“Trong giai đoạn 2017-2021, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các địa phương, đơn vị được tổ chức nền nếp, triển khai nghiêm túc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế. Tình hình chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân ngày càng được nâng lên; an ninh, trật tự ở các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển, đảo ổn định”.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến của UBND thành phố tổng kết thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021“, chiều 28/9. Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án thành phố chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng; Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Bộ Quốc phòng; các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án.
Tại điểm cầu các quận, huyện biên giới biển có sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án các quận, huyện; lãnh đạo địa phương, cùng đại diện lãnh đạo các Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn.
Theo báo cáo đánh giá của UBND thành phố cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP, Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng; sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các Sở, ban, ngành thành phố, cấp ủy, chính quyền địa phương các quận, huyện khu vực biên giới biển và lực lượng vũ trang thành phố.
Hơn 200.000 tờ rơi, tờ gấp, cùng với gần 600 tài liệu đã được nghiên cứu, biên soạn, in ấn và phát hành; 41.092 loại đầu sách pháp luật đã cấp phát cho 29 xã, phường, thị trấn và các đơn vị cơ sở thuộc BĐBP thành phố để phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền. Các Tổ, Đội Tuyên truyền Văn hóa, Đội văn nghệ của các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, phương pháp phong phú. Đã tổ chức tuyên truyền 2.590 buổi/121.334 lượt người nghe; đồng thời, vận động 1.703 chủ phương tiện tàu cá vươn khơi thuộc địa bàn khu vực biên giới biển thành phố Hải Phòng ký cam kết không đưa phương tiện ra vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; tổ chức tuyên truyền đặc biệt cho 37.701 tàu nước ngoài/677.962 thuyền viên nước ngoài; tuyên truyền xua đuổi 643 tàu cá nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam đảm bảo chặt chẽ, đúng chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Song bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Đề án như: Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chậm đổi mới, chưa phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư; năng lực nhận thức, ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân vùng biên giới biển, đảo chưa đồng đều, cá biệt còn một bộ phận nhân dân do lợi ích vật chất đã cố tình vi phạm pháp luật; một số nơi chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đề án thành phố biểu dương và đánh giá cao những kết quả của các cơ quan, địa phương, đơn vị trong công tác triển khai thực hiện. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, trước những diễn biến của COVID-19 đang tác động toàn diện sâu rộng đến mọi tầng lớp xã hội, đòi hỏi công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải đổi mới hơn nữa về nội dung cũng như hình thức.
Để góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức và sự hiểu biết về pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới biển, đảo, cửa khẩu cảng của thành phố trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, có những hình thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp; tăng cường xây dựng, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tạo kênh tuyên truyền kịp thời, nhanh chóng và hấp dẫn với phương châm lấy người dân làm trung tâm; đồng thời tăng cường tổ chức xét xử lưu động một số vụ án trọng điểm xảy ra trên địa bàn (nếu có) để tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật…
Nhân dịp này 15 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố; Ban Chỉ đạo Đề án thành phố đề xuất Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen cho 2 tập thể và 3 cá nhân.
Minh Hảo