiểm, xử lý nước, các giải pháp phòng chống ô nhiễm…).

Ông Konaka Tetsuo cho biết, sang năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN và là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đóng góp tích cực thúc đẩy hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ trên thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phát huy vai trò tiên phong trong các vấn đề mang tính toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, Bảo hiểm Y tế Toàn cầu (UHC), Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Các dự án của JICA quan tâm đến yếu tố môi trường. Đồng thời, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý về môi trường…

TRÀ MY

Nguồn. Báo Nhân dân

Nguồn tin: Báo Nhân dân

Tin khác

Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Sáng 15/11, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai Quyết…

15/11/2024

Từ 15/01/2025 sẽ công khai giá dịch vụ cảng biển

Ngày 15/11, thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ ngày 15/01/2025, giá…

15/11/2024

Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố tiếp xúc cử tri tại huyện Thủy Nguyên

Sáng 15/11, tại trụ sở UBND xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên), đồng chí Phạm…

15/11/2024

Quận Hải An biểu dương phong trào thi đua năm học 2023-2024

Sáng 15/11, UBND quận Hải An tổ chức Hội nghị Biểu dương phong trào thi…

15/11/2024

Thẩm định Sao vàng Đất Việt tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng

Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…

15/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More