Không chỉ có Asanzo, hàng loạt vụ giả mạo xuất xứ mặt hàng từ gỗ, xe đạp, nhôm, giày dép… đã và đang bị các cơ quan chức năng xử lý, trong đó có những vụ lên tới hàng tỉ USD.
Nếu không sớm ngăn chặn, VN có nguy cơ thành trạm trung chuyển gian lận thương mại ra thế giới.
Gian lận xuất xứ nhôm gần 3 tỉ USD
Tại cuộc họp liên ngành các cơ quan do Tổng cục Hải quan chủ trì ngày 28.10, kết luận kiểm tra về Công ty CP Tập đoàn Asanzo, phía Tổng cục Hải quan đã công bố một loạt vụ việc đã và đang được điều tra có liên quan tới gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ.
Cụ thể, hành vi của các đối tượng này chủ yếu giả mạo xuất xứ VN để xuất khẩu hàng hóa đi các nước. Các lực lượng hải quan đã xác định, ngăn chặn thành công vụ lớn nhất có dấu hiệu giả mạo xuất xứ với nhôm xuất khẩu ở Vũng Tàu. Doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn này có dây chuyền công nghệ sản xuất nhôm nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh từ Trung Quốc và các nước khác để chế ra các sản phẩm nhôm VN xuất sang Mỹ.
Động cơ xuất phát từ việc lợi dụng thuế suất rẻ, vì nhôm VN xuất vào Mỹ có mức thuế suất thuế nhập khẩu chỉ 15%, còn nhôm Trung Quốc lên tới 374%. Các DN ở Vũng Tàu nhập khẩu nhôm từ cuối năm 2017 đến năm 2019 với giá trị gần 3 tỉ USD. “Chúng tôi phối hợp các cảng vụ và Bộ An ninh nội địa Mỹ, toàn bộ số nhôm đó chưa xuất được. Theo báo cáo, Hải quan Vũng Tàu hiện đang giữ 1,8 triệu tấn nhôm”, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nói.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng cho biết, một số vụ việc tương tự việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ như lắp ráp ti vi của Asanzo được phát hiện. Phía các chi cục hải quan đang giữ khoảng 10 container xe đạp đều khai có chứng nhận xuất xứ (C/O) do Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) cấp. Song, qua kiểm tra tại chỗ các hồ sơ, gần như 100% xe đạp được nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài về dán nhãn VN, sau đó xuất khẩu qua các nước khác. Tại Hải Phòng, hải quan cũng đang giữ và truy xét hàng trăm container máy móc thiết bị nhập từ nước ngoài về lắp ráp giản đơn không đủ tiêu chí dán mác hàng VN.
Thậm chí, có những mặt hàng giày dép, quần áo thể thao… mà theo Tổng cục Hải quan được nhập từ Trung Quốc, giả mạo hàng VN tiêu thụ trong nước bị bắt giữ ngay tại cửa khẩu Hải Phòng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Một trường hợp khác, cũng đang được hải quan điều tra xong, sắp kết luận là nhóm DN nhập khẩu và xuất khẩu gỗ ván ép. Các DN này kê khai gỗ của VN đã được VCCI chứng nhận C/O xuất đi Mỹ và một số nước. Qua hồ sơ khai báo, DN khai mua gỗ của các nông trường, hộ dân… có xác nhận của cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương khi nộp hồ sơ cho VCCI.
Tuy nhiên, khi hải quan đi xác minh, các cá nhân đều khẳng định không bán gỗ cho DN, trong khi lãnh đạo xã thừa nhận sai, xác nhận bừa cho DN. Qua đó, phía hải quan đủ cơ sở xác nhận DN không sản xuất, thậm chí nhà xưởng chỉ như lán trại, hàng có dấu hiệu gian lận xuất xứ.
“Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng điều tra và đề nghị các cơ quan chức năng ủng hộ quan điểm để ngăn chặn xử lý nghiêm theo đúng quy định, chỉ đạo của Chính phủ để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong nước. Không để VN trở thành nước trung chuyển để tiếp tay cho gian lận thương mại ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đề nghị.
Quá nhiều lỗ hổng
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết thời gian qua, nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo C/O, ghi nhãn hàng hóa đã được cơ quan hải quan phát hiện.
Trong đó, 15 nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo C/O cao: dệt may, da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp; gỗ và các sản phẩm gỗ.
Theo ông Âu Anh Tuấn, đây là các mặt hàng có dấu hiệu rủi ro cao khi vốn đầu tư không tăng cao, nhưng xuất khẩu lại lớn. Đặc biệt, đây là hàng hóa mà Mỹ đang giám sát đặc biệt ở Trung Quốc. 6/15 nhóm hàng này đang bị Mỹ áp dụng đánh thuế thương mại từ Trung Quốc.
Chia sẻ thêm về tình trạng này, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết giả mạo xuất xứ hay gian lận thương mại hàng hóa là điều không thể chấp nhận được, không chỉ ở góc độ cạnh tranh thị trường mà cả khía cạnh đạo đức kinh doanh. “Chúng ta thử đặt vấn đề, sản phẩm được làm ra bằng trí tuệ, tâm huyết của cá nhân, doanh nghiệp, nhưng lại bị đối tượng khác khai thác danh xưng nhằm mục đích hưởng lợi tài chính thì liệu có được sự cho phép hay đồng ý”, ông Lộc nói.
Vẫn theo lãnh đạo VCCI, hàng hóa được nhập khẩu nguyên đai, nguyên kiện từ nước khác, nhưng sau đó cho dán nhãn “made in Vietnam” thì chắc chắn đó là sự không trung thực và lừa dối người tiêu dùng, cố tình gây nhầm lẫn, đi ngược với xu thế phát triển của nền kinh tế VN.
“Về các quy phạm pháp luật liên quan tới vấn đề này, tôi nhận thấy còn không ít “khe hở” dễ bị lợi dụng và đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý, các đơn vị, DN và sự chung tay của người tiêu dùng”, ông Lộc đề nghị.
Gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ cũng có nguyên nhân quan trọng từ lỗ hổng của luật. Thực tế, từ vụ Asanzo cho thấy sai phạm do động cơ vụ lợi của công ty này, nhưng cũng có rất nhiều quy định còn thiếu, hoặc nếu có thì không rõ ràng.
Đề nghị sửa đổi một số quy định
Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết đang đề nghị Bộ Công thương tham mưu trình Chính phủ sửa đổi quy định tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP và sửa đổi Thông tư 05/2018/TT-BCT về xuất xứ hàng hóa để có thể đưa ra các quy định về quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất tại VN được lưu thông tại thị trường trong nước, ngoài quy tắc về xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đồng thời, kiến nghị Bộ KH-CN tham mưu trình Chính phủ sửa đổi quy định về ghi nhãn hàng hóa tại Nghị định 31/2017/NĐ-CP, nhất là ghi nhãn phụ để tránh tình trạng DN lợi dụng khi nhập khẩu ghi nhãn chưa đầy đủ và được phép dán nhãn phụ trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông.
Nếu không kiểm soát chặt vấn đề này có thể DN sẽ thay đổi thông tin về xuất xứ, về hạn sử dụng… để đánh lừa và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.