Ngày 22/1 vừa qua, tổ hợp tòa nhà SHP trên đường Lạch Tray bất ngờ cháy lớn tại tầng 26. Vụ cháy xảy ra vào ban ngày, nên nhanh chóng được người dân phát hiện và lực lượng chức năng chữa cháy kịp thời, không để xảy ra thiệt hại về người. Tuy nhiên, vụ việc thêm một lần nữa cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại công trình đang xây dựng.
Hiện trường vụ cháy tại tổ hợp tòa nhà SHP trên đường Lạch Tray (quận Ngô Quyền).
Cháy ngay trong quá trình xây dựng
Thực tế, do chưa hoàn thiện về cơ sở vật chất, chưa có lực lượng chữa cháy tại chỗ nên “giặc lửa” luôn rình rập tại những công trình xây dựng nhà nhiều tầng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn chủ quan, cho rằng nguy cơ cháy chỉ thường xảy ra ở công trình đã hoàn thiện.
Vụ cháy tại tổ hợp tòa nhà SHP cho thấy, cháy, nổ có thể xảy ra ngay trong quá trình công trình đang xây dựng, nhất là giai đoạn hoàn thiện công trình. Vào thời điểm này, nhiều loại vật liệu dễ cháy được tập kết tại công trường, như ván gỗ, sơn, dung môi, cáp điện, thùng cát-tông đựng dụng cụ nội thất tòa nhà… Những vật liệu này không có kho chứa riêng biệt, được nhà thầu thi công tập kết tại bất kỳ khu vực trống nào trong tòa nhà.
Trong khi đó, ý thức cảnh giác với “giặc lửa” của người lao động tại các công trường hạn chế, nhất là khi sử dụng các thiết bị điện, máy hàn, cắt kim loại. Tại nhiều công trường, dễ dàng tìm thấy hình ảnh dây điện, ổ cắm điện nằm lăn lóc dưới nền đất ẩm ướt. Chỉ một sự cố rò điện, chập điện hay bụi hàn bắn ra có thể nhanh chóng dẫn tới những sự cố cháy, nổ.
Xây dựng đội chữa cháy tại công trường xây dựng
Theo quy định, các công trình nhà nhiều tầng đều phải có thiết kế PCCC được cơ quan chức năng phê duyệt. Tuy nhiên, công tác thẩm định chỉ được thực hiện trước khi công trình được chính thức đưa vào khai thác. Việc ngăn ngừa cháy nổ tại các công trình trong quá trình xây dựng là trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị thi công. Trung tá Lê Nguyên Việt, Trưởng phòng Tham mưu Cảnh sát PCCC thành phố cho biết: Để bảo đảm an toàn PCCC tại các công trường thi công, chủ đầu tư và đơn vị thi công cần tính toán kỹ các yếu tố nguy cơ cháy nổ trong quá trình xây dựng, nhất là các yếu tố liên quan đến điện, tập kết vật liệu dễ gây cháy, thiết bị có sử dụng các loại khí có thể gây nổ. Qua đó, đơn vị thi công xây dựng phương án chữa cháy phù hợp gồm số lượng thiết bị chữa cháy, vị trí đặt dụng cụ chữa cháy, phương án thoát nạn, phương án thông gió tại khu vực tập kết sơn và các loại dung môi…
Các công trình xây dựng nhà nhiều tầng sử dụng số lượng lớn công nhân và thường xuyên biến động về nhân công. Nhiều lao động làm việc theo cơ chế mùa vụ dẫn tới kiến thức phòng, chống cháy nổ hạn chế. Bản thân người lao động không nhận biết hết các yếu tố nguy cơ. Do đó, để bảo đảm an toàn PCCC tại công trình xây dựng, chủ đầu tư và đơn vị thi công nên thành lập đội chữa cháy cơ sở với thành viên là cán bộ, công nhân cơ hữu của đơn vị. Đây vừa là lực lượng PCCC tại chỗ trên công trường, vừa truyền đạt, cập nhật kỹ năng chữa cháy cho công nhân mới. Trong đó, công tác tập huấn kỹ năng an toàn lao động, PCCC cần lưu ý tới người lao động cẩn trọng trong quá trình sử dụng các thiết bị phát sinh tia lửa điện, nguồn nhiệt, nguồn lửa; thực hiện nghiêm nguyên tắc dọn sạch các vật liệu có khả năng bắt lửa cao trong suốt quá trình làm việc.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cháy nổ nói riêng, an toàn lao động nói chung, thanh tra các ngành xây dựng, lao động, PCCC cần duy trì kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công chấp hành đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn không để xảy ra sự cố cháy nổ.
Minh An – Báo Hải Phòng 29/1/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More