Print Thứ bảy, 26/01/2019 17:51

Theo quy định, với mỗi hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, phải xuất hóa đơn. Tuy nhiên, nhiều người bán và người mua lâu nay “bỏ quên” quy định này, không thực hiện. Đây là kẽ hở rất lớn dẫn tới thất thu thuế. Phóng viên Báo Hải Phòng trao đổi với ông Nguyễn Huy Nhặn, Phó cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng về vấn đề này.

– Việc mua, bán không lấy hóa đơn diễn ra phổ biến, ông cho biết điều này ảnh hưởng thế nào tới công tác thu thuế và cả người tiêu dùng?

– Do nhận thức xã hội về vấn đề quản lý, sử dụng hóa đơn chưa thực sự đầy đủ, đúng mức nên phần đông người tiêu dùng Việt Nam mua hàng hóa thường thanh toán bằng tiền mặt và không yêu cầu xuất hóa đơn. Thói quen này vừa đánh mất quyền lợi của người tiêu dùng, vừa tạo kẽ hở để người bán hàng có cơ hội trốn thuế, gián tiếp gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, khi người bán hàng không xuất hóa đơn, cơ quan thuế khó có đủ căn cứ, cơ sở để kiểm tra doanh thu tính thuế. Còn với người mua,  khi không lấy hoá đơn tức là tự đánh mất minh chứng việc giao dịch, vận chuyển và sở hữu hàng hóa hợp pháp của mỗi cá nhân cũng như khi muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các trường hợp có vấn đề về chất lượng hàng hóa hay bảo hành sản phẩm. Nguy hại hơn, vô tình tiếp tay cho người bán trốn thuế và tạo ra lượng hóa đơn chưa sử dụng. Lượng hoá đơn chưa sử dụng này trở thành nguồn lợi lớn để các tổ chức, doanh nghiệp khác lợi dụng mua, bán hóa đơn khống trên thị trường để hợp lý hoá, hạch toán chi phí, khấu trừ thuế GTGT đầu vào; tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa tổ chức, doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và tổ chức, doanh nghiệp gian lận.

Thực tiễn cho thấy, mặc dù có chuyển biến tích cực, nhưng người tiêu dùng thường chỉ lấy và giữ lại hóa đơn mua sắm các hàng hóa, tài sản có giá trị lớn (ô tô, xe máy, nhà đất…) còn phần lớn giao dịch đời sống thường ngày, người tiêu dùng rất ít khi lấy hoá đơn. Đây  là thói quen mà người tiêu dùng cần thay đổi để bảo vệ quyền lợi của mình.

– Trường hợp giá trị mua, bán dưới 200.000 đồng có phải lập hóa đơn không, thưa ông?

– Trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Tuy nhiên, người bán phải lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Cuối mỗi ngày, căn cứ bảng kê bán lẻ, người bán lập  hoá đơn tổng doanh thu, tổng tiền thuế GTGT bán lẻ trong ngày và ghi rõ người mua không lấy hoá đơn (lưu tại quyển)

– Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa ông?

– Nếu không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán;  không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên sẽ bị xử phạt hành chính từ 10- 20 triệu đồng. Nặng hơn, theo Điều 200 Bộ luật Hình sự hợp nhất, hình phạt chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi trốn thuế, ngoài xử phạt bằng tiền sẽ phải chịu mức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm; đình chỉ hoạt động kinh doanh từ 6 tháng đến 3 năm…

 Cán bộ Chi cục Thuế quận Lê Chân hướng dẫn hộ kinh doanh trên địa bàn sử dụng hóa đơn bán hàng.

– Cục Thuế Hải Phòng có khuyến cáo gì về sử dụng hóa đơn?

– Người tiêu dùng nên tạo ý thức sử dụng, lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ để  bảo đảm quyền của mình quy định tại Khoản 2, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng “được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng”.

Cũng như vậy, người bán hàng hóa dịch vụ phải thực hiện trách nhiệm của mình về sử dụng hóa đơn, chứng từ. Khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng”.

Như vậy,  người mua cần lấy hoá đơn để bảo vệ quyền lợi của mình và làm căn cứ chứng minh nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ quyền lợi cho cá nhân trước pháp luật, gia đình khi có tranh chấp, khiếu nại về chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng hoặc xảy ra bất kỳ sự việc bất khả kháng khác.

Ngoài ra, khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn ngân hàng đều phải có tài sản thế chấp (hồ sơ thế chấp phải có hoá đơn chứng minh nguồn gốc tài sản) hoặc vay tín chấp bảng lương (phải có hoá đơn sử dụng các dịch vụ cố định như điện, nước, điện thoại,… để chứng minh). Đây cũng là căn cứ để doanh nghiệp hạch toán chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, khấu trừ thuế GTGT đầu vào (đối với doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ). Mục tiêu cao nhất là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh; các tổ chức, cá nhân đóng góp sòng phẳng, đầy đủ nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước.

Chúng tôi mong người dân khi mua hàng hóa, sử dụng  dịch vụ thì yêu cầu bên bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ xuất hóa đơn, vừa bảo vệ quyền lợi của mình, vừa góp phần ngăn chặn tình trạng cố tình không xuất, không lập hóa đơn nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước. Từ đó, góp phần tăng thu ngân sách thành phố, để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư trở lại các dự án, công trình phúc lợi công cộng và chăm lo đời sống nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thanh thực hiện – Báo Hải Phòng 29/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Người tiêu dùng không lấy hóa đơn: Nhà nước thất thu thuế
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác