Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha lần đầu chia sẻ về xuất xứ bài thơ được lưu giữ ở Đại học Havard

Bài thơ “Không đề” của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha với chỉ vẻn vẹn 4 câu đã được biết bao thế hệ học sinh chép trong những cuốn sổ tay học trò”: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/Rơi cơn mưa ban trưa/Chợt thấy mình tách làm hai nửa/Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa”.

Đặc biệt, bài thơ đã được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh (Khoa Ngôn ngữ và Á Đông, Đại học Havard) dịch sang tiếng Anh lần đầu được tác giả “bật mí” xuất xứ trong chương trình Quán Thanh xuân số tháng 10 với chủ đề “Một thế kỷ thư tay – thanh xuân xa nhớ”.

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ trong Quán Thanh xuân tháng 10.

Trong cánh gà trước khi chương trình lên sóng, tôi đã có cuộc trò chuyện thân mật, cởi mở với nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Là chỗ quen biết từ lâu, ông đã không ngại ngùng chia sẻ với tôi những câu chuyện thú vị về lính quân bưu, những cảm xúc về người lính quân bưu cũng như những sáng tác âm nhạc, thơ ca xuất phát từ những bức thư tay. Người nhạc sĩ đã bước vào tuổi “thất thập”, đầy suy tư khi nghĩ về sự phát triển của xã hội, khi những bức thư tay đã dần được thay thế bằng những bức thư điện tử. Ông bảo giá trị của những bức thư tay là vô giá, nó không chỉ chuyển đi thông tin mà qua đó chúng ta còn biết được người viết đang nghĩ, tâm trạng ra sao qua nét chữ…

PV: Được biết trước đây ông từng là người lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị ác liệt, hẳn trong ông có không ít kỷ niệm với cánh lính quân bưu?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Đúng vậy, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kỹ thuật Thông tin (Nay là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi được vào chiến trường Quảng Trị với nhiệm vụ của người lính thông tin. Chính vì là người lính thông tin nên tôi rất gần gũi, thân thiết và có thể nói là song hành với cánh lính quân bưu. Khi ấy, mỗi trạm máy thông tin bao giờ cũng có trạm quân bưu bên cạnh hoặc sở chỉ huy của đại đội quân bưu bao giờ cũng cạnh sở chỉ huy của đại đội trạm máy hoặc một đại đội của lính xây dựng đường dây. Với tôi người lính quân bưu là những người anh hùng thầm lặng, tất nhiên cũng có những anh hùng đã được vinh danh như: Phạm Hữu Thoan, Trương Công Man…

Con đường của lính quân bưu đi rất khác biệt, trên vai họ vừa là chịu sức nặng của mệnh lệnh vừa chịu sức nặng của tình cảm như trong bài hát truyền thống của ngành – “Anh quân bưu vui tính”. Tôi hình dung công việc của họ mang dấu hằn của tình cảm, của triết lý sâu sắc trên “vầng trán” Trường Sơn. Chính những cảm xúc sâu nặng với cánh lính quân bưu đã mang đến cho tôi cảm xúc để sáng tác ca khúc “Đường quân bưu”. Ca khúc này đã được trao Huy chương Vàng trong Hội diễn toàn quân năm 1979. Tôi nghĩ cái lan tỏa của hình tượng người lính quân bưu là khi họ mang đến cho người lính khác lá thư đồng nghĩa với việc họ chia sẻ tâm hồn quân bưu của họ. Và nếu họ hy sinh thì túi sắc cốt lại được người khác tiếp tục được chuyển đi. Những lá thư tiếp tục được chuyển đi. Lúc đó vô hình trung những người đi vào chiến trường đều là người lính quân bưu.

Tôi có một kỷ niệm, đó là vào mùa mưa năm 1974, rất bất ngờ khi nhận được lá thư của nhà thơ Anh Ngọc ở Hà Nội gửi qua nhà thơ Xuân Biễn của Báo Quân đội Nhân dân đi công tác mang vào. Nhà thơ Xuân Biễn đã chuyển tận tay tôi và sau đó ông đã sáng tác một bài thơ khá nổi tiếng đại loại như con gửi cho ba lá thư, với hòm thư rất bí ẩn, mơ hồ nhưng dòng chữ là có thật.

Rồi, ca sĩ Thanh Đính vào chiến trường trước đi ra thì gặp tôi đi vào. Anh có nói đùa: “Còn bao nhiêu tiền miền Bắc mang cho anh tiêu” và tôi có nhờ anh ấy chuyển lá thư cho ông anh ở Ngọc Hà. Đó là tình cảm hết sức trân trọng trong chiến tranh. Mang lá thư người khác gửi cho mình, đó dường như là nghề của tất cả mọi người.

PV: Đúng là chiến tranh thì dường như mọi tình cảm giữa con người như xích lại gần nhau hơn. Nhưng theo tôi còn được biết thì chiến tranh đã chia cắt ông với cô người yêu để rồi ông có một sáng tác được giới trẻ rất yêu thích?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Trước khi vào chiến trường, tôi đã có cô người yêu là đồng hương đất Cảng. Chúng tôi gửi thương nhớ trong những bức thư tay nhưng bom đạn đã làm lạc đi nhiều cánh thư yêu để rồi trong một lần đi công tác, chiếc xe chở tôi và đồng đội gặp nạn. Tin tức loan truyền về đến Hà Nội là tôi đã hy sinh. Một năm sau, cô lên xe hoa về nhà chồng.

