Nắm giữ bí quyết làm gốm da chu trứ danh, nghệ nhân Đặng Trần Hiền ở Hải Phòng đang lo nghề của cha ông để lại sẽ bị thất truyền, bởi ông vẫn chưa tìm được người có đủ tâm huyết để trao truyền.
Dòng gốm độc đáo ở đất cảng
Trong khoảng sân nhỏ rợp bóng cây, nghệ nhân Đặng Trần Hiền (59 tuổi, ở số 5/40 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) chăm chú tỉa tót pho tượng bán thân đang đắp dở. Sau lưng ông Hiền là một tủ kính đựng đầy đồ gốm. Đó là những bộ ấm chén uống trà, lọ đựng trà, lọ hoa, đỉnh đốt trầm với màu đỏ chu sa huyền bí.
Thấy người tìm đến nghe chuyện gốm, ông Hiền mang bộ ấm trà có tên Tây Thi ra pha trà mời khách. “Ấm giống bầu ngực phụ nữ, rất đẹp nên đặt tên là Tây Thi”, ông Hiền vừa dùng hai tay che đi phần quai và vòi ấm vừa nói. Đưa chiếc ấm lên rót nước vào chén, ông Hiền tâm đắc giới thiệu thêm: “Chiếc ấm bình thường thì đã rơi nắp rồi. Ấm Tây Thì thì nắp vẫn đậy chặt lắm”.
Bộ ấm Tây Thi là một trong ít sản phẩm 1 lớp, còn cái làm nên thương hiệu của gốm da chu là những sản phẩm 2 lớp. Trong đó, lớp bên ngoài có tác dụng cách nhiệt được chạm trổ hoa văn rất tinh tế.
Ông Hiền mở tủ kính mang cho tôi xem những bộ ấm chén, lọ hoa, lọ đựng trà 2 lớp. Theo ông, mỗi sản phẩm như thế có giá khoảng 1 triệu đồng. Với khoảng 5 triệu đồng, người mua có thể sở hữu 1 bộ gốm da chu pha trà đầy đủ nhất.
Những người đã dùng gốm da chu mang thương hiệu Đặng Trần Hiền đều nhận xét: “Nước trà pha trong ấm để cả ngày cũng không bị nồng. Hoa cắm trong bình, để nửa tháng vẫn tươi, nước không bị thối. Chè để trong lọ gốm da chu cả năm không bị mốc”.
Lý giải về điều này, ông Hiền cho biết: “Đồ đồ gốm da chu chỉ đơn thuần làm từ đất nên không chứa chất độc hại và công dụng bảo quản rất tốt”.
Dòng gốm da chu được bố ông Hiền là nghệ nhân Đặng Trần Tâm nghiên cứu và phát triển ở Hải Phòng từ những năm 70 của thế kỷ 20. “Thời kỳ bao cấp, xưởng gốm nhà tôi nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. Bố tôi được vinh danh là 1 trong 10 thợ giỏi của cả nước. Đồ gốm da chu bán trong nước và xuất khẩu đi Liên Xô (cũ), Nhật Bản. Năm 1979, nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn còn về thăm xưởng nhà tôi”, ông Hiền nhớ lại thời kỳ hưng thịnh nhất của xưởng làm gốm của gia đình.
Hiện nay, gia đình ông Hiền còn giữ được một cái cốc bằng gốm mà người Nga nhập về để đựng bia hoặc sữa. “Nhiều người hỏi mua cốc này với giá cao nhưng tôi không bán. Đó là kỷ vật rồi”, ông Hiền chia sẻ.
Theo bố lăn lộn với đất với lửa từ nhỏ nên ông Hiền kế thừa được những tinh hoa của nghề làm gốm da chu. Vì nhiều lý do, ông Hiền phải xa nghề làm gốm 15 năm để đi buôn. Năm 2006, ông mới quay về gây dựng lại xưởng gốm mang tên Đặng Trần Hiền để nối nghiệp cha. Mất 2 năm vật lộn, ông Hiền cho ra mẻ gốm da chu như bố ông đã từng sản xuất.
Khôi phục thành công dòng gốm lừng danh của gia đình khiến ông Hiền càng hăng say hơn với nghề. Nhiều giải thưởng danh giá đã đánh dấu sự trở lại của gốm da chu như giải ba Giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm Golden-V năm 2006, giải khuyến khích tại triển lãm – hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hải Phòng năm 2007, cúp vàng tại triển lãm – hội thi mỹ thuật ứng dụng vùng duyên hải phía Bắc năm 2011. Đến năm 2016, ông Hiền được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Nỗi lo thất truyền
Đầy tài năng và thừa tâm huyết nhưng nhiều năm qua, ông Đặng Trần Hiền cũng chỉ đủ sức duy trì xưởng gốm da chu hoạt động ở mức độ rất vừa phải. Trung bình 6 tháng ông Hiền mới nổi lửa nung 1 mẻ gốm. Hàng sản xuất được bán khá cầm chừng vì ông Hiền không quảng cáo hoặc đưa ra các cửa hàng để giới thiệu. Để tiếp tục sống với nghề gia truyền, ông Hiền nhận làm thêm tượng, phù điêu, bonsai…
Cách đây vài năm, ông Hiền được một tổ chức nước ngoài tài trợ 1 tỉ đồng để về Bắc Ninh (quê gốc ông Hiền) dạy nghề gốm. Thế nhưng, cả trăm người trong lớp truyền nghề đó không có ai theo được ông Hiền để tiếp tục cuộc hành trình với gốm da chu.
“Nghĩ buồn lắm nhưng một mình tôi thì không đủ sức và lực để đưa gốm da chu về thời hoàng kim. Xưởng gốm, lò nung ở giữa khu dân cư. Mỗi lần đốt lò thì sợ gây ô nhiễm. Sản phẩm thì làm hoàn toàn bằng thủ công, nếu nhận đơn có số lượng lớn thì một mình tôi không kham được. Con cháu không ai đủ kiên nhẫn và niềm say mê để theo nghề. Tôi mong tìm được ai đó thật sự đủ tâm huyết, tài năng để truyền nghề mà chưa được”, ông Hiền nói.
Sau những lần trò chuyện đầy tự hào về dòng gốm da chu độc đáo, ông Hiền lại lặng người đi, lo nghề của gia đình sẽ thất truyền.
Đánh giá về gốm da chu Đặng Trần Hiền, ông Nguyễn Công Hường, Chủ tịch Hội Nghệ nhân – Thợ giỏi Hải Phòng, cho biết: “Gốm da chu do ông Hiền kế thừa của bố là sản phẩm chất lượng cao, tiêu biểu của ngành thủ công thành phố Hải Phòng. Các sản phẩm gốm này có nguyên liệu sách, tinh tế, tỉ mỉ trong từng đường nét. Mỗi khi được cử đi dự hội chợ, hội thảo, triển lãm, đồ gốm của ông Hiền đều có giải cao”.