Năm 2012, vụ án Phí Thị Nương, sinh 1975, ở thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, nguyên là Giám đốc Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh Thái Bình “quỵt nợ” hàng trăm triệu đồng của nhiều người, sau đó bỏ trốn khỏi địa phương đã gây rúng động dư luận.
Thời điểm đó, Nương giữ chức vụ là Giám đốc Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, nhưng do ham làm giàu nên vẫn tham gia kinh doanh, buôn bán nhà, đất. Để có vốn kinh doanh, Phí Thị Nương đã vay tiền, vàng của một số người. Những người cho vay hầu hết đều có quan hệ quen biết từ trước với Nương, đồng thời tin tưởng nữ Giám đốc này là người có uy tín, có chức vụ, Nương còn hứa hẹn khi vay tiền sẽ trả lãi suất cao nên họ đều đồng ý cho vay.
Cụ thể, khoảng đầu năm 2012, Phí Thị Nương đã đặt vấn đề vay tiền của anh N.D.D, là người có quan hệ quen biết từ trước. Tin tưởng Nương là người có chức vụ trong cơ quan Nhà nước, anh D đã đồng ý cho Nương vay làm 2 lần, lần đầu là vào ngày 19-1-2012, anh D cho vay 70 triệu đồng và lần thứ 2 là ngày 20-1-2012, anh D cho Nương vay 100 triệu đồng. Sau khi nhận tiền tại phòng làm việc của Nương tại Hội Nông dân tỉnh Thái Bình, Nương cũng viết 2 giấy biên nhận với nội dung 2 lần vay tiền của anh D và hẹn sau 2 tháng sẽ hoàn trả đầy đủ số tiền đã vay. Số tiền lãi hai bên thỏa thuận miệng là 3.000 đồng/1 triệu/1 ngày nhưng không ghi vào giấy biên nhận.
Trong quá trình vay tiền, để tạo niềm tin, Phí Thị Nương còn giao cho anh D 1 bằng tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương, 1 bằng tốt nghiệp Đại học chính trị, giấy CMND, Giấy phép lái xe mô tô, 1 đăng ký xe mô tô, 1 quyển sổ hộ khẩu bản chính mang tên Phí Thị Nương. Đến ngày 16-3-2012, Phí Thị Nương trả cho anh D 10 triệu đồng tiền gốc và nhận lại CMND, sổ hộ khẩu. Tuy nhiên số tiền còn lại là 160 triệu đồng, vị nữ giám đốc này hẹn đến ngày 30-3-2012 sẽ hoàn trả hết. Đến ngày hẹn, không thấy Nương trả tiền, anh D nhiều lần đến cơ quan, đến nhà đòi nợ nhưng không thể gặp và liên lạc được vì “nữ quái” này đã nhanh chóng cao chạy xa bay.
Một nạn nhân khác răm răm nghe lời Nương mà cho thị vay tiền là chị Đ.T.T. Cũng khoảng thời gian đầu năm 2012, Nương đến nhà chị T. vay 50 triệu đồng và viết giấy biên nhận vay tiền, hẹn 20 ngày sau sẽ hoàn trả tiền. Lãi suất thỏa thuận giữa 2 bên là 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày nhưng không ghi vào giấy biên nhận. Đến hẹn, thấy “con nợ” mất hút không thể nào liên lạc được, chị T. mới tá hỏa nhận ra mình đã bị lừa…
Trong vụ án này, Nương còn vay tiền cả giáo viên dạy học của con gái mình là chị N.T.L. Ngày 1-4-2012, Nương đến nhà chị L, do không có tiền mặt nên chị L đã cho Nương vay 1 cây vàng AA trị giá 42.700.000 đồng, không lấy lãi suất. Nương cũng viết giấy biên nhận và hẹn 10 ngày sau sẽ hoàn trả số vàng đã vay. 5 ngày sau, Nương tiếp tục đến nhà chị L.T.H là người quen từ trước để vay 100 triệu đồng với lãi suất 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày, hẹn sau 1 tháng sẽ hoàn trả. Tuy nhiên đến ngày hẹn, cả chị L. và chị H. đều không liên lạc được với Nương và nhận ra mình đã bị lừa.
Ngày 4-5-2012, Phí Thị Nương bỏ làm việc tại cơ quan và xuất cảnh sang Đài Loan để chiếm đoạt số tiền, vàng của 4 người nêu trên, tổng số quy đổi thành tiền là hơn 352 triệu đồng. Ngày 20-6-2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phí Thị Nương về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 25-6-2012, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định truy nã. Gần 5 năm sau, đến ngày 27-4-2017, Phí Thị Nương bị trục xuất khỏi Đài Loan do quá thời hạn lao động. Ngày 20-1-2018, cuối cùng Nương đã đến Công an tỉnh Thái Bình để đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình mới đây đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Phí Thị Nương 7 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 175 BLHS; đồng thời buộc Phí Thị Nương phải bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Lâm Phong