Sau ngày giải phóng đất nước, nhờ có khả năng văn nghệ mà tôi được về Hà Nội để tuyển quân văn nghệ cho Đoàn Nghệ thuật Binh chủng Thông tin. Và cũng thật tình cờ, tôi gặp một cô nữ sinh Hà thành xinh xắn, dễ thương nhưng cũng rất cá tính. Sự đồng cảm nhanh chóng đã đưa chúng tôi lại gần nhau hơn. Cuối năm 1977, tôi đưa cô về Hải Phòng ra mắt gia đình. Trên quãng đường từ ga Hải Phòng về nhà, khi hai người đi đến con phố Cát Dài (nay là phố Hai Bà Trưng) thì trời bất chợt đổ mưa. Thật không ngờ, đến cổng nhà người yêu cũ thì trời mưa nặng hạt, không thể đi được hai người đành đứng trú mưa ở cổng nhà cô người yêu cũ. Và bỗng nhiên niềm cảm xúc dâng trào, tôi đã viết nhanh mấy câu thơ: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/Rơi cơn mưa ban trưa/Chợt thấy mình tách làm hai nửa/Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa”. Bài thơ sau đó đã được nhiều thế hệ bạn trẻ yêu thích và truyền tay nhau chép lại trong vô vàn những cuốn lưu bút. Đặc biệt, sau này Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vinh (Khoa Ngôn ngữ và Á Đông, Đại học Havard) đã dịch bài thơ này sang tiếng Anh và nhận được rất nhiều cảm tình từ bạn đọc quốc tế.

Hôm nay, tôi có mang đến chương trình lá thư cuối cùng của cô người yêu cũ kèm bức ảnh của cô ấy. Bức thư được viết vào tháng 2/1972 khi cô ấy đang ở Bãi Cháy. Sau lá thư này, với cô ấy là lá thư cuối cùng, nhưng tôi vẫn tiếp tục gửi về. Tôi viết trong tuyệt vọng và cũng trách thầm. Lúc ấy tôi như bấu víu vào thứ tình cảm thiêng liêng ấy để cảm giác như tôi đang tồn tại, có mục tiêu, lý tưởng để chiến đấu. Tôi đã cố gắng bịa ra muôn vàn lý do để giải thích cho việc thư không đến được để rồi tiếp tục nuôi hy vọng. Và từ cảm xúc ấy, tôi đã viết nhiều bài tình ca. Đặc biệt bức ảnh tôi vẫn giữ đây vẫn còn những vần thơ tôi tặng cô ấy: “Yêu em ánh mắt sáng sao/Ngời như ánh lửa nuôi bao nỗi buồn/Hiền như nói cả tâm hồn/Yêu như biên rộng dập dồn say sưa”…

PV: Lá thư tay trao đổi giữa hai người yêu nhau thật đẹp đẽ biết bao và tôi còn được biết nhiều ca khúc đi cùng năm tháng cũng bắt đầu từ những lá thư tay, có phải vậy không, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Đúng vậy, có rất nhiều. Nhưng tôi xin kể hai ca khúc nổi tiếng nhất. Đó là “Gửi em ở cuối sông Hồng” (thơ Dương Soái, nhạc Thuận Yến) và “Tình ca” (nhạc Hoàng Việt). Khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, nhà thơ Dương Soái đang là phóng viên của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn. Khi biết ông là nhà báo, các chiến sĩ nhờ ông gửi những lá thư của họ về gia đình. Trong lúc ngồi chờ đoàn tàu tiếp theo ở ga phố Lu, nhà thơ mới có thời gian lần dở những lá thư mà người nơi chiến trận đã gửi cho mình. Hóa ra, trong những lá thư đó, đa phần là địa chỉ ở Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Vĩnh Phú, Hải Hưng… tức toàn những cái tên ở phía cuối sông Hồng cả. Điều này làm cho ông dấy lên suy nghĩ, cuộc chiến này tập hợp rất nhiều con em ở dọc sông Hồng lên bảo vệ biên giới. Cộng với nỗi niềm của bản thân, một người cũng sinh ra bên cạnh sông Hồng… đã làm nhà thơ cảm tác để viết nên bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Một năm sau, năm 1980, nhạc sĩ Thuận Yến tình cờ đọc được bài “Gửi em ở cuối sông Hồng” và đã phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng như bây giờ.

Tôi còn nhớ vào năm 1957, nhạc sĩ Hoàng Việt khi ấy tập kết ra Hà Nội và làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Thời điểm ông tập kết thì vài tháng sau bà vợ sinh con và có viết thư thông báo cho ông. Nhưng phải đến 2 năm, ông mới nhận được thư. Trong tiết trời mùa xuân miền Bắc với bao nỗi nhớ nhà, nhạc sĩ Hoàng Việt đọc được thư của vợ và rồi ông lần mở lại cuốn sổ tay ghi lại cảm xúc trên đất Bắc. Trong phút dâng trào cảm xúc, ông đã gần như đã phổ toàn bộ nội dung ấy. Có thể nói ông đã viết một lá thư tặng người vợ phương Nam, nhưng đó là bức thư vĩ đại, bức thư bằng âm thanh. Bài hát đã chuyển tải toàn bộ tình cảm, tâm trạng của những người miền Nam tập kết ra Bắc. Nó có sức sống vĩnh cửu với thời gian.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngô Khiêm (Thực hiện)

Nguồn: Công luận

Nguồn tin: Công luận

Tin khác

Viettel sẵn sàng tạo lập cầu nối để 5G thực sự trở thành động lực góp phần thay đổi cuộc sống

Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…

19/12/2024

Huyện An Dương hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…

19/12/2024

Lãnh đạo thành phố dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…

19/12/2024

Định hướng sắp xếp sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…

19/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More