Bao lâu nay, người dân làng Sơn Đông, xã Tiên Thắng (Tiên Lãng) vẫn không ngừng truyền tai nhau về tấm gương người phụ nữ giàu nghị lực, kiên cường vượt qua biến cố cuộc đời, “hay lam, hay làm”, mạnh dạn, sáng tạo, nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh vượt lên chính mình để làm giàu chính đáng. Đó là bà Lê Thị Guốt, sinh năm 1964, người làng Sơn Đông, xã Tiên Thắng.
Ngay từ những năm 90 của thể kỷ XX, nhờ bản lĩnh dãm nghĩ, dám làm, bà Guốt được người dân làng trên, xóm dưới trong xã biết đến là một người phụ nữ rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh thuỷ hải sản. Ấy thế nhưng giữa lúc sự nghiệp đang “phất”, công việc thuận buồm, xuôi gió, “ăn nên, làm ra” thì không may bà Guốt bị tai nạn.
Vụ tai nạn đã gây ra thương tích nặng nề. Trong vòng 6 năm bà phải chiến đấu dành lại sự sống, sức khoẻ qua 40 lần đại, tiểu phẫu thuật. Mọi vốn liếng tích luỹ được bao năm của gia đình bà đều dồn cả vào đây vẫn chưa đủ. Để có tiền chi trả cho những ca phẫu thuật ròng rã suốt 6 năm, gia đình bà phải đi vay mượn anh chị em, họ hàng gần xa, sau đó là bán cả nhà, cả xe đi để có tiền điều trị thuốc thang cho bà.
Khi sức khoẻ dần phục hồi cũng là lúc bà Guốt phải đối mặt với nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Nhìn ba đứa con thơ đang tuổi ăn, tuổi học phải sống trong cảnh đói khát, thương con bà tự nhủ không cho phép bản thân được gục ngã. Thế là bà lại lao vào lao động, sản xuất. Giữa lúc kinh tế gia đình kiệt quệ nhất, may mắn bà Guốt được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện nên mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi lợn kết hợp với thả cá.
Đến năm 2018, thấy trên nông trường Triều Hải, Quảng Ninh trồng nghệ đỏ chế biến thành tinh bột nghệ xuất sang Ấn Độ thuận lợi, vốn nhanh nhạy trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nên rất nhanh bà Guốt đã “bắt mối”, mạnh dạn đầu tư nhân giống trồng nghệ. Sau đó, bà lại hướng dẫn các chị em khác tại địa phương tổ chức sản xuất, rồi bao tiêu sản phẩm.
Nghệ đỏ là loại cây sinh trưởng, phát triển tốt, ưa khí hậu ôn hoà, ít sâu bệnh nên trong quá trình trồng, chăm sóc, người trồng không bao giờ phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vườn trồng cũng không phải làm cỏ nhiều, tốn ít công chăm sóc. Đã vậy, nghệ đỏ là giống nghệ có hàm lượng Curcumin cao hơn hẳn so với các giống nghệ khác được trồng ở nước ta. Mỗi năm cây nghệ đỏ cho thu nhập từ 8-10 triệu đồng/sào.
Từ những khó khăn, bỡ ngỡ của thời gian đầu bắt tay vào gắn bó với cây nghệ đỏ, nhờ tinh thần ham học hỏi, ý chí, nghị lực và quyết tâm vươn lên làm giàu, bà Guốt đã từng bước gặt hái được thành công.
Hiện, gia đình bà Guốt đang làm chủ vùng trồng nguyên liệu rộng 1 ha tại xã Tiên Thắng và 3ha tại nông trường ở Quảng Ninh, là chủ xưởng sản xuất bột nghệ và bột sắn dây với diện tích 130m². Qua đó, tạo công ăn, việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Sau nhiều năm ra mắt, xâm nhập thị trường, đến nay, sản phẩm tinh bột nghệ đỏ của xưởng sản xuất gia đình bà Guốt đã khẳng định được chất lượng. Được biết, sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng tạp hoá “Sơn Đông Quán” và bán Online trên Facebook với tài khoản có tên “Tinh bột nghệ Bà Guốt” với giá 600.000 đồng/kg.
Sản phẩm chiết xuất từ 100% củ nghệ tươi được tuyển chọn kỹ với quy trình sản xuất bảo đảm VSATTP mà vẫn giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên, hàm lượng Curcumin cao trong củ nghệ; không sử dụng hoá chất, phụ gia trong quá trình sản xuất, bảo quản. Phải mất 30kg nghệ tươi mới chiết xuất ra được 1kg tinh bột nghệ… Nhờ đó, sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng, lựa chọn.
Thu nhập của gia đình bà theo đó cũng không ngừng tăng lên. Hiện, không chỉ thoát khỏi diện hộ nghèo, gia đình bà Guốt đã vực dậy trở thành hộ có kinh tế khá giả, với mức thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm.
Và đáng trân quý hơn, không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình, bà Guốt còn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên giúp đỡ những người phụ nữ tàn tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và truyền cảm hứng, tiếp thêm nghị lực sống, ý chí cho họ cùng vươn lên thoát nghèo để không trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội.
KC