Nhân tháng Giêng, lạm bàn về “kinh tế tâm linh”

Những năm gần đây, du lịch Việt Nam có những bứt phá ngoạn mục, thực sự trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Trong đó, có một phân ngành vốn dĩ xuất nguồn từ văn hóa, nhưng cũng đóng góp phần không nhỏ, được gắn với nhiều cụm tên “du lịch tâm linh”. Khỏi phải bàn nhiều về giá trị tinh thần, bởi đây là sự tích tụ từ nghìn năm, nhưng nhìn từ góc độ kinh tế, lĩnh vực này vẫn còn không ít việc đáng bàn.

Dập dìu lễ hội đầu năm

Trâu ta ăn cỏ đồng ta

Quê tôi có một địa danh được coi là đẹp, khi còn nhỏ tôi lấy đó làm niềm hãnh diện lắm. Cách đây vài năm, địa danh này được đưa vào chiến lược phát triển du lịch tâm linh, vì vậy xã lo đủ mọi cách để được cấp hàng loạt bằng chứng nhận, nào di tích nọ, nào chứng tích văn hóa kia ùn ùn kéo về. Rồi thêm mấy công trình theo dáng cổ mọc ra, kèm theo những lễ rước linh vị các tướng khai sinh lập địa về thờ, chưa kể mấy lễ hội mới tinh được đặt tên là “truyền thống”. Đến nỗi các cụ cao niên phải giật mình: “Quái lạ, từ cổ chí kim quê mình có thờ các vị ấy đâu nhỉ..?”. Nhưng các vị cán bộ thì tâm đắc: “Muốn phát triển du lịch phải như thế!”.

Thấy xã tôi làm du lịch, xã bên không có di tích hay danh thắng nào nhưng nhờ cán bộ tháo vát, cũng lo được giấy phép xây ngôi đình mới khá đẹp. Hôm được mời về dự khánh thành, nhìn thấy băng chữ trên cổng chào: “Lễ hội truyền thống…”, tôi ngạc nhiên hỏi ông chủ tịch xã: “Làng anh có hội bao giờ mà là truyền thống?”, ông này quả quyết: “Từ nay có đình sẽ có truyền thống..!”. Rồi ông cho biết thêm, đã cử các đoàn đi học tế ở Kiến Thụy, học hát đúm ở Thủy Nguyên, học chèo trong Tiên Lãng, dự kiến còn học thêm cả vật cầu, rước lợn ông Bồ, đua thuyền rồng nữa… truyền thống là do mình chứ do ai. Bẵng đi một thời gian, trong dịp hội làng năm nay ở quê, tôi nghe cán bộ xã mình than thở: “Lỗ nặng ông ạ, mỗi năm lỗ gần trăm triệu đồng…”. Hỏi thăm sang xã bạn, mới biết bên ấy giờ các đoàn “nghệ thuật” rã đám cả, vì cũng lâm vào cảnh thu chẳng bù chi. Nhưng điều đáng bàn là hàng tháng trời, cả hệ thống chính quyền phải lo chuyện lễ hội, thời gian đâu mà làm việc hành chính nữa?

Gần đây theo lời mời, tôi về dự hội làng của một xã ở huyện Kiến Thụy. Được biết hội làng này gắn liền với truyền tích ly kỳ lắm, mấy năm trước lại nhận được tiền ngân sách, cộng thêm có con em xa quê tài trợ, cụm đình chùa được xây mới và trở thành “di tích” khang trang. Nhưng thấy mặt mấy vị cán bộ xã đượm buồn, hỏi ra thì hai năm liền hội không đón được chức sắc nào cấp “tỉnh” về dự, các “đại gia” xa quê cũng dần lặn mất tăm… Mỗi lần mở hội toàn thấy nông dân quê nhà mình, tự bỏ tiền hưởng với nhau lẽ nào chẳng buồn. Một cán bộ xã cười chua chát: “Nhàm hết cả, toàn cảnh trâu ta ăn cỏ đồng ta thôi…”.

“Doanh nghiệp tâm linh”

Nhưng hậu quả đấy có lẽ chỉ là dạng du lịch vặt, trên nền tảng manh mún của những cơ sở văn hóa tâm linh cũ, không đủ sức thu hút khách thập phương. Nhưng nhìn ra thiên hạ, mới hay du lịch tâm linh ngày càng trở thành một phân ngành kinh tế “béo bở”, đem lại nguồn lợi lớn cho nhiều nhà đầu tư. Chẳng hạn như ở Quảng Ninh, nguồn cội Yên Tử là một điển hình. Từ chốn tu hành, giờ Yên Tử trở thành quần thể di tích danh thắng, hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan. Bởi thế, ngoài việc thu phí đem lại nguồn lợi cho các nhà đầu tư, nhà quản lý, các dịch vụ liên quan cũng khiến du khách phải bỏ ra tương đối tiền như cáp treo, ăn uống, trông xe, đồ lưu niệm… chưa kể tiền công đức.

