Nguy cơ phế liệu tràn vào thị trường trong nước

Năm 2019, một số nước cắt giảm phần lớn danh mục phế liệu (PL) được phép nhập khẩu, khiến nguy cơ phế liệu tràn vào Việt Nam ngày càng lớn. Những diễn biến phức tạp vừa qua cho thấy, cần tiếp tục có các biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong kiểm soát mặt hàng này.

Lực lượng chức năng kiểm tra các công-ten-nơ phế liệu nhựa và giấy tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Buộc tái xuất phế liệu tồn đọng

Năm 2018, hoạt động nhập khẩu PL vào Việt Nam diễn biến rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp (DN) lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách để nhập khẩu số lượng lớn PL không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường vào Việt Nam; sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, chủ yếu là phân loại, sơ chế, tái chế ra nguyên liệu bán thành phẩm; không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn (nước thải, khí thải) gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, một số DN nhập khẩu PL rồi bán lại cho các DN nhỏ lẻ khác để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế, làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 9.254.300 tấn PL, tăng hơn 1.308.100 tấn so năm 2017 (7.946.200 tấn).

Trước tình hình nêu trên, Chính phủ đã ra nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ PL nhập khẩu. Trong đó, Chỉ thị số 27/CT-TTg (ngày 17-9-2018) của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng PL nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, nêu rõ: không cấp phép cho các cơ sở sản xuất nhập khẩu PL về chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng PL nhập khẩu không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu PL để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi đưa chất thải, PL gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với mặt hàng PL và các mặt hàng có đặc trưng là PL nhập khẩu. Triển khai thành công biện pháp kiểm soát, ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ xuống cảng đối với hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, kiểm soát các điều kiện về chứng từ nhập khẩu trước khi lô hàng PL được phép hạ xuống cảng như: Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu PL, Giấy xác nhận ký quỹ thông qua thông tin khai báo trên hệ thống manifest. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo đánh giá tình hình xuất, nhập khẩu PL của hơn 250 DN, qua đó xác định 44 DN có dấu hiệu nghi vấn gian lận về sửa chữa, làm giả hồ sơ, nhập vượt số lượng được cấp phép…

Tính đến cuối tháng 12-2018, còn 18.861 công-ten-nơ PL đang lưu giữ tại các cảng trong cả nước. Ðối với 9.295 công-ten-nơ tồn đọng hơn 90 ngày, cơ quan hải quan tiếp tục thực hiện thủ tục thông báo tìm chủ hàng theo quy định và đã có hơn ba nghìn công-ten-nơ quá hạn thông báo nhưng chưa có người đến nhận và được xác định là hàng hóa tồn đọng. Ðối với các lô hàng tồn đọng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan xử lý dứt điểm, kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ðể tháo gỡ khó khăn cho DN và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các lô hàng PL còn lại, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP (ngày 3-2-2019) và Văn bản số 1036/VPCP-TH (ngày 1-2-2019) về việc thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng PL nhập khẩu, giao: Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng PL nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14-9-2018 của Bộ về ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với PL nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, hoàn thành trước ngày 15-2-2019.

Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung hai thông tư nêu trên. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã có điện khẩn số 09/GSQL ngày 17-2-2019, yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố căn cứ kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định độc lập (được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định) xác định PL nhập khẩu đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan theo quy định, không yêu cầu DN phải nộp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng PL nhập khẩu của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng PL nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng phần mềm quản lý PL nhập khẩu nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ DN nhập khẩu xác định được số lượng PL còn được phép nhập khẩu để chủ động trong kinh doanh và cơ quan hải quan có cơ sở để thực hiện theo dõi trừ lùi PL nhập khẩu. Theo đó, cơ quan hải quan, DN kinh doanh cảng và DN nhập khẩu PL có thể quản lý PL nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với PL không đáp ứng điều kiện quy định.

Chặn phế liệu “bẩn”

Sáu tháng đầu năm 2018, lượng PL nhựa nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến với hơn 274,7 nghìn tấn, tăng hơn 200% so cùng kỳ năm 2017. Nếu năm 2017, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về nhập khẩu PL nhựa (sau Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc) và Ma-lai-xi-a), thì đến năm 2018, sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại PL, lượng PL nhựa nhập khẩu vào Trung Quốc và Hồng Công đã giảm hơn 90% so năm 2017, đồng nghĩa với việc Việt Nam đứng thứ hai trong danh sách nhập PL nhựa nhiều nhất thế giới, chỉ sau Ma-lai-xi-a. Tuy nhiên, từ tháng 7-2018, khi Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra thực tế thì lượng PL nhựa nhập khẩu về Việt Nam đã giảm rõ rệt. Các DN có xu hướng chỉ nhập PL sạch, đáp ứng các điều kiện quy định và chỉ nhập đủ số lượng để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất theo công suất hoạt động của các nhà máy. Cụ thể, sáu tháng cuối năm 2018, tổng lượng PL nhựa nhập khẩu về Việt Nam là 107,1 nghìn tấn, giảm hơn 250% so sáu tháng đầu năm và bằng 42% so cùng kỳ năm 2017 (253,1 nghìn tấn).

Ðại diện Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan) cho biết, hiện nay, trung bình mỗi tuần có hơn 2.000 công-ten-nơ PL nhập khẩu vào Việt Nam và đều được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan. Như vậy, có thể thấy khi cơ quan hải quan tăng cường công tác quản lý PL nhập khẩu và triển khai các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, PL không đủ điều kiện nhập khẩu, thì các DN đã chủ động tuân thủ theo quy định. Không còn xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải, PL không đáp ứng các quy định sau đó từ bỏ, gây tồn đọng tại cảng biển như trước. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung tám chủng loại PL vào danh sách cấm nhập khẩu, Ma-lai-xi-a cũng cắt giảm hầu hết danh mục PL được phép nhập khẩu. Cho nên, thời gian tới, dự báo PL tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng nhập khẩu, đồng thời xuất hiện các dấu hiệu, thủ đoạn buôn lậu qua các tuyến đường vận chuyển.

Trước xu hướng nêu trên, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai hiệu quả Chỉ thị 27/CT-TTg; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu PL giữa các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, UBND các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thu thập thông tin, áp dụng quản lý rủi ro để chủ động đấu tranh phòng ngừa ngăn chặn các thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại như: vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, khai gian về số lượng, sử dụng giấy tờ giả, khai sai tên hàng, thông đồng với công chức hải quan và tổ chức chứng nhận sự phù hợp để gian lận về kết quả kiểm tra quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với PL nhập khẩu.

VĨNH KHANG

Nguồn. Báo Nhân dân

 

 

Nguồn tin: Báo Nhân dân

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More