Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” với mục tiêu nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Một trong những giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện thành công Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” là huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia. Trước yêu cầu này, Ngân hàng Chính sách xã hội Hải Phòng đã tập trung, đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay để tổ chức sản xuất, giúp các sản phẩm đặc sản của Hải Phòng vươn mạnh ra các thị trường trong và ngoài nước.
Theo Quyết định số 144 của UBND TP về việc công nhận sản phẩm OCOP TP Hải Phòng năm 2019, toàn thành phố có 12 sản phẩm OCOP (1 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao). Trong đó, Cá kho Làng Chài của Công ty TNHH Thực phẩm Sovi là sản phẩm duy nhất của Hải Phòng đạt OCOP 4 sao tính đến thời điểm này.
Chọn khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là càng mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ càng cần nhiều vốn đề đầu tư cho nguyên liệu, máy móc và lao động. Bởi vậy, với việc được vay 100 triệu vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hải Phòng có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Theo ông Lê Tiến Việt, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Sovi, ở nhiều địa phương trên cá nước đều có cá mòi nhưng con cá mòi được chế biến ở Kiến Thụy có những hương vị đặc trưng riêng không nơi nào có mặt tại nhiều trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên cả nước cũng như được nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ưa chuộng.
Hiện mỗi ngày công ty xuất từ 2.000-3.000 sản phẩm, nguồn lực vốn vay của NHCSXH, cơ sở không những chuyển địa điểm mở rộng sản xuất mà còn đa dạng hóa sản phẩm, thể hiện không chỉ có sản phẩm cá mòi kho nhừ mà còn có cá diếc kho vị thuốc Làng Chài, Cá mòi viên sườn sụn sốt cà Làng Chài, pate cá mòi, chả cá mòi làng chài…Qua đó giúp công ty ngày càng mở rộng thị trường, quy mô sản xuất đồng thời còn giải quyết cho hàng chục lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Gia đình ông Hoàng Văn Mè, chủ cơ sở sản xuất trứng vịt Chấn Hưng, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, là một trong những hộ dân đi khai hoang lập ấp và làm nghề nuôi vịt lấy trứng tại khu vực Chấn Hưng, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng. Ông Mè cho biết: Vùng này do thổ nhưỡng tự nhiên mà trứng vịt ngon hơn hẳn những nơi khác. Quả trứng vịt Tây Hưng to, lòng đỏ lớn, ăn có vị thơm, bùi đặc trưng. Đây cũng là một sản phẩm OCOP 3 sao của Hải Phòng đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Từ khi có nhãn hiệu tập thể, trứng vịt Chấn Hưng sản xuất ra đến đâu, bán hết đến đó và xuất hiện trên kệ của các siêu thị không chỉ ở Hải Phòng mà cả các tỉnh, thành khác trong cả nước. Đặc biệt, nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp hộ sản xuất đầu tư mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cũng nhờ 50 triệu vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kiến Thụy, hộ gia đình anh Phạm Văn Phác, thôn Lạng Côn, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, thêm nguồn lực để mở rộng nghề làm bánh đa truyền thống của cha ông. Nhờ đầu tư phương tiện máy móc sản xuất, mỗi ngày gia đình anh xuất khoảng 5.000 bánh, thu nhận 4 lao động địa phương. Các sản phẩm bánh đa của gia đình anh đã có mặt tại các tỉnh thành phía Bắc, theo chân thương lái đến tận cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh để xuất sang Trung Quốc.
Theo Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Hải Phòng Nguyễn Ngọc Sơn, từ năm 2019, để nâng cao hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm, chi nhánh đã tập trung chỉ đạo các phòng giao dịch cho vay phải bảo đảm yêu cầu giải quyết việc làm cho nhiều lao động, gắn với định hướng chuyển dịch cơ cấu mô hình vật nuôi, cây trồng, với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt trong đó có chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đến nay, nhiều cơ sở, hộ sản xuất của nhiều địa phương trong thành phố từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã đầu tư phát triển hàng chục loại nông sản đặc trưng địa phương như na, chuối Liên Khê (huyện Thủy Nguyên); táo Bàng La (quận Đồ Sơn); đào, cây cảnh (huyện An Dương); nghề mộc (quận Kiến An), bánh đa Lạng Côn, cá mòi Kiến Thụy… với dư nợ cho vay hơn 14 tỷ, thu hút tạo việc làm mới được 252 lao động.
Ông Sơn cho biết thêm, hiện nguồn vốn cho vay phát triển chương trình OCOP từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Nguồn vốn này bao gồm vốn trung ương và vốn tại địa phương. Địa phương trích ngân sách ủy thác vốn càng nhiều, NHCSXH sẽ đối ứng vốn với mức tương đương hoặc cao hơn. Tuy nhiên, nguồn vốn vay này của thành phố những năm qua chưa thực sự cao.
Bên cạnh đó, theo quy định, mức cho vay chương trình này tối đa lên tới 2 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và 100 triệu đồng đối với người lao động. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện chưa có cơ sở hoặc hộ dân nào tiếp cận mức vay tối đa này do liên quan đến tài sản bảo đảm. Chính vì vậy, thời gian qua, bên cạnh tiếp tục tham mưu, đề xuất HĐND, UBND và cấp ủy chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện tiếp tục trích ngân sách ủy thác cho ngân hàng thì đơn vị cũng đã có nhiều giải pháp khắc phục vướng mắc thông qua việc tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng đẩy mạnh phối hợp với các sở ngành, chính quyền địa phương và hội đoàn thể nhận ủy thác tăng cường tư vấn, lồng ghép hoạt động tín chấp nguồn vốn với các chương trình khuyến nông, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động…
Được biết, Hải Phòng hiện có khoảng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh có sản phẩm đặc trưng. Đến nay có 12 sản phẩm được chứng nhận. Với việc triển khai Chương trình OCOP thông qua các nguồn lực vốn vay khác nhau, trong đó có sự tham gia tích cực của NHCSXH Chi nhánh thành phố đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, nhất là khu vực các làng nghề, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực của các chủ thể, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, phát triển và quảng bá các sản phẩm đặc trưng, giúp cho các sản phẩm đặc sản của Hải Phòng vươn ra nhiều thị trường trong nước và thế giới.
Bùi Hạnh