Print Thứ Sáu, 28/02/2020 17:18 Gốc

Nguồn nước ngọt của thành phố chủ yếu được khai thác từ 6 con sông làRế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương, kênh Hòn Ngọc và hệ thống trung thuỷ nông Tiên Lãng. Với lưu lượng khoảng 78 triệu m3, hệ thống sông, kênh kể trên đang cung cấp đủ nước ngọt cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân thành phố.

Những cửa xả như thế này sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao ô nhiễm nguồn nước ngọt thành phố.

Tuy nhiên, vào một số thời điểm trong năm, sông Rế – con sông đang cung cấp phần lớn lượng nước thô phục vụ sản xuất nước sạch – xuất hiện tình trạng thiếu nước do hoạt động trữ nước đầu nguồn của tỉnh Hải Dương trên thượng lưu hệ thống thủy lợi An Kim Hải để sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sông Giá, sông Đa Độ cũng đang có hiện tượng bị xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu đang diễn biến rất phức tạp trong thời gian qua.

Theo số liệu về các chỉ tiêu phân tích, giám sát chất lượng nước ngọt cho thấy cơ bản chất lượng nước tại các nguồn nước ngọt vẫn đang đảm bảo theo quy chuẩn việt nam về nước mặt – QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Tuy nhiên, trong các năm gần đây nguồn nước ngọt tại một số điểm trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng tình trạng ô nhiễm, đặc biệt như năm 2018, 2019 thì chỉ tiêu như Mangan, Nitrit, các chất hữu cơ, Amoni, dầu mỡ và coliform đều tăng cao, vượt quy chuẩn cho phép về chất lượng nước mặt.

Sông Đa Độ gần đây đã có dấu hiệu nhiễm mặn.

Đại diện của các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn thành phố đều có chung nhận định: Nguồn gây nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các nguồn nước ngọt là từ các điểm xả thải của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và từ các khu dân cư, bệnh viện.

Đối với hoạt động sản xuất công nghiệp, hiện 9/9 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn thành phố đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và 8/9 KCN đã được cấp phép xả thải. Song, cũng còn không ít doanh nghiệp nằm rải rác tại các địa phương có tuyến sông, kênh nước ngọt đi qua.

Qua khảo sát của ngành chức năng, trên địa bàn thành phố hiện có 467 doanh nghiệp xả nước thải vào nguồn nước ngọt của thành phố – là hệ thống công trình thủy lợi-thuộc đối tượng phải xin cấp giấy phép xả nước thải theo quy định của Luật Thủy lợi. Đến nay, Sở NN&PTNT cấp được 98 giấy.

Bên cạnh đó, đối với các cụm công nghiệp, có 44 doanh nghiệp nằm trong hai cụm công nghiệp (CCN) có Ban quản lýlà Vĩnh Niệm với 30 doanh nghiệp đang hoạt động và Tân Liên với 14 doanh nghiệp đang hoạt động thì chỉ có CCN Tân Liên xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chưa được cấp giấy phép xả nước thải. Các cụm công nghiệp còn lại như Đông Hải, Lãm Hà, Tú Sơn, Vạn Sơn, Bắc Sơn, Quán Toan, An Đồng, Lại Xuân…đều chưa được xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung?!

Nguồn ô nhiễm tiềm ẩn nữa là từ các làng nghề. Theo thống kê trên địa bàn thành phố có 39 làng nghề với nhiều loại hình nghề khác nhau, hầu hết các làng nghề sản xuất với quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phân tán trên địa bàn rộng,điều kiện hạ tầng còn thiếu thốn, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, trình độ lao động hạn chế.

Chưa hết, phần lớn các làng nghềđều chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và cũng chưa thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Hiện, chỉ có làng nghề Tràng Minh đã xây dựng hệ thống công trình xử lý nước thải, đang thực hiện các thủ tục bàn giao. Tiếp đến, đối với làng nghề Mỹ Đồng, huyện Thuỷ Nguyên đang hoàn thiện hồ sơ gửi các ngành chức năng thẩm định để trình UBND thành phố phê duyệt lại.

Xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung sẽ hạn chế nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngọt.

Thời gian qua, các ngành, địa phương đã vào cuộc để bảo vệ nguồn nước ngọt của thành phố, song cần quyết liệt hơn nữa. Đáng lo ngại là trong năm 2019 vừa qua, vụ việc đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà, rồi gần hơn là đổ trộm dầu thải, hoá chất xuống kênh Hoà Bình, thuộc quận Dương Kinh, mương tưới tiêu thuộc huyện Vĩnh Bảo đã khiến người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước ngọt của thành phố, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND thành phố những giải pháp trước mắt và lâu dài. Cụ thể, đề nghị UBND thành phố giao các Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tăng cường biện pháp điều tiết, thau đảo nước thường xuyên các nguồn nước cấp cho các nhà máy nước trên toàn địa bàn thành phố, đồng thời có biện pháp ngăn chặn nước thải từ các kênh nhánh đổ vào sông Giá, Rế, Đa độ.

Tiếp đến, đề xuất UBND thành phố cho phép đấu nối nước thải của CCNVĩnh Niệm vào Trạm xử lý nước thải Vĩnh Niệm (công suất 36.000m3/ngày đêm) để xử lý; đôn đốc Ban quản lý CCNTân Liên cải tạo hệ thống xử lý nước thải, nâng tiêu chuẩn nước thải sau xử lý đạt Cột A, lập hồ sơ xin cấp giấy phép theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đoàn liên ngành rà soát, kiểm tra các cơ sở khai thác, xả nước thải vào nguồn nước ngọt của thành phố; thẩm tra các hồ sơ xả nước thải vào công trình thủy lợi, phấn đấu đến năm 2020 các ngành sẽ thẩm định, tham mưu UBND thành phố  cấp được 80% số giấy phép cần phải cấp.

Kim Oanh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngọt, không thể xem thường
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác