Ngày 10/12, trên địa bàn phường Nam Sơn (quận Kiến An) xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng cỗ cưới tại một hộ dân. Vụ việc thêm hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) từ dịch vụ nấu cỗ di động đang nở rộ trên địa bàn thành phố hiện nay.
Bài học kinh nghiệm từ sự chủ quan
Sau 4 ngày kể từ khi xảy ra vụ việc khiến một số khách mời sau khi ăn cỗ cưới con gái của mình bị ngộ độc thực phẩm, anh Đặng Văn Đại, ở Tổ dân phố Lệ Tảo 1, phường Nam Sơn (quận Kiến An) vẫn khá lo lắng. “Ngoài 12 người có triệu chứng đau bụng, đến bệnh viện hoặc trạm y tế cấp cứu, chúng tôi cũng thông báo trên facebook, gọi điện hỏi thăm và thông báo những ai có biểu hiện đau bụng thì liên hệ với gia đình để thống kê, báo cáo cơ quan chức năng“, anh Đại cho biết.
Được biết, để chuẩn bị cho đám cưới của con gái vào ngày 10/12, trước đó ngày 21/11, qua người quen giới thiệu, gia đình anh Đại ký hợp đồng đặt cỗ (viết tay) với bà Nguyễn Hiền Phương, ở xã Đồng Thái (huyện An Dương) 80 mâm cỗ. Đáng nói, sau khi tiệc tan, gia đình anh Đại có tiếp nhận thông tin một số khách mời rỉ tai nhau về việc cảm giác các món ăn bị ôi thiu, cụ thể như món dê tái chanh như cỗ tồn; mâm cỗ không đầy đặn. Tiếp nhận thông tin, gia đình nhà đám lập tức lưu các mẫu thức ăn.
Đến đêm 10/12, gia đình anh Đại nhận được tin từ khách dự đám cưới cho biết đang phải đi cấp cứu tại Bệnh viện và Trung tâm Y tế Kiến An với các biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm. Nhiều người khác không đến cơ sở y tế mà mua thuốc đau bụng hoặc tự gọi người đến truyền nước tại nhà. “Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi có liên hệ với cơ sở nấu cỗ nhưng người này chối, bảo cỗ đạt chất lượng và hẹn 5-7 ngày sau đến gặp nói chuyện. Sự việc đáng tiếc xảy ra có khách mời thông cảm nhưng cũng có người chê trách, cho rằng gia đình tôi đặt cỗ cưới kém chất lượng để thu tiền“, anh Đại tiếc nuối.
Phối hợp quản lý chặt chẽ hơn
Thông tin về sự việc đáng tiếc xảy ra trên địa bàn, Phó chủ tịch UBND phường Nam Sơn (quận Kiến An) Phạm Thị Tho cho biết: Sau khi nhận được thông tin của Tổ dân phố và phản ánh của người dân, chính quyền địa phương giao cán bộ Trạm y tế báo cáo, xin ý kiến Trung tâm và Phòng Y tế quận; thành lập Đoàn công tác gồm đại diện UBND phường, Trạm Y tế, Công an và cán bộ văn hóa phường, cán bộ Trung tâm Y tế quận Kiến An xuống rà soát, nắm thông tin ban đầu, yêu cầu gia đình anh Đại thông tin tới khách mời, phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin để điều tra lại sự việc. Đồng thời, giao lực lượng Y tế, Công an phường tiếp tục phối hợp cán bộ tổ dân phố tiến hành điều tra, giám sát các nội dung liên quan. Đại diện Công an phường Nam Sơn cho biết, qua xác minh điều tra, người nấu cỗ khai nhận cơ sở nấu cỗ di động tự phát, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ. Còn theo Trung tâm Y tế quận Kiến An, những người có biểu hiện bị ngộ độc được khám, điều trị tích cực và đã ra viện. Hiện trung tâm gửi mẫu thức ăn tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố để xét nghiệm và đang đợi kết quả.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, nấu cỗ di động phục vụ các đám hiếu, hỉ, sự kiện trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Theo thống kê của phòng y tế các quận, huyện gửi về Sở Y tế, tính đến tháng 8/2023, trên địa bàn thành phố có khoảng 200 cơ sở dịch vụ nấu cỗ di động, quy mô từ 100 đến 200 suất ăn, thậm chí lên tới 1.000 suất/ngày. Tuy nhiên, loại hình kinh doanh dịch vụ này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP.
Thực trạng kể trên đòi hỏi ngành Y tế cần phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương quản lý chặt chẽ, triển khai đồng bộ giải pháp bảo đảm ATTP, phòng ngừa nguy cơ ngộ độc hàng loạt đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống này. Trong đó, chú trọng rà soát, thống kê các cơ sở dịch vụ nấu cỗ di động trên địa bàn; nắm chắc số lượng, quy mô cơ sở trên địa bàn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng như người dân. Vì đây là loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống có điều kiện, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao nên phải tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Mặt khác, các địa phương cùng với các cơ quan chuyên môn triển khai các biện pháp quản lý ATTP theo phân cấp; kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP đối với hoạt động sự kiện có sử dụng dịch vụ nấu cỗ di động…
Bài và Ảnh: Việt Hoàng