Sau khi Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực, các địa phương phải đầu tư hạ tầng đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến xử lý rác thải… Còn người vứt rác bừa bãi thì sẽ bị bêu tên và xử phạt.
Coi rác là tài nguyên
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước vào khoảng 60.000 tấn/ngày (rác thải tại các đô thị gần 36.000 tấn/ngày, tại khu vực nông thôn khoảng hơn 28.000 tấn/ngày).
Trong khi đó, hệ thống công trình hạ tầng đô thị và nông thôn chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Công nghệ xử lý rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp và đốt. Trong những năm gần đây ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội.
Nói về vấn đề rác thải hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng cần xác định rác thải, chất thải là một dạng tài nguyên chứ không phải chỉ chôn lấp. Vì thế cần tiến tới mục tiêu cao hơn trước là thu gom và xử lý chứ không phải thải bỏ. Đồng thời, gắn trách nhiệm mỗi hộ gia đình, mỗi cá nhân trong quản lý rác thải của gia đình mình. Như vậy, việc phân loại là yêu cầu bắt buộc, là một tiêu chí đánh giá.
Theo ông Hà, hiện nay rác đang được phân thành 3 loại: Rác hữu cơ, chất thải rắn và rác có thể tái sử dụng. Theo đánh giá, ở nông thôn cơ bản 70% rác thải là hữu cơ, đây cũng là nguồn có thể làm phân bón hết sức quan trọng để bổ sung chất hưu cơ cho đất. Vấn đề hiện nay chỉ còn là đầu tư công nghệ và nâng cao ý thức của người dân, nếu làm làm tốt việc “coi rác là tài nguyên” chắc chắn sẽ giảm ô nhiễm.
Đối với rác thải nguy hại không sử dụng được, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có những quy định để người dân có trách nhiệm thu gom và Nhà nước phải có trách nhiệm đưa chất thải đó đến những nơi đủ điều kiện để xử lý.
“Với những sản phẩm phụ sau khi thu hoạch, chúng ta càng phải xem đó là tài nguyên, chúng ta hoàn toàn có thể thu gom để lại làm nguyên liệu chăn nuôi, trồng nấm… Do đó đòi hỏi sự tham gia của Nhà nước cần cung cấp những hiểu biết về công nghệ, tri thức, đặc biệt là làm sao để người dân nhận thức được cái gì có lợi, cái gì có hại cho chính họ thì sẽ không làm”, ông Hà cho hay.
Nhiều giải pháp buộc phân loại rác tại nguồn
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết, sau khi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi có hiệu lực, các địa phương bắt buộc phải đầu tư hạ tầng đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom đến xử lý rác thải, đồng thời xây dựng cơ chế thu hút công nghệ cao trong xử lý rác thải.
Theo ông Hiền, sắp tới sẽ có nhiều giải pháp lớn được triển khai trong vấn đề xử lý rác thải. Theo đó, thay vì thu phí xử lý rác kiểu “cào bằng” theo hộ hoặc theo đầu người, các địa phương sẽ phải thu phí rác theo khối lượng hoặc thể tích với nguyên tắc càng thải nhiều rác càng phải trả nhiều tiền thông qua việc bán bao bì đựng rác chuyên dụng. Khi đó, nếu người dân phân loại tại nguồn, phần rác tái chế sẽ không bị tính phí mà chỉ tính phần phí rác không tái chế, tạo động lực để phân loại rác tại nguồn. Đây là giải pháp về kinh tế.
Cùng với đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho hay, để tránh tình trạng rác sau khi phân loại xong lại đổ chung một xe, vận chuyển về cùng một bãi, các địa phương phải đầu tư đồng bộ hạ tầng từ phương tiện vận chuyển, hoạch địch tuyến thu gom, các điểm lưu giữ cũng như công nghệ xử lý tương ứng. Đặc biệt, để giám sát việc thực hiện, có nhiều giải pháp giám sát như lắp đặt hệ thống camera ở nhiều nơi. Người vứt rác bừa bãi có thể bị bêu tên trên loa phường hay cuộc họp dân phố.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, tổ dân phố… trong việc cùng nhau giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cùng đó là nâng chế tài xử lý các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác nguồn, thay đổi cách xử phạt, đối tượng có thể xử phạt để quy định có thể đi vào thực tiễn.
Còn theo GS Đặng Kim Chi, chuyên gia về chất thải rắn, phân loại rác là bước một trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho lựa chọn công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phải thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phù hợp với từng loại rác đã được phân loại, như vậy mới có thể đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác.
Ông Nguyễn Thượng Hiền cho biết, Luật lần này tạo một cơ chế đột phá, cách tính đơn giá dịch vụ xử lý rác sẽ theo công nghệ. Khi đầu tư công nghệ hiện đại thì suất đầu tư lớn, giá xử lý phải cao mới lựa chọn được nhà đầu tư, không thể đơn giá công nghệ đốt rác phát điện lại giống như đơn giá chôn lấp.
Thu Trang/Báo Tin tức