Nhận diện “nhu cầu thiết yếu” trong mùa dịch: (Kỳ 1) Bám sát các quy định

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phòng chống dịch Covid-19, thời gian này, Hải Phòng cùng cả nước đang trong giai đoạn cách ly toàn xã hội. Trong đó, khá phức tạp là việc hạn chế người dân ra đường, trừ trường hợp thực thi công vụ hoặc phát sinh “nhu cầu thiết yếu”. Tuy nhiên ở một số cơ sở, việc vận dụng khái niệm “nhu cầu thiết yếu” vẫn đang chưa thực sự thống nhất.

Trên thực tế, từ lâu khái niệm “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” đã được định nghĩa, đưa vào thể chế hóa trong các quy phạm pháp luật. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 4 Luật giá năm 2012, thì “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.

Điện là một trong những mặt hàng thiết yếu nhất.

Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm khác nhau hoặc phục vụ các yêu cầu khác nhau, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có sự điều chỉnh linh hoạt. Chẳng hạn để phục vụ công tác khảo sát thị trường, một số cơ quan chức năng cũng áp dụng việc lấy chỉ số biến động của 14 nhóm mặt hàng được coi là thiết yếu, làm cơ sở tính toán sự tăng giảm bình quân của Chỉ số giá CPI. Như vậy, khái niệm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng được tác động bởi các yếu tố về thời điểm, về thị trường, về văn hóa địa phương, về hoàn cảnh sinh hoạt hoặc năng lực kinh tế khác nhau. Đối với thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19 này cũng không ngoại lệ.

Các siêu thị tiếp tục giữ vai trò trụ cột trong cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu.

Theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc cách ly xã hội đang được áp dụng. Theo đó nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở  nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.

Tại văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu được định hướng khá rõ, bao gồm: cơ sở kinh doanh dịch vụ lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện nước; nhiên liệu khác; cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc và các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm; chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ… Đây là những mảng kinh doanh, dịch vụ cũng như người sử dụng được tiếp tục hoạt động.

Như đã nói ở trên, các quy định đã khá rõ ràng nhưng việc vận dụng lại rất cần phù hợp với từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn đối với Hải Phòng, dù là trung tâm công nghiệp lớn, trong thời gian qua, thành phố cũng đủ năng lực tự chủ những nhóm hàng, dịch vụ thuộc diện thiết yếu, nhất là lương thực, thực phẩm. Thực tế trong điều kiện bình thường, nhu cầu của người dân cũng như những hoạt động xã hội thông thường nếu phát sinh nguồn cung từ nơi khác, phần lớn là trao đổi, làm mới chứ không hẳn vì thiếu hụt. Như vậy, trong điều kiện dịch bệnh phát sinh, xã hội cần có sự cách ly khu biệt, thì “nhu cầu thiết yếu” cũng cần được làm rõ, khi chúng ta đang có nhiều phương án thay thế.

Thực phẩm thiết yếu đang được lưu thông bình thường trên địa bàn thành phố.

Cần phải nhắc lại rằng, ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch, thành phố đã chủ động triển khai ngay nhiều biện pháp nhằm bình ổn thị trường, rà soát năng lực cung-cầu trên địa bàn. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Thép, thì nguồn cung thực phẩm tại chỗ của Hải Phòng hiện tương đối dồi dào. Cụ thể, thành phố có diện tích rau các loại là 3.500 ha cho thu hoạch từ nay đến hết tháng 5, với sản lượng khoảng 57.200 tấn; sản lượng thóc vụ mùa năm 2019 là 186.148 tấn, tương đương 131.000 tấn gạo, lượng gạo còn trong dân có thể duy trì tiêu dùng trong 3 tháng tới. Chỉ tính riêng nguồn rau, Hải Phòng có thể thiếu những loại rau – củ – quả không phù hợp với thổ những hoặc không được canh tác nhiều trên địa bàn, nhưng có thực sự “thiết yếu” hay không lại là câu chuyện khác.

Về chăn nuôi, tính đến tháng 3 thành phố còn dư khoảng hơn 2.700 tấn gia cầm; trên 11.000 quả trứng, chưa kể một lượng không nhỏ các loại thịt trâu, bò. Trong khi đó, khả năng nuôi thả và khai thác thủy sản của thành phố có thể cung cấp ra thị trường gần 500 tấn/ngày, so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 300 tấn/ngày của người dân Hải Phòng. Hiện chỉ có lượng dự trữ thịt lợn chưa đáp ứng được yêu cầu, do đàn lợn thành phố đang trong quá trình tái tạo sau ảnh hưởng của dịch tả châu Phi năm trước. Trong điều kiện bình thường, lượng thiếu hụt của Hải Phòng hoàn toàn được cung cấp đầy đủ từ các khu vực khác, bao gồm cả hàng nhập khẩu đối với những sản phẩm chưa phải là thế mạnh của Việt Nam. Nhưng theo cam kết của các hệ thống phân phối, nhất là các siêu thị hoạt động theo chuỗi cung ứng, thì kể cả trong điều kiện dịch bệnh, vấn đề này cũng không phải là quá khó.

Mặt khác, thành phố cũng rất chủ động tiến hành xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa, nhằm sẵn sàng đối phó với những tình huống phát sinh của dịch bệnh. Trong đó dự trù cho cả những tình huống nghiêm trọng hơn, nên trong dịp này, khi thị trường đang tiếp diễn, cân đối cung cầu đảm bảo, giá cả rất ổn định, vấn đề “nhu cầu thiết yếu” càng cần được định hình phù hợp, để tránh hiện tượng lợi dụng câu chữ mà cố ý vi phạm chủ trương phòng chống dịch bệnh Covid-19 (còn nữa).

Lê Minh Thắng

Nguồn tin: ANHP

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More