Print Thứ Ba, 27/08/2019 16:36

Tính đến tháng 8/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại gần 7.000 xã thuộc gần 600 huyện của 62/63 tỉnh, thành phố khiến tổng số lợn phải tiêu hủy lên trên 4 triệu con. Tình hình trên dẫn đến nguy cơ thiếu hụt thịt vào thời điểm cuối năm, nhất là dịp Tết âm lịch 2020 khi nhu cầu của người dân về loại thực phẩm này tăng đột biến…

Thời điểm đầu năm 2019, số đầu lợn trên cả nước đạt khoảng 27 triệu con, đứng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ 2 châu Á. Đồng thời thuộc top 15 nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Trước đó, tốc độ tăng trưởng đàn lợn giai đoạn 2015 – 2018 bình quân đạt 0,91%/năm. Nhiền cơ sở chăn nuôi đang buộc chuyển dịch từ quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung và hình thành chuỗi giá trị chăn nuôi…

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu thịt lợn dịp cuối năm 

Cụ thể, theo Tổng cục thống kê, chăn nuôi lợn trong tháng Bảy tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước và lây lan sang các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn. Tính đến ngày 22/7/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.016 xã thuộc 558 huyện của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tính đến tháng Bảy, đàn lợn giảm 16%.

Đến ngày 23-8, thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Theo ước tính ở các địa phương đang có ổ dịch, đã có khoảng 4 triệu con lợn phải tiêu hủy. Bên cạnh đó, giá lợn giống trên thị trường cả nước cũng tăng đáng kể, hiện giá lợn con miền Bắc đang ở mức cao, từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/con. Tuy nhiên nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn vì lo tiềm ẩn rủi ro nhiễm bệnh trở lại trong khi chi phí chăn nuôi cao.

Tại Hải Phòng, theo Cục Thống kê thành phố, tính đến 17h ngày 25/7/2019, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 18.899 hộ, thuộc 13 huyện, quận: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Cát Hải, Dương Kinh, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Hồng Bàng và Lê Chân. Số lợn tiêu hủy 178.824 con (31.300 con lợn nái, 432 con lợn đực giống, 94.312 con lợn thịt, 52.780 con lợn con); trọng lượng 9.540,98 tấn. Dịch cũng đã xâm nhập vào 12 trang trại chăn nuôi có quy mô hơn 300 con; 376 gia trại chăn nuôi có quy mô từ 50 – 300 con; 18.511 hộ chăn nuôi có quy mô dưới 50 con.

Tổng đàn lợn toàn thành vẫn đang trong đà giảm nhanh, giảm mạnh do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch. Ước tính đến trung tuần tháng 7 trên địa bàn thành phố đàn lợn hiện còn 112,17 nghìn con, giảm 73,05% so cùng kỳ năm trước. Dự báo trong thời gian tới đàn lợn sẽ tiếp tục giảm do người chăn nuôi không thể tái đàn trong thời gian dịch bệnh còn tiếp diễn, bên cạnh đó một số hộ chăn nuôi quy mô lớn (trang trại) cũng tạm thời ngừng tái đàn hoặc giảm quy mô nuôi so với trước đây…

Chính do số lượng lợn bị tiêu hủy quá lớn khiến nguồn cung thịt lợn sụt giảm, dẫn tới giá lợn hơi trong nước tăng mạnh. Cụ thể, theo thông tin khảo sát từ Bộ Công Thương, trong tháng 8, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành phố đã tăng lên từ 2.000 – 5.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 7.

Cũng theo dự báo của Bộ Công Thương, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm còn tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, khi nhiều hộ chăn nuôi, trang trại đang thận trọng, không tái đàn vì lo ngại có dịch bệnh trở lại. Theo quy luật cung cầu, giá lợn thịt tại Việt Nam được sẽ tăng mạnh từ cuối tháng 8, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán do nguồn cung thịt lợn giảm do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi. Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt lợn.

Tuy nhiên, mức biến động của nhu cầu thịt lợn trong nước sẽ không ảnh hưởng quá nghiêm trọng nhờ sản lượng gia cầm, nhất là thịt gà ở trong nước vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng khá cao. Từ đầu năm đến nay, nhiều trại nuôi nhỏ lẻ bỏ đàn chuyển sang chăn nuôi gia cầm, trong đó, chủ yếu chuyển sang nuôi vịt theo hướng công nghiệp do nhu cầu tiêu thụ loại thịt này tốt nên giá ổn định ở mức khá cao.

Ngoài ra, mặt hàng gà ta thả vườn cũng được đầu tư nhiều, dần chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn cả chục ngàn con. Trong đó, nguồn cung các sản phẩm gia cầm trên địa bàn các tỉnh phía Nam khá dồi dào. Hiện, giá gia cầm vẫn khá ổn định so với những tháng đầu năm. Người chăn nuôi gia cầm được hưởng lợi bởi nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt gia cầm thay thế thịt lợn.

Bùi Hạnh (tổng hợp)

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nguy cơ thiếu thịt lợn cuối năm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác