Tên tuổi nhà thơ Phan Vũ gắn liền với “Em ơi, Hà Nội phố” – bản trường ca ra đời trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún giữa lúc Hà Nội đang phải đối mặt với đạn bom.
Theo thông tin từ gia đình, nhà thơ Phan Vũ đã qua đời sáng sớm nay (17/7) tại Thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian lâm bệnh.
Tác giả Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Sinh thời, ông là một nghệ sỹ đa tài, từng thử sức và thành công, khẳng định tên tuổi ở nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội họa, sân khấu, điện ảnh…
Ông nhập ngũ từ năm 20 tuổi. Đến năm 1954, tác giả Phan Vũ tập kết ra Bắc, làm việc ở Xưởng phim truyện Việt Nam tại Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại miền Nam và làm việc tại Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
Tên tuổi nhà thơ Phan Vũ gắn liền với “Em ơi, Hà Nội phố” – bản trường ca ra đời trên một căn gác nhỏ phố Hàng Bún giữa lúc Hà Nội đang phải đối mặt với đạn bom.
Sinh thời, ông từng chia sẻ với lớp hậu sinh rằng: “Tháng Chạp năm 1972, khi máy bay B52 của Mỹ bắn phá Thủ đô với lời đe dọa ‘đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá,’ tôi khởi viết những câu đầu tiên: ‘Em ơi! Hà Nội phố… Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em, mùi hoa sữa…’ Điệp ngữ ‘Ta còn em…’ lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. ‘Ta còn em…’ là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về…”
Trong khói lửa của thời chiến, chàng thi sỹ đa tình năm xưa đã cho ra đời những vần thơ trữ tình về Hà Nội. Sau này, “Em ơi, Hà Nội phố” đã được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc, trở thành một nhạc phẩm được đông đảo công chúng yêu mến.
Bên cạnh đó, nghệ sỹ Phan Vũ còn là tác giả của nhiều kịch bản nổi tiếng như “Lửa cháy lên rồi,” “Dòng sông âm vang”… Ngoài ra, trong vai trò đạo diễn, nghệ sỹ Phan Vũ đã dàn dựng nhiều bộ phim gây tiếng vang (“Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại”…).
Với tình yêu nghệ thuật và sức sáng tạo bền bỉ, tác giả Phan Vũ còn khẳng định vị trí riêng trong hội họa. Từ những năm 1990, ông chủ yếu vẽ tranh. Đến nay, tác giả Phan Vũ đã có khoảng 10 triển lãm ở cả trong nước và nước ngoài.
Năm 2018, khi đã ở tuổi 92, ông tiếp tục có một triển lãm ấn tượng, giới thiệu tới công chúng 15 bức tranh cùng chủ đề “Em ơi, Hà Nội phố.” Đó là những ký ức, hoài niệm và sự khắc khoải khi nhớ về Hà Nội – nơi gắn bó những năm tháng thanh xuân. Trước thềm triển lãm tranh, ông chia sẻ: “Vẽ cũng là một cách tôi chiến đấu với thần chết!”./.