Không chỉ là công trình văn hóa lâu đời, có giá trị lớn về kiến trúc nghệ thuật, Nhà hát thành phố còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển của thành phố Cảng “Trung dũng – Quyết thắng”…
Di sản kiến trúc nghệ thuật
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Tuệ thông tin, theo sách “Choses et Gens en Indochine 1898 – 1908” của Claude Bourrin (nguyên Giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội và Hải Phòng từ năm 1927 – 1930), dịch giả Lưu Đình Tuân, Nhà hát lớn Hải Phòng (Nhà hát thành phố ngày nay) khánh thành vào tháng 9-1900, sau Nhà hát lớn Sài Gòn 9 tháng (15-1- 1900) và trước Nhà hát lớn Hà Nội 11 năm (9-12- 1911).
Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Toàn bộ bản vẽ, nguyên vật liệu xây dựng được mang từ Pháp sang. Việc xây dựng do thợ Việt Nam đảm nhiệm dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Pháp. Lấy cảm hứng từ nhà hát thủ đô Paris (Pháp), Nhà hát thành phố được thiết kế để biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ điển. Mặt tiền chạm khắc hình ảnh cây đàn Lia – biểu tượng của âm nhạc, cũng là nét riêng so với Nhà hát lớn Sài Gòn được xây dựng trước đó không lâu. Công trình khi hoàn thành là một toà nhà 2 tầng, cao 15,7 m, dài 57,3 m, rộng 37,3 m. Tường làm bằng vôi rơm cách nhiệt, cách âm với các bức bích họa tuyệt đẹp. Toàn bộ cánh cửa nhồi rơm, bọc da. Mái của toà nhà bằng tôn. Trần hình vòm, trang trí hoa tiết đẹp. Khán phòng có 600 ghế ngồi bọc da sang trọng. Sân khấu lát gỗ lim. Phía trước sân khấu có khu dành cho ban nhạc ngồi biểu diễn. Toàn bộ sàn nhà bằng gỗ, phía dưới là hầm thông gió. Ngoài hội trường lớn, còn có các phòng thay đồ, phòng trang điểm, nhà vệ sinh… Toà nhà được thiết kế trên cơ sở nghiên cứu kỹ khí hậu Việt Nam nên rất thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Phía ngoài khán phòng chính có hai phòng nhỏ hai bên với hiên rộng có mái che, trước đây là nơi bán vé và căng tin giải khát cho người xem. Quảng trường nhà hát có hai cột đèn đúc bằng gang, trên đỉnh cột có một thanh ngang treo 2 đèn tròn to hai bên. Năm 1985, thành phố thay bằng hai cột đèn xi măng với hệ thống đèn tuýp xếp dọc quanh cột đèn. Ngoài ra, quanh quảng trường có ghế gỗ, thảm cỏ và nhiều tượng thiếu nữ đang múa… Nhà hát thành phố là nơi sinh hoạt chính trị, văn hoá của người Pháp và những người bản xứ giàu có. Thời ấy, chỉ có những gánh hát từ Pháp sang hoặc những gánh hát nổi tiếng của Việt Nam mới được biểu diễn ở đây. Cũng chỉ có những người giàu mới đủ tiền mua vé vào xem. Hằng năm, Pháp tổ chức phát phần thưởng cho học sinh giỏi tại đây để mị dân và khuyến khích những người phục vụ chúng…
“Chứng nhân” lịch sử
Không chỉ là một không gian văn hoá, Nhà hát thành phố còn là nơi ghi những dấu ấn, mốc son lịch sử của cách mạng dân tộc và của thành phố Hải Phòng. Cách đây 80 năm, sáng 23-8-1945, hàng vạn nhân dân, có lực lượng tự vệ hỗ trợ, từ nhiều ngả đường gương cao cờ đỏ, sao vàng đổ về. Đúng 10 giờ, cuộc mít tinh trọng thể khai mạc tại quảng trường Nhà hát; đồng chí Nguyễn Quốc Uy thay mặt Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hải Phòng. Đây là giây phút lịch sử trọng đại không thể phai mờ trong tâm thức người dân Hải Phòng trong suốt 80 năm qua.
Ngày 20-11-1946, tại nhà hát diễn ra trận đánh quyết tử để bảo vệ thành phố. 13 chiến sĩ Vệ quốc đoàn và chiến sĩ tuyên truyền văn hóa Việt Nam do trung đội trưởng Đặng Kim Nở chỉ huy đã cầm chân lực lượng quân đội Pháp có xe tăng yểm trợ suốt một ngày đêm, tiêu diệt 50 lính Pháp trước khi anh dũng hy sinh. Đây là cuộc tập dượt bước đầu quan trọng cho quân dân cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng, chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sự kiện cũng làm nên một phần tên gọi “Hải Phòng đi trước, về sau” của thành phố Cảng anh hùng và ngày 20-11 hằng năm trở thành ngày truyền thống của lực lượng vũ trang thành phố.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà hát thành phố là địa điểm trung tâm tổ chức các hoạt động của chính quyền cách mạng như: Tuần lễ vàng, phong trào cứu đói, phong trào Nam tiến. Ngày 13-5-1955, hàng vạn nhân dân nội, ngoại thành tập trung tại quảng trường Nhà hát thành phố đón chào bộ đội tiến vào tiếp quản thành phố. Từ sau Ngày giải phóng Hải Phòng đến nay, Nhà hát thành phố là trung tâm sinh hoạt chính trị – văn hóa của thành phố, nhất là trong dịp giải phóng Hải Phòng (13-5) hằng năm và trong thời khắc Tết đến, xuân về. Với các giá trị đặc biệt, ngày 9-12-2015, Nhà hát thành phố được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Ngày nay, cùng với tổ chức các sự kiện chính trị, biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao, từ tháng 7-2023 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chương trình “Sáng đèn Nhà hát thành phố” nhằm xây dựng Nhà hát thành phố trở thành “điểm hẹn” văn hóa nghệ thuật mỗi dịp cuối tuần. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật đem đến công chúng thành phố “món ăn” tinh thần đầy ý nghĩa…