Kinh tế

Nhận định về khả năng phi toàn cầu hóa giai đoạn hậu COVID-19

Trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Point, cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy đã phân tích những hậu quả của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế thế giới.

Theo đó, ông Lamy cho rằng đây không hẳn là một bước ngoặt, mà chỉ là giai đoạn tiếp theo của những sự kiện diễn ra liên tục từ 10 hay 15 năm trở lại đây, như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thảm họa sóng thần Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản hoặc các biến cố liên quan đến khí hậu.

Cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy. (Ảnh: Flickr).

Ngoài ra, cũng phải tính đến những biến cố liên quan đến sự thay đổi như tăng giá nhân công, nhất là tại Trung Quốc. Tất cả những điều đó không báo hiệu sự kết thúc của quá trình toàn cầu hóa, mà chỉ tạo ra thêm những nhịp điệu hoặc hình thức mới.

Theo ông Lamy, toàn cầu hóa không phải là một mô hình duy nhất. Người ta có thể định nghĩa nó là quá trình phân bổ các quy trình sản xuất ra nhiều nơi khác nhau. Theo đó, thế giới sẽ không thể trở lại thời kỳ mà toàn bộ các quy trình sản xuất nằm trọn trong một nước, hay nói cách khác là quay trở lại thời kỳ phi toàn cầu hóa. Ngược lại, thế giới sẽ bước vào một hình thức toàn cầu hóa khác, có khả năng chống chọi những rủi ro mà dịch bệnh hay các biến cố liên quan đến khí hậu đối với các chuỗi giá trị vốn chưa đủ đa dạng hóa.

Cách đây 20 năm, toàn cầu hóa chỉ là quá trình tìm tòi để tăng hiệu quả (sản xuất) thông qua việc phân bổ các quy trình sản xuất ra nhiều nơi, cho dù phải tập trung một phần nguồn cung ứng trong một nhà máy duy nhất tại Trung Quốc. Giai đoạn này đã kết thúc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các tập đoàn đa quốc gia sẽ đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc, mà họ sẽ phân phối sản xuất và thiết lập cơ sở ở nhiều nơi khác. Lấy ví dụ các chuỗi giá trị điển hình trong toàn cầu hóa, chẳng hạn như thiết bị công nghệ, dược phẩm hay ôtô, có thể thấy quá trình đa dạng hóa các chu trình sản xuất đang diễn ra.

Một số người bắt đầu nói đến việc khu vực hóa các chuỗi giá trị, chuyên gia Lamy cho rằng điều này không hẳn đã hoàn toàn chính xác. Trong chừng mực mà kinh tế châu Phi vẫn chưa tham gia cuộc chơi toàn cầu hóa, họ vẫn nằm hoàn toàn dưới sóng radar (chưa được quan tâm). Biến số chính của thời kỳ tới, đó là giá nhiên liệu sẽ tăng lên rất nhiều. Điều này sẽ gây ra những thay đổi trong việc phân bố sản xuất và một số sẽ đi theo chiều hướng tập trung khu vực, số còn lại theo chiều hướng khác.

Trong khi đó, sự hấp dẫn của xu hướng thu mình lại đã có từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn hết hết trên bình diện chính trị. Một phần, nguy cơ này vẫn bị hạn chế do mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế. Điều đó khiến cho việc tái tập trung sản xuất về một nước của nền kinh tế trở nên cực kỳ đắt đỏ.

Thế giới hiện có hai ví dụ về xu hướng thu mình lại, một là Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” và sự kiện Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu. Cho tới nay, cả hai trường hợp này, chưa thể nói đó là một thành công rõ ràng về kinh tế.

Về chính sách kinh tế phản ứng với cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Lamy cho rằng thế giới như đang ở trong một tình huống chiến tranh, các ngân hàng trung ương phải mở “van” tiền tệ để ngăn chặn và đánh bại “kẻ địch” là virus SARS-CoV-2. Gần như khắp nơi đều đưa ra quyết định này.

Đây là điều cần làm dù phạm vi sử dụng chính sách tiền tệ là rất hạn hẹp, lãi suất đã hạ xuống rất thấp hoặc thậm chí ở mức âm. Kinh tế thế giới sẽ phải trả một hóa đơn không nhỏ cho cuộc khủng hoảng.

Theo ông Lamy, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng một khi dịch bệnh qua đi. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào quãng thời gian cho đến khi dịch đạt đỉnh. Sau trận dịch nhấn chìm Trung Quốc, giờ đến lượt châu Âu và có thể sắp tới là Mỹ.

Độ dài của các trận dịch này sẽ tạo ra khác biệt, vì nếu như một phần của sản xuất có thể được “hấp thụ” bởi việc doanh nghiệp tăng cường mua vào và người tiêu dùng mở hầu bao sau khi tạm hoãn mua sắm, phần còn lại sẽ mất đi và không thể lấy lại. Kinh tế càng bị phong tỏa, mất mát sẽ càng lớn. Do đó, chuyên gia cho rằng việc tăng trưởng kinh tế sẽ mất đi 0,5 điểm phần trăm hay 1,5 điểm phần trăm là điều không ai có thể báo trước được./.

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More