Print Thứ Ba, 10/12/2019 09:21 Gốc

Dự báo năm 2020, ngành công nghệ thông tin (CNTT) sẽ phát triển như vũ bão, kèm theo đó là khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực.

“Động không đáy” hút nhân lực

Vingroup vừa chính thức “rút chân” khỏi mảng bán lẻ bằng việc chuyển giao VinCommerce và VinEco về Masan để tập trung dồn nguồn lực cho 2 mảng chủ lực mới là sản xuất công nghiệp và công nghệ thông tin. Với việc chuyển hướng này, Vingroup sẽ cần hàng chục ngàn nhân lực CNTT. Trước đó, Vingroup đã “đặt hàng” 50 trường đại học đào tạo khoảng 100.000 nhân lực CNTT và cấp 1.100 học bổng toàn phần đi nước ngoài đào tạo nguồn nhân lực khoa học, công nghệ.

Tại VNPT, hiện số nhân lực CNTT làm việc tại đây khoảng 1.500 người và dự kiến tới năm 2025, VNPT cần khoảng 5.000 kỹ sư CNTT.

FPT cho biết, 3 năm tới sẽ thu hút thêm 10.000 – 20.000 nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển, triển khai dịch vụ chuyển đổi số của khách hàng trên toàn cầu.

Còn Viettel, mỗi năm cần tuyển dụng 500 – 1.000 kỹ sư cho các dự án lớn về Big Data, AI, công nghệ hàng không vũ trụ, toán học ứng dụng…

Theo TopDev, năm 2020, nguồn nhân lực CNTT sẽ thiếu khoảng 100.000 người. Cụ thể, năm 2020 sẽ cần khoảng 400.000 nhân lực, nhưng chỉ đáp ứng được 300.000 nhân lực. Đến năm 2021 sẽ thiếu khoảng 190.000 nhân lực.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cả nước hiện có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo CNTT, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên ngành CNTT ra trường, trong đó chỉ có 30% làm việc được ngay, 70% phải đào tạo bổ sung.

Bài toán đào tạo nhân sự CNTT chất lượng cao đang làm đau đầu các doanh nghiệp Việt Nam.

Bài toán đào tạo nhân sự CNTT chất lượng cao đang làm đau đầu các doanh nghiệp Việt Nam. “Nhân sự cho các dự án lớn về Big Data, AI, hay công nghệ hàng không vũ trụ… đang là nhu cầu cấp bách và là bài toán nan giải đối với Viettel ở thời điểm hiện tại”, ông Nguyễn Thành Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nói.

Căng thẳng nguồn cung

Năm 2020 sẽ là năm mà lĩnh vực CNTT sẽ phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc các công ty Việt Nam như Vingroup, VNPT, FPT, Viettel, VNG, CMC… đẩy mạnh, đẩy nhanh chuyển đổi số, sản xuất công nghiệp, là việc làn sóng nước ngoài tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Điển hình là, theo kế hoạch, năm 2020, hãng LG (Hàn Quốc) sẽ dừng sản xuất điện thoại thông minh tại Hàn Quốc và chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Công suất của nhà máy Hải Phòng sẽ được nâng lên thành 11 triệu sản phẩm/năm, đòi hỏi một lượng nhân lực khá lớn.

Hay như Samsung không ngừng mở rộng các nhà máy sản xuất và sang năm 2020 sẽ đầu tư 220 triệu USD xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội, thu hút khoảng 3.000 người làm việc tại đây.

“Các hãng điện tử nước ngoài lớn như Samsung, LG, Intel… đều mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Một số đại gia khác cũng đang tìm hiểu đầu tư. Ngày càng nhiều dự án đòi hỏi nguồn nhân sự CNTT chất lượng. Nissan đang có 2.000 kỹ sư làm việc tại Hà Nội, chịu trách nhiệm thiết kế phần lớn cho xe Nissan… Từ đây cũng thấy, cuộc cạnh tranh nhân lực là rất cao”, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận xét.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Bình, CEO TopDev cho rằng, giới công nghệ Việt Nam đang đứng trước hai làn sóng.

Thứ nhất là làn sóng các quỹ đầu tư nước ngoài chú ý và tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn, sẽ có thêm nhiều start-up mới do cá nhân hoặc tổ chức lập nên, ra đời và được đầu tư.

Thứ hai là làn sóng gia tăng nhu cầu tuyển dụng nhân sự trong các lĩnh vực liên quan đến Fintech như AI (trí tuệ nhân tạo), Data Science (khoa học dữ liệu), Big Data (dữ liệu lớn), Cyber Security (an ninh mạng). Kèm theo đó là xu hướng bắt buộc của chuyển đổi số, bất kỳ công ty nào cũng đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT, vì vậy cũng dẫn việc gia tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng lượng nhân sự này.

TS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, kỹ sư CNTT nói chung đã rất hot, nhưng kỹ sư được đào tạo chuyên sâu trong những chuyên ngành hẹp, đang có nhu cầu phát triển lớn như Data Science, AI, Cyber Security… sẽ có triển vọng nghề nghiệp rất tốt trong thời gian tới.

Tăng trưởng nóng dẫn đến nhu cầu nhân lực CNTT năm 2020 sẽ thiếu hụt là điều các doanh nghiệp cần đối mặt.

Theo ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc của Navigos Group, nhu cầu tuyển dụng nhân lực CNTT ngày càng tăng cao trong kỷ nguyên số, dẫn đến việc thu hút và giữ chân nhân tài tại các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức. Vì thế, doanh nghiệp cần cải thiện tốt hơn mức lương thưởng và chế độ lương làm thêm giờ.

Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo nhân lực tiềm năng để chủ động giải quyết tình trạng khan hiếm nhân sự có chuyên môn. Cải thiện môi trường làm việc phù hợp với đặc thù của người làm công nghệ.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nhân lực công nghệ thông tin: Cầu khủng, cung hụt
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác