Nhà xe “nêm” chặt khách trong khi một số tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô cũng chật cứng người và ùn tắc cục bộ do lượng phương tiện gia tăng đột biến vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Sau 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5, chiều nay (ngày 1/5), tại các bến xe, dòng người từ ngoại tỉnh nườm nượp đổ về Hà Nội làm cho nhiều bến xe rơi vào cảnh “nghẽn” khách. Nhiều hành khách tỏ vẻ mệt nhoài sau hành trình bị các nhà xe nhồi nhét, “chặt chém” giá vé.
Một số tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô cũng chật cứng người và ùn tắc cục bộ do lượng phương tiện gia tăng đột biến.
Vé xe khách… đồng hạng
Ngay từ đầu giờ chiều nay, ôtô và xe máy từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Thái Bình… nối đuôi nhau tiến về các bến xe, khiến nhiều tuyến đường như Giải Phóng, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Ngọc Hồi đông nghẹt phương tiện.
Càng về chiều, lượng xe khách từ các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa… đổ về bến xe Mỹ Đình hay Giáp Bát ngày một đông hơn.
Lỉnh kỉnh đồ đạc với balô quần áo và bao gạo mang lên, bạn Trần Quang Thành, (thành phố Ninh Bình), sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân ngồi thẫn thờ trước nhà chờ của bến xe Giáp Bát.
Lo ngại tắc đường, sau bữa cơm trưa nay, Thành vội vàng gói gém đồ đạc để “về kinh”. Nhiều chuyến xe từ dưới huyện Kim Sơn chạy qua nhưng nhà xe không dừng lại bắt khách bởi trên xe đã nêm đông nghẹt khách.
Phải chừng gần 30 phút, Thành mới lên được xe. Dọc đường đi, xe khách Biển kiểm soát 35B-010.84 chỉ có 29 chỗ nhưng nhà xe “nhồi” đến 40 hành khách. Chủ xe tận dụng ghế nhựa xếp dọc lối đi để “lèn” thêm người. Tính ra, mỗi hàng ghế ngồi tới 6 người. Trong khi đó, giá vé lên tới 100.000 đồng/người (cao hơn 30.000 đồng so với ngày thường).
Thành kể, trên xe, hành khách ngồi ken cứng, thậm chí, ngay chỗ cửa lên xe, nhiều “thượng đế” vẫn cố chen chân lên, đứng suốt cả chặng đường vì không thể chờ xe lâu được do ngày này phương tiện nào cũng nêm kín người.
Dọc đường đi, những hành khách ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam) do sốt ruột chờ xe lâu nên thấy xe nào hé cửa đều vẫy tay để lên. Dù đứng hay ngồi, khách đều bị nhà xe “hét giá” đồng hạng so với hành trình từ Ninh Bình lên Hà Nội.
Khi hành khách thắc mắc, phụ xe chỉ buông câu ngắn gọn: “Ngày lễ nên đông, không có xe mà đi. Ai chấp nhận thì lên xe ngồi và chi trả giá vé.”
Tại bãi đỗ xe buýt của các bến xe, hành khách đứng đợi xe, xếp hàng thành dãy dài. Mỗi khi có xe về tới điểm đỗ trong khu vực bến, hành khách trên xe chưa kịp xuống, người ở dưới đã đùn đẩy để lên. Xe xuất bến chật kín khách.
Theo lãnh đạo các bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, ngay trong cao điểm ngày 1/5, lượng người đổ về các bến tăng tới 100-150% so với ngày thường. Các đơn vị đã bố trí người trực để hướng dẫn các tuyến xe vào trả khách, tránh tình trạng ùn tắc, lộn xộn tại bến. Đồng thời, bến xe cũng tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn, trật tự giao thông quanh khu vực.
Ùn tắc cục bộ các tuyến đường cửa ngõ
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các tuyến đường ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô như đường Quốc lộ 1A cũ đoạn đi qua huyện Thường Tín, đường Ngọc Hồi; đường Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Xiển… trong chiều ngày hôm nay (1/5) đã thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc cục bộ do lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến.
Tại nút giao Pháp Vân, dòng phương tiện xếp hàng dài tới 1-2km nhích từng mét một để có thể vào đường Giải Phóng hoặc lên đường vành đai 3 hay cầu Thanh Trì. Với việc lượng xe đổ về liên tục nên nút giao này rơi vào tình trạng quá tải và ùn tắc mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông đã túc trực phân làn, phần luồng phương tiện.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, đơn vị quản lý, khai thác cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Công ty đã lên phương án phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tiến hành kiểm tra, kiểm soát để xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra trong dịp nghỉ lễ.
Đồng thời, đơn vị cũng bố trí 100% quân số ứng trực, tuần tra, phân làn từ xa để hạn chế ùn tắc vào các giờ cao điểm trong dịp nghỉ lễ.
“Hiện nay, trên toàn tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đã khai thác với 6 làn xe nên ùn tắc bớt ‘nóng’ hơn. Khu vực lo ngại nhất và thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là vào các dịp nghỉ lễ là nút giao Pháp Vân (nằm ngoài phạm vi dự án),” lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho hay.
Càng về cuối giờ chiều, lượng xe và người dân vẫn ùn ùn đổ về Thủ đô. Lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông đang “gồng mình” phân làn phương tiện nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông tại các nút giao để người dân nhanh chóng về nhà sau một hành trình mệt mỏi./.