Cũng ở Quảng Ninh, có một nơi heo hút ẩn sâu trong lòng rừng núi tưởng rất ít người biết đến như chùa Lôi Âm, giờ cũng trở thành điểm đến không kém phần tấp nập. Chỉ nhìn vào các khoản phí dịch vụ như phí xe điện, tiền đò, mỗi du khách đến được cửa Phật cũng đã tốn bình quân 50.000 đồng/người. Giả như mỗi vụ thu hút được khoảng 5 vạn người, thì số tiền “cứng” thu được đã là 2,5 tỷ đồng, quả thật không nhỏ. Có lẽ bởi vậy, ngoài hai điểm nêu trên, thời gian qua Quảng Ninh có thêm nhiều điểm du lịch được đầu tư khai thác khá hiệu quả, như chùa Ba Vàng (Uông Bí) , đền Cửa Ông (Cẩm Phả), Thiền viện Trúc lam Giác tâm (Vân Đồn)… Điều đáng chú ý là, phía sau nhu cầu về văn hóa tâm linh, đã hình thành các dịch vụ thương mại theo mô hình doanh nghiệp.

Nói đến doanh nghiệp làm kinh tế tâm linh, không thể không nhắc đến doanh nghiệp Xuân Trường của doanh nhân Nguyễn Văn Trường, thành danh từ đất Ninh Bình. Cách đây 20 năm, doanh nghiệp này gây tiếng vang khi đổ hàng nghìn tỷ đồng xây dựng quần thể chùa Bái Đính mới, với nhiều kỷ lục mang tầm khu vực. Từ đó đến nay, Bái Đính là một trong những điểm lựa chọn được nhiều người biết đến nhất, khi phát sinh nhu cầu đi lễ đầu năm. Từ thành công này, doanh nhân Trường tiếp tục gặt hái rất lớn, trở thành tỷ phú đáng nể, tiếp tục rót tiền làm những dự án khủng để làm kinh tế tâm linh. Mới nhất có lẽ là Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) 11.000 tỷ đồng, có chùa Tam Chúc được cho là lớn nhất thế giới hiện nay.

Một trạm bán vé tham quan lễ hội (ảnh minh họa)

Có cầu ắt có cung

          Cung – cầu vốn dĩ là một quy luật, được thể hiện rõ nhất trong nền kinh tế thị trường, nên việc văn hóa tâm linh được chuyển hóa sang thành kinh tế cũng chính là từ tác động của quy luật này. Tôi có chú em họ, hoàn cảnh thuộc diện lận đận, gia đình thì “tan đàn”, nhà cũng bán để chia tiền cho vợ lúc ly hôn, nên giờ ở nhà thuê, công việc chẳng đâu vào đâu. Tiền kiếm được không nhiều, nhưng năm nào cũng thấy chú em dập dìu lễ hội suốt tháng Giêng.

Một lần tôi hỏi: “Tiền đâu mà đi lắm thế!”, chú em tửng tưng: “Thì bạn bè nó cứ gạ cho vay, tiền vay năm ngoái em vẫn nợ, năm nay mấy đứa đầu tư tiếp nên cứ máu, vả lại có cầu thì các ngài mới phù hộ chứ…”. Chao ôi, cầu phù đâu chưa thấy nhưng tiền vay đi lễ năm trước còn chưa trả được, mà cái nghề phụ xây của chú em có gì mà phải lệ thuộc nhiều vào thần quyền thế nhỉ. Mới thấy, mang tiếng gọi là du lịch nhưng thực ra thuần túy những du khách chỉ là hy vọng tìm kiếm một lợi lộc nào đó cho mình từ thế lực siêu nhiên. Theo tính toán, mỗi dịp đầu năm chú em tôi đi ít nhất ba chuyến, tốn kém không dưới hai chục triệu đồng, thảo nào ngày càng nhiều doanh nghiệp tâm linh mọc ra là thế.

Theo một số liệu thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian và 544 lễ hội tôn giáo. Từ con số này, tôi đem chuyện lễ hội nói chuyện với một nhà nghiên cứu văn hóa, nhà nghiên cứu cười tủm tỉm: “Đa số người mình khai trong lý lịch chẳng thấy ai theo tôn giáo nào, nhưng từ thờ cúng ông bà tổ tiên đến đền, đình, miếu, chùa, rồi thì bao nhiêu ngày khác như Va-len-tin, Phật đản, Nô-en.. chẳng gì là không dính vào, nghĩa là Phật, Lão, Khổng, Chúa… ai cũng theo”. 

Thực tế ai cũng nhìn thấy, năm nào cũng vậy cứ đến cuối năm, người dân nào cũng com cóp, lo tằn lo tiện để rồi “xả láng” chỉ trong một thời gian ngắn. Chưa có số liệu đánh giá tổng thể, nhưng nhiều người cho rằng, chi tiêu gia đình cho tết truyền thống và “tháng Giêng ăn chơi” tương ứng với 1/3 tổng thu nhập cả năm có lẽ vẫn là khiêm tốn.

Hoàng Minh

Nguồn. ANHP

